giaxang150180682197415230906956316064234988959138_1652018.jpgẢnh minh họa
Sau khi lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và các bên, thừa lệnh Chính phủ, Bộ Tài chính vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thuế bảo vệ môi trường. Sau khi được Chính phủ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến và đưa ra quyết định có thông qua hay không sau khi lắng nghe đánh giá từ cơ quan thẩm tra.

Biểu thuế bảo vệ môi trường với một số hàng hóa

Đơn vị tính: VND

Hàng hóa Mức hiện hành Mức đề xuất
Xăng (trừ ethanol) 3.000 4.000
Dầu diesel 1.500 2.000
Dầu madút 900 2.000
Dầu nhờn 900 2.000
Mỡ nhờn 900 2.000

Trong tờ trình, Chính phủ đề xuất tăng mức thuế với xăng từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng, với dầu diesel từ 1.500 đồng lên 2.000 đồng. Dầu mazut và dầu nhờn, dầu hỏa, mỡ nhờn cũng tăng lên 2.000 đồng mỗi lít.

Như vậy, các mặt hàng trên đều được Chính phủ đề xuất tăng lên mức kịch trần theo khung cho phép của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo tính toán, ngân sách sẽ có thêm 14.368 tỷ đồng một năm từ việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu này.

Với phương án điều chỉnh dự kiến từ 1/7, theo tính toán, việc tăng thuế môi trường có thể tác động đến chỉ số tiêu dùng CPI tháng 7/2018 (so với tháng 6) khoảng 0,27-0,29% và tác động 0,11-0,15% đến CPI bình quân cả năm 2018.

Mặc dù vậy, theo tờ trình, việc tăng thuế này sẽ khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường như xăng E5, xăng E10, dầu diesel B5, dầu diesel B10, túi nilon thân thiện hơn.

Bên cạnh đó, với than đá các loại, cơ quan này cũng đề xuất tăng mức thuế bởi đây là sản phẩm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khi sử dụng. Tương tự với túi nilong thuộc diện chịu thuế, Chính phủ cũng đề xuất tăng mức thuế phải nộp lên 50.000 đồng một kg, cũng là mức trần theo quy định với mặt hàng này.

Tính tổng thể với các đề xuất lần này cho mọi mặt hàng, tổng ngân sách tăng thêm 15.189 tỷ đồng (trong đó 95% vẫn đến từ việc tăng thuế với xăng dầu).