Ông Nguyễn Thanh Hiền: Phần chất vấn Bộ trưởng Bộ TN&MT có rất nhiều nội dung mà cá nhân tôi cũng như nhân dân cả nước, cử tri Nghệ An hết sức quan tâm. Đặc biệt là việc tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp, xung quanh vấn đề thất thoát trong xác định giá trị đất.
Thực tế, cổ phần hóa doanh nghiệp là một chủ trương hết sức đúng đắn, phù hợp của Đảng và Nhà nước trong quá trình xây dựng và phát triển. Có thực hiện tốt quá trình cổ phần hóa thì mới nhanh chóng thúc đẩy việc cải cách, đổi mới và phát triển doanh nghiệp Nhà nước…
Tuy nhiên, trong quá trình cổ phần hóa, hiện việc xác định giá trị đất không đúng với thị trường. Đây là vấn đề chúng ta cần phải hết sức lưu ý, đặc biệt là tình trạng có những trường hợp doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa xong, lại chuyển đổi QSDĐ, dễ gây thất thoát lớn cho ngân sách. Vấn đề không chỉ cá nhân tôi mà cử tri Nghệ An quan tâm đó là phải làm sao ngăn chặn được tình trạng này!
Theo tôi, bất cứ doanh nghiệp nào sau cổ phần hóa nếu muốn chuyển QSDĐ thì bắt buộc Nhà nước phải thu hồi và tiến hành đấu giá. Bởi lúc đó chúng ta mới xác định đúng giá trị, mới thực hiện được việc cổ phần hóa để thoái vốn.
Mặt khác, tôi cũng hết sức quan tâm đến việc xác định giá trị đất hiện nay. Theo Thông tư 36 của Bộ TN&MT, hiện chúng ta có đến 5 phương án xác định giá trị đất, dễ dẫn đến việc từng địa phương, tùy từng điều kiện cụ thể áp dụng khác nhau, cho nên dẫn đến tình huống không xác định được giá trị chung…
Hiện nay, ở nhiều nước khác có thể vận dụng tốt nhưng ở Việt Nam thời điểm này còn có nhiều bất cập, đặc biệt việc xác định giá trị đất không sát với thị trường. Đây là vấn đề không chỉ ở Nghệ An mà còn ở nhiều địa phương khác đang còn băn khoăn.
Nhìn vào bảng giá của Bộ TN&MT cũng thấy chênh rất nhiều so với thị trường… Thực tế đó, theo tôi cần tiếp tục chỉnh sửa Thông tư 36, như vậy chúng ta mới có cơ hội đưa giá trị đất đúng với yêu cầu phát triển, sát với thị trường hiện nay.
Đất đai và môi trường là những vấn đề liên quan chặt chẽ, mật thiết tới đời sống nhân dân, gắn với sự phát triển bền vững của đất nước, cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm. Thực tế, hiện nay đất và nước đều bị ô nhiễm ngày càng trầm trọng, phần lớn là do rác thải và phế liệu. Đó là bắt đầu từ nguồn nước, việc các dự án chưa quản lý tốt trong đầu vào, rác thải nông thôn…
Thực sự, rác thải sinh hoạt đe dọa môi trường không kém các nguồn gây ô nhiễm khác. Do ý thức và do quản lý không tốt, rác thải đang đổ ra sông rạch, ao hồ, gây ô nhiễm nguồn nước. Những loại rác có chất độc khi xử lý chôn vào lòng đất sẽ ảnh hưởng đến các loài sinh vật, thực vật phát triển trong môi trường đất… Đây là những vấn đề chúng ta đang phải đối mặt, cho nên rất cần những biện pháp, phương pháp xử lý tốt vấn đề về môi trường.
Cá nhân tôi đồng tình với các giải pháp Bộ TN&MT đưa ra. Đặc biệt, với kiểm soát hoạt động xả thải của doanh nghiệp, trên cơ sở phân tích rõ tình hình, thực trạng cũng như các hoạt động đã triển khai, kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế..., trong phần giải pháp thực hiện trong thời gian tới, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, sẽ đẩy mạnh phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm, không để phát sinh cơ sở gây ô nhiễm mới; đồng thời giảm các nguồn thải đang gây ô nhiễm; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, có chính sách ưu đãi các nhà máy, khu công nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến xử lý chất thải, tuần hoàn chất thải, giảm phát thải…
Từ thực tiễn Nghệ An, tôi đề nghị Bộ cần tập trung rà soát lại tất cả các hiện trạng liên quan đến môi trường, từ đó có biện pháp khoanh vùng xử lý.
Cần phải chặt chẽ, kiểm soát tốt các dự án đầu tư. Theo tôi, chúng ta rất cần các dự án đầu tư để phát triển nhưng cần phải lựa chọn dự án có công nghệ tốt, tránh tình trạng đưa về các dự án phát triển nhưng ảnh hưởng đến môi trường.
Cùng với đó, phải tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến các địa phương, đặc biệt thái độ trách nhiệm các cơ quan quản lý. Đây là vấn đề lâu nay nhiều đoàn kiểm tra nhưng vẫn chưa có chuyển biến. Tôi cho rằng, cần có giải pháp cụ thể sau kiểm tra, hậu kiểm tra là gì?
Đồng thời, cần tuyên truyền vận động nhân dân hiểu biết, nhận thức, trách nhiệm đóng góp sức mình trong việc giải quyết bài toán từ cơ sở.
PV:
Ông Nguyễn Thanh Hiền: Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà về các vấn đề liên quan đến công tác quản lý đất đai tại các thành phố lớn; tình trạng ô nhiễm môi trường và kiểm soát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp; các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu ở các vùng, địa phương, nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long... đã diễn ra sôi nổi, tranh luận thẳng thắn.
Đây là lần thứ 2 đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã nắm chắc vấn đề, trả lời rõ ràng, đầy đủ. Đặc biệt, Bộ trưởng đã thẳng thắn nhận trách nhiệm đối với những mặt còn hạn chế và đưa ra được những giải pháp căn cơ có thể xử lý tận gốc các vấn đề nóng trên mặt trận tài nguyên và môi trường. Xét đến cùng, đó chính là điều mà mỗi cử tri trông đợi ở phiên chất vấn.
Tuy nhiên, đại biểu và cử tri rất cần các giải pháp cụ thể và có thể khẳng định được thời gian, trách nhiệm của ai và sắp tới đây là cách làm như thế nào và giao cho ai…
Từ những vấn đề hôm nay đại biểu nêu, trong tổng hợp ý kiến cử tri, Bộ trưởng nhìn nhận được kết quả, thành tích trong lĩnh vực quản lý cũng như nhìn được những tồn tại, yếu kém để từ đó có biện pháp tập trung xử lý. Những vấn đề hôm nay Bộ trưởng hứa, nhận trách nhiệm trước Quốc hội, mong rằng Bộ sẽ quyết liệt, thực hiện nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế./.