(Baonghean) -Mùa Thu đương chầm chậm “nhịp hải hà” trên phố mới phố cũ. Thành phố Vinh 221 tuổi với những lối phố uốn lượn, những tuyến phố thẳng thớm hay đại lộ thênh thênh... có khi đã nhuốm nét cũ càng, có khi phơi phới diện mạo mới. Dưới hào hứng bước chân ta, có con phố in dấu chân người lại qua chỉ mới hàng thập kỷ; lại có tuyến phố mà dáng phố mới mẻ hôm nay lại chính là nét đường thiên lý của dằng dặc quá khứ lịch sử như con phố Mai Hắc Đế...

Cái cảm giác ngái xa dặm trường ấy có thể trước hết từ liên tưởng những cái tên Quán Bánh, Quán Bàu mốc hai đầu tuyến phố Nguyễn Trãi chắp vào phố Mai Hắc Đế chính ở Ngã ba Quán Bàu. Rồi mường tượng con đường cái quan nền đất từ phía Bắc vô xứ Nghệ quanh quanh “non xanh nước biếc như tranh họa đồ” xưa “bắt” vào trấn Yên Trường tức phố Vinh nay, thi thoảng ngoài các cỗ xe ngựa của quan lại đi đến công cán tại trấn, thì hình ảnh dặm dài thiên lý đọng ở những lữ khách đủ loại cuốc bộ qua, ngập ngừng bước chân trước thưa thớt những lữ điếm lom dom ánh đèn mái gianh vách nứa để tìm nơi nghỉ lại trấn nhỏ, cũng là từ bắt đầu con phố Mai Hắc Đế này.

Đầu thế kỷ 19, trong số các lữ khách bộ hành gánh gồng, tay nải nhuốm màu gió bụi ấy có một ông huyện hồi hưu cùng gia quyến vượt mấy trăm dặm từ trấn Sơn Nam Thượng (đất Hà Nam nay) về quê cha đất tổ ở Nghệ An. Ông dòng dõi Cương Quốc công Nguyễn Xí, vốn thi đậu cử nhân được bổ làm quan tri huyện trông coi con dân huyện Kim Bảng thuộc trấn Sơn Nam Thượng, nên sau này gia phả ghi là ông huyện Kim Bảng. Ông huyện và gia quyến từng có cái bước chân ngập ngừng trước các lữ điếm trên con đường cái quan “bắt” vào trấn nhỏ xưa không? Nhưng hôm nay hậu duệ đời chít của ông là tôi kính xin được thả lại cái bước chân mơ hồ nơi Ngã ba Quán Bàu, hầu tưởng nhớ tiền nhân huyết tổ, ngập ngừng bước chân trước căn nhà đánh số 93 là căn nhà cuối cùng của  đường Mai Hắc Đế bên mặt phố phía Tây, cửa đóng im ỉm suốt ngày đêm.

Khi nắng chiều vương vít chút ánh vàng cuối cùng trên mái phố, bà bán vé số già lích kích chiếc bàn nhỏ ngồi trước nhà 93, đợi bà bán chè đỗ đen đá đến ngả đòn gánh xuống để nào là “cho tôi một cốc”; “ừ thì cho tôi một vé!”. Thời nào rồi mà các bà vẫn áo nâu miệng bỏm bẻm nhai trầu, hay các bà là con cháu chi của nhà hàng lữ điếm lom dom ánh đèn thủơ trước, ngồi đây qua đây làm cho trọn nốt quả duyên mấy đời đưa đẩy khách qua đường?.

815301_small_104118.jpg

Đường Mai Hắc Đế - TP. Vinh.

Bên phố ồn ã lại qua, rộn ràng cửa hàng cửa hiệu, nhà cao tầng, nhà cấp bốn, là có một nét hồn phố cũ: Ngược vào thêm chút, rẽ vào con ngõ chưa được đánh số nằm giữa 2 số nhà 67 và 65 (treo biển văn phòng nhà đất) là chợ Quán Bàu kín đáo, giữ nét chợ phố thị xưa, có bán nhiều đồ ăn sẵn bình dân hợp túi tiền người lao động phổ thông nghèo ngoại ô... Này nếu là  bạn ở xa về ngủ khách sạn Bắc Kinh gắn 3 sao cao 15 tầng bên mặt Đông, giờ này có lời mời của bạn tri âm nhà quanh phố, muốn bày biện bữa rượu hồi tưởng hàn vi, thì cứ vô chợ này có đủ nem chả Nghệ rán giòn, chả cá rô ghém thì là chấm ruốc, hôi hổi xô nước lòng chiều từ lò mổ Nghi Phú ra... phỏng thú ẩm thực tình quê nào đậm đà hơn.

Bốn phía phố phường Vinh đâu đâu chẳng có cổ kính cong cong phố của những chùa chiền, di tích, di sản, công trình tâm linh... Nhưng một không gian thiêng liêng luôn hiện hữu niềm tự hào, lòng tri ân, cả nỗi đau  lớn lao thì chắc chỉ có một ở phố Mai Hắc Đế: Giữa tuyến phố mặt phía Tây này là Nghĩa trang Liệt sỹ thành phố được đánh số 15. Minh – chủ hiệu ảnh nhỏ được phép trưng biển trong cái nhà trực ban cổng Nghĩa trang cũng là bạn tôi.

Dễ đến 15 năm rồi bạn nhỉ, thoạt đầu một năm gặp bạn một lần, sau cách hai năm rồi nay đến những 5 năm mới một lần tình cờ gặp đâu đó giữa ồn ào phố xá, kịp hỏi nhưng chẳng kịp nghe trả lời đã vội vã phóng xe đi; thì Minh vẫn thế hình ảnh giản dị của cô bạn có đôi má bồ quân và nụ cười hiền hậu của hơn 15 năm trước. Nghĩ là Minh cứ thế vì Minh là người-chụp-ảnh-duy-nhất- ở - Nghĩa trang Liệt sỹ của thành phố chúng ta. Nghĩa trang chiều bình yên nơi các anh các chị liệt sỹ nằm, dần rộn bước chân của người dân tản bộ thể dục, thư giãn giữa lối đi trồng nhiều cây xanh, lát gạch sạch sẽ.

Một chiều như những chiều đã qua, đang đến, tôi sẽ muốn trở lại để gặp Minh giữa không gian thiêng liêng luôn hiện hữu niềm tự hào, lòng tri ân, cả nỗi đau lớn lao này. Bên cái không gian đằm chiêm nghiệm mặt phố phía Tây ấy, là cả một không gian mở dồn nén các công trình khu đô thị mới hiện đại; như sẽ là tấm gương soi thời gian cho bên mặt phố phía Đông rợp bóng cây xanh, có những công trình công cộng xây cất từ vài thập niên về trước, nay vẫn giữ nguyên vẻ cũ đã cho phố có cái nét lưu cữu riêng về diện mạo và nếp chầm chậm bán mua người phố nhiễm nếp người trước người sau đến và yêu...  

Bây giờ, đi trên đường Mai Hắc Đế, ở giữa đô thị xứ Nghệ 221 tuổi, ngó sang 2 bên mặt phố có nét cũ vẻ mới đối nhau này, là bạn đang được “trực quan” một nét đặc biệt Vinh đó: Không ngừng xây dựng, phát triển và bên cạnh lưu giữ nếp đời sống riêng có để tạo một diện mạo đô thị văn minh, hiện đại trên đất Nghệ An!

Việc gắn tên đường Mai Hắc Đế dài hơn một cây số như bây giờ được thực hiện theo quyết định số 1301 ngày 11/4/1997 của UBND tỉnh Nghệ An về việc đặt tên đường ở TP. Vinh, trong đó quyết định phân đoạn một số tuyến đường đã đặt tên mà quá dài; Mai Hắc Đế được chọn để đặt tên mới phân đoạn cho đường Nguyễn Trãi lúc bấy giờ. Trong các danh nhân được gắn tên cho các tuyến phố của Vinh, trừ An Dương Vương (Thục Phán) là người lập ra nước Âu Lạc vào khoảng những năm 254 -179 trước công nguyên theo huyền sử, thì Mai Hắc Đế (Mai Thúc Loan) là người có... tuổi cao nhất!

Đang còn một số vấn đề về cuộc khởi nghĩa Hoan Châu do Mai Thúc Loan lãnh đạo cùng với vương triều do ông thành lập cần làm sáng tỏ, xác minh và lịch sử chưa hẳn ngã ngũ về thời gian tồn tại cuộc khởi nghĩa Hoan Châu từ đầu thế kỷ thứ 8, nhưng đã xác tín được cuộc khởi nghĩa giải phóng toàn bộ đất nước khỏi ách đô hộ từ phương Bắc của nhà Đường này kết thúc vào năm 722, để từ đó truy chiếu lại Mai Hắc Đế sinh vào đầu thế kỷ thứ 7 tại Nam Đàn, Nghệ An ngày nay. Và cuộc khởi nghĩa Hoan Châu 1.300 năm về trước quét sạch quân xâm lược phương Bắc khỏi cõi Việt Thường, lập nên nhà nước Vạn An độc lập đã mãi mãi ghi danh Mai Hắc Đế vào lịch sử hào hùng của dân tộc, để Thành phố Vinh hôm nay tự hào ghi tên ông – người con quê hương, lên một tên đường!