Xem xét tính đặc thù khi sáp nhập xóm, bản, xã
Cử tri Lê Văn Hương, xã Châu Bình nêu thực trạng khó khăn xây dựng nông thôn mới của xã và kiến nghị có giải pháp hỗ trợ địa phương.
Còn ông Hà Văn Hoài, cử tri xã Châu Hội nêu ý kiến đề nghị xem xét việc sáp nhập xã đối với các xã miền núi như Châu Hội và Châu Nga. Vì 2 xã này cách nhau hơn 35 km nếu sáp nhập sẽ khó khăn cho nhân dân đi lại khó khăn; bên cạnh đó đề nghị Quốc hội xem xét việc tăng tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức công tác ở xã miền núi.
Ông Võ Anh Tuấn - Bí thư Đảng ủy xã Châu Nga đề nghị xem xét tính đặc thù khi sáp nhập xóm, bản ở các địa bàn miền núi; miễn giảm học phí hoàn toàn cho học sinh miền núi…
Chủ tịch UBND xã Châu Bình Lương Văn Đại đề nghị đẩy nhanh tiến độ thi công hồ chứa nước bản Mồng để nhân dân ổn định cuộc sống vì thời gian thi công đã kéo dài; xem xét đầu tư đường điện cho vùng khó khăn.
Cử tri Nguyễn Thế Danh, xã Châu Bình đề nghị Bộ Công Thương tính lại giá điện hợp lý cho nhân dân. Vì nếu giá điện tăng thì nhiều gia đình không có điều kiện sẽ gặp khó khăn.
Tại hội nghị, cử tri cho biết diện tích đất rừng chuyển về cho địa phương giao cho nhân dân là đất rừng phòng hộ, hoặc đất chất lượng kém, do đó cần có chính sách hợp lý khi giao đất lâm nghiệp cho nhân dân để tạo điều kiện sản xuất, nâng cao cuộc sống.
Quỳ Châu dự kiến giảm 69 xóm, bản
Ông Ngô Đức Thuận - Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu đã trả lời các kiến nghị của cử tri như vấn đề đầu tư hạ tầng cho 3 xã Châu Bình, Châu Nga, Châu Hội; lộ trình kéo lưới điện quốc gia vào các bản chưa có điện...
Đối với việc sáp nhập xóm, bản và xã, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu cho biết, toàn huyện có 146 khối, xóm, bản nhưng chỉ có 3 bản đạt tiêu chí theo quy định.
Căn cứ vào đặc thù của địa lý và dân số, dự kiến toàn huyện Quỳ Châu sẽ giảm 69 xóm, bản xuống còn 77 xóm, bản. Bên cạnh đó, từ nay đến năm 2021, Quỳ Châu chưa sáp nhập 2 xã Châu Hội và Châu Nga.
Ông Phan Đình Trạc - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương đã trả lời các kiến nghị của cử tri. Đối với việc sáp nhập xóm, bản, xã ở miền núi, Bí thư Trung ương Đảng cho rằng cần tính đến yếu tố đặc thù về khoảng cách, địa lý. Vì mục tiêu sáp nhập là để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trên địa bàn. Trong Nghị quyết của Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 cũng đã đề cập tới vấn đề này. Bí thư Trung ương Đảng Phan Đình Trạc tặng 20 suất quà cho gia đình chính sách, đặc biệt khó khăn các xã Châu Bình, Châu Hội, Châu Nga, huyện Quỳ Châu.. Ảnh Thành Duy
Đối với ý kiến xem xét lại việc tăng giá điện, ông Phan Đình Trạc cho biết Thủ tướng Chính phủ đã giao Thanh tra Chính phủ chủ trì thanh tra vấn đề này.
Tại hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng Phan Đình Trạc tặng 20 suất quà cho gia đình chính sách, đặc biệt khó khăn của 3 xã: Châu Bình, Châu Hội, Châu Nga, huyện Quỳ Châu.