Bộ Y tế cho biết, sau hai năm triển khai Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), đến nay đã có 50,77 triệu người tham gia, đạt gần 60% dân số, tăng 11 triệu người. Đã có hơn 8.000 cơ sở khám chữa bệnh (KCB) ký hợp đồng với cơ quan BHXH để thực hiện KCB cho người có thẻ BHYT.

Đối tượng cận nghèo, trẻ dưới 6 tuổi, người dân tộc thiểu số đã được hưởng lợi nhiều từ dịch vụ KCB với mức hỗ trợ từ 50% đến 80% chi phí. Nhưng mới chỉ có 70% đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT có thẻ.

Mọi đối tượng đều dưới mục tiêu

Theo các mức đóng BHYT quy định trong luật thì đối tượng người nghèo, người có công, người cao tuổi đã được Nhà nước bảo đảm; hộ cận nghèo được hỗ trợ tối thiểu 50%; học sinh, sinh viên và người thuộc hộ nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình được hỗ trợ tối thiểu là 30%. Còn với các đối tượng khác, việc chi 4,5% tiền lương để đóng BHYT hoàn toàn trong khả năng của họ. Với quy định này, không ai phải đóng BHYT quá khả năng; người có điều kiện kinh tế sẽ đóng góp nhiều hơn, song cũng là sự chia sẻ với người kém may mắn hơn. Trên thực tế, không ai có thể biết trước mình sẽ mắc bệnh gì và sẽ phải chi phí cho việc KCB là bao nhiêu, nhưng khi tham gia BHYT ai cũng biết mình sẽ nhận được sự hỗ trợ nhờ số đông đã đóng BHYT. Tuy nhiên, theo đánh giá của bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), bản chất nhân văn của việc tham gia BHYT hiện vẫn chưa được thể hiện rõ. Bởi ngoài những đối tượng là người thường xuyên ốm đau, người có nguy cơ bệnh tật, người già, trẻ nhỏ thì còn khá nhiều đối tượng BHYT bắt buộc không tham gia. Ví như, hai đối tượng bắt buộc phải đóng BHYT là học sinh, sinh viên và công nhân viên chức, doanh nghiệp thì tỷ lệ tham gia đều chưa vượt quá 70%.

766707_small_64220.jpg
 Nơi đón tiếp bệnh nhân có thẻ BHYT tại Bệnh viện Bạch Mai.

Vướng mắc nhất vẫn là ở các đối tượng cận nghèo. Năm 2010 mới có 692.000 người trong số 6 triệu người thuộc hộ cận nghèo tham gia BHYT vì nhiều địa phương không lập được danh sách hộ cận nghèo mà chỉ tập trung cho hộ nghèo. Bên cạnh đó, thu nhập của người cận nghèo thấp, nên dù là chỉ phải đóng 50% cũng là quá khả năng, thậm chí có địa phương hỗ trợ tới 80% vẫn chỉ có khoảng 10% người cận nghèo mua thẻ BHYT. Theo tính toán, kể cả khi được hỗ trợ 50% mệnh giá thẻ thì mỗi người vẫn phải chi ra 270.000 đồng/thẻ/năm, nhân lên với khoảng 5-6 thành viên thì khoản tiền này đối với mỗi gia đình không hề nhỏ.

Đáng lưu ý, hiện còn gần 2 triệu trẻ dưới 6 tuổi chưa được cấp thẻ BHYT. Nhiều người nghèo, người dân tộc thiểu số cũng chưa có thẻ vì các địa phương nhận thẻ xong không chuyển tới người tham gia.

Thiệt thòi vì chưa hiểu luật

Trước khi có luật, người tham gia BHYT nếu đi KCB không đúng cơ sở KCB ban đầu, hoặc KCB không theo tuyến chuyên môn kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định (trừ trường hợp cấp cứu) thì không được hưởng BHYT. Nhưng theo Luật BHYT hiện hành thì bệnh nhân KCB trái tuyến bằng thẻ BHYT vẫn được thanh toán ở 3 mức 40%, 50%, 70% tùy theo bệnh viện tuyến trung ương, tuyến thành phố và cấp quận, huyện. Quy định này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc KCB của người có thẻ BHYT. Tuy nhiên, đã hai năm triển khai luật, vẫn rất ít người có thẻ BHYT biết đến quyền lợi của mình. Vì thế, nhiều người vẫn chủ động đăng ký khám dịch vụ, tự chịu hết chi phí, không dùng thẻ BHYT khi đến khám ở cơ sở trái tuyến, nhất là tuyến tỉnh, trung ương. Quy định người tham gia BHYT cũng có quyền KCB ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ, ngày lễ khi cơ sở y tế quá tải và sẽ được quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB theo phạm vi quyền lợi BHYT như trong ngày làm việc cũng không mấy người biết.

Mấu chốt của vấn đề là bệnh nhân KCB trái tuyến không được các bệnh viện cung cấp đầy đủ thông tin về việc sẽ được BHYT thanh toán một phần chi phí. Theo nhận định của một cán bộ ngành BHXH, bệnh viện tuyến trên không "mặn mà" với việc giải thích quyền lợi cho người bệnh vì khi được biết KCB trái tuyến vẫn được chi trả một phần viện phí, người bệnh sẽ vượt tuyến và tiếp tục gây nên tình trạng quá tải. Trong điều kiện cơ sở vật chất, máy móc, nhân lực còn hạn chế... nhiều bệnh viện đã tìm cách "né" bệnh nhân KCB trái tuyến. Còn tại địa phương, việc thông tin, tuyên truyền những quy định mới của Luật BHYT vẫn chưa được quan tâm nên quy định vẫn nằm trên giấy, chưa đến được với người tham gia BHYT. Hệ quả là người dân chưa thấy lợi ích thiết thân của việc đóng BHYT nên trốn tham gia dù là đối tượng bắt buộc.


Theo HàNộiMới