(Baonghean) - Nghệ An hiện có 8.016 cán bộ công an xã, thị trấn. Trong đó có 453 người giữ chức vụ Trưởng công an xã, 725 người là Phó công an xã, số còn lại là công an viên thường trực và công an thôn bản. Trong những năm qua lực lượng công an xã ở Nghệ An đã giải quyết tới 80% số vụ việc xảy ra ở cơ sở, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội tại các địa bàn dân cư.

Những tấm gương điển hình lực lượng công an xã


Ai đã gặp Lữ Đức Hải sẽ khó quên được nụ cười hiền, vóc dáng mảnh dẻ, song lại ẩn chứa sức mạnh ít ai có được. Năm 2004, khi vừa bước vào tuổi 19, Lữ Đức Hải đã trực tiếp tham gia phá 2 vụ buôn bán ma túy, bắt 2 đối tượng tội phạm. Khi đó Hải đang là Tổ trưởng tổ thanh niên xung kích của bản Sơn Hà – xã Tam Quang – huyện Tương Dương. Từ một đoàn viên ưu tú ở cơ sở, Lữ Đức Hải được Đoàn xã Tam Quang cử vào Hội Liên hiệp thanh niên xã với vai trò Phó Chủ tịch. Nhưng cái “máu” bắt tội phạm vẫn theo Hải như một duyên nghiệp. Năm 2005, Hải tham gia bắt thành công 2 đối tượng trộm cắp tài sản bỏ trốn, bắt 4 đối tượng nghiện ma túy và đưa đi cai nghiện tập trung. Cũng trong năm 2005, đang là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên xã Tam Quang, Lữ Đức Hải được điều chuyển sang nhận nhiệm vụ Phó Công an xã.

Chỉ nửa năm sau khi công tác ở lĩnh vực mới, Hải gặt hái danh hiệu Chiến sỹ giỏi. Tiếp đó, liên tục từ năm 2006 đến năm 2008, Hải đều đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp huyện, nhiều lần được Giám đốc Công an tỉnh tặng Giấy khen vì những thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; được Tỉnh đoàn Nghệ An suy tôn điển hình tuổi trẻ làm theo lời Bác… Hải đã chia sẻ: “Tài giỏi chi! Thấy cái xấu mình không ngồi yên được. Mình là công an xã mà…”.

Lữ Đức Hải chỉ là 1 trong số trên 8.000 cán bộ công an xã của 453 xã, thị trấn toàn tỉnh. Được xem là lực lượng vũ trang bán chuyên trách, song thực tế cho thấy đội ngũ công an xã đã và đang giữ vai trò nòng cốt trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc. Từ năm 2008 đến nay, lực lượng công an xã đã trực tiếp giải quyết trên 10.000 vụ việc vi phạm pháp luật, chuyển điều tra xử lý gần 2000 vụ; phối hợp với các lực lượng triệt xóa hơn 500 tụ điểm phức tạp về ma túy. Toàn tỉnh hiện đã xây dựng được 470 mô hình, tổ chức quần chúng bảo vệ an ninh trật tự. Qua đó nhân dân đã cung cấp hàng chục ngàn nguồn tin có giá trị giúp cơ quan công an tổ chức đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội.

Một trong những tấm gương điển hình nhất của lực lượng công an xã phải kể đến là Trưởng Công an xã Mỹ Lý – huyện Kỳ Sơn, Lô Văn Thắng. Ông Thắng nói rằng, không biết mình đã tham gia bao nhiêu vụ, bắt bao nhiêu đối tượng. Chỉ biết rằng xã Mỹ Lỹ với địa hình rừng núi hiểm trở, có đường biên giới dài 58 km, tiếp giáp với 6 bản, 3 xã của tỉnh Hủa Phăn nước bạn Lào nên tình hình an ninh trật tự rất phức tạp, nhất là tội phạm tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy và các vi phạm quy chế biên giới. Với trọng trách của người đứng đầu ngành Công an cơ sở, với sự phối hợp, hỗ trợ của cán bộ, chiến sỹ Công an huyện Kỳ Sơn, Lô Văn Thắng và lực lượng công an xã đã tham gia triệt phá thành công 3 đường dây vận chuyển, buôn bán ma túy qua biên giới Việt – Lào trên địa bàn xã Mỹ Lý. Công an xã trực tiếp triệt xóa 4 tụ điểm phức tạp về ma túy, phối hợp bắt giữ và bắt giữ 39 vụ, 42 đối tượng, thu 113 gram heroin, 145 viên ma túy tổng hợp.

801922_small_104158.jpg

Ông Lô Văn Thắng – Trưởng Công an xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn) và Thiếu tá Vừ Bá Mùa - Công an huyện Kỳ Sơn trao đổi nghiệp vụ.

Ngoài ra ông Lô Văn Thắng phát hiện và trực tiếp bắt 6 đối tượng trộm trâu bò, thu giữ 6 con bò với tổng trị giá trên 45 triệu đồng trả cho người bị hại. Thiếu tá Vừ Bá Mùa – Đội trưởng Đội Xây dựng phong trào và phụ trách xã về ANTT – Công an huyện Kỳ Sơn nói rằng, nếu không có lực lượng công an cơ sở, thì việc bảo đảm an ninh trật tự khu vực biên giới khó mà thực hiện được. Những việc mà Trưởng Công an xã Mỹ Lý – Lô Văn Thắng làm được còn lớn hơn nhiều. “Ít có ai dám bỏ tiền túi để lo việc làng, việc bản. Ít người dám vượt lũ rừng bất chấp hiểm nguy đe dọa tính mạng để cứu 20 trẻ nhỏ và phụ nữ trong cơn cuồng phong. Có lẽ chỉ có đồng chí Lô Văn Thắng...”.

Có rất nhiều tấm gương điển hình công an xã trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Thượng tá Đinh Bạt Cẩm – Phó trưởng phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc – Công an Nghệ An khẳng định: Công an xã là lực lượng chiến lược giải quyết 80% vụ việc ở cơ sở, là công cụ chuyên chính của Đảng và Nhà nước ở địa bàn dân cư. Không chỉ đi đầu trong đấu tranh phòng ngừa và ngăn chăn các loại tội phạm mà còn tiên phong trong các phong trào thi đua của địa phương, là những hạt nhân trong công tác dân vận ở cơ sở. Thời gian qua lực lượng công an xã của Nghệ An đã tổ chức được trên 4.600 buổi tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật với gần 400 nghìn lượt người tham gia.

Chính sách nào cho công an xã?

Công an xã là lực lượng trực tiếp tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, truy bắt đối tượng, trong đó có nhiều đối tượng manh động nguy hiểm mà trong tay không một “tấc sắt”. Công an xã Diễn Lâm (Diễn Châu) có 6 thành viên, gồm 1 trưởng, 2 phó và 3 an ninh thường trực. Ngoài ra tại 25 xóm dân cư có 25 công an viên. Khi triển khai công tác bảo đảm an ninh trật tự, Công an xã Diễn Lâm được hỗ trợ 4 chiếc còng và 4 cây gậy cao su.

Ông Thái Doãn Tâm – Trưởng Công an xã Diễn Lâm tâm sự, 18 năm hoạt động trong lực lượng công an xã, rất nhiều lần ông và anh em đồng đội phải dùng “mẹo” để trấn áp hoặc bắt đối tượng phạm tội, “Ví dụ như cố tình gây ồn ào, làm cho đối tượng mất tập trung rồi xông vào bắt”. Nhưng biện pháp này không có nhiều tác dụng đối với những đối tượng phạm tội có tính chất nghiêm trọng như ma túy, hay các đối tượng côn đồ, manh động. Chính vì vậy, không dễ để lực lượng công an xã có nhiều tự tin khi tham gia tấn công, truy quét tội phạm “Nó cầm dao làm răng mà mình đưa bụng vào được” – đó là chia sẻ của ông Nguyễn Hữu Ngân - Trưởng Công an xã Nghĩa Hợp, huyện Tân Kỳ.

Ông Ngân cũng cho biết, Nghĩa Hợp là xã nằm ở địa bàn nhạy cảm về ANTT, giáp ranh với Trại giam số 3 –Bộ Công an nên với dân số địa bàn chưa đầy 3.000 người của 7 xóm, nhưng được biên chế 1 trưởng công an xã, 2 phó và 3 an ninh thường trực. Cũng cần giải thích thêm, hiện nay lực lượng công an xã được bố trí theo tính chất, số dân và điểm nóng của địa bàn. Nếu là các xã khu vực biên giới, trọng điểm về ANTT, hoặc có dân số trên 5000 người sẽ được xếp loại 1, loại 2 với biên chế 1 trưởng, 2 phó công an và 3 an ninh thường trực. Các xã còn lại thuộc loại 3 với 1 trưởng, 1 phó và 2 an ninh thường trực.

Trở lại với xã Nghĩa Hợp, huyện Tân Kỳ, lực lượng công an tại đây có công cụ hỗ trợ là 3 cái còng số 8, mỗi người được trang bị 1 gậy cao su. Trong khi đó, theo Phó trưởng Công an xã Nghĩa Hợp – Trương Xuân Hợp, các xã xung quanh như Nghĩa Dũng, Nghĩa Bình, Nghĩa Đồng, Nghĩa Thái đã đảm bảo được 40% công cụ hỗ trợ theo quy định, có roi điện, súng bắn đạn cay. Còn Nghĩa Hợp không biết bao giờ mới được trang bị những công cụ như thế.

Ngoài trang phục được Công an tỉnh hỗ trợ đầy đủ, lâu nay công cụ hỗ trợ hoạt động của công an xã đều do chính quyền cơ sở đầu tư, mua sắm. Vậy nên, việc trang bị công cụ hỗ trợ, kinh phí hoạt động cho lực lượng bán chuyên trách vũ trang của xã phụ thuộc vào nguồn kinh phí của địa phương. Và như một lẽ đương nhiên, không thể đòi hỏi nhiều hơn ở những xã nghèo.

Sự dấn thân của lực lượng công an xã không chỉ được khẳng định trong điều kiện làm việc hằng ngày. Còn thể hiện ở chỗ từ trước đến nay các chiến sỹ an ninh cơ sở làm việc chủ yếu bằng tinh thần, ý chí chứ không phải bằng đồng lương trả công mỗi tháng. Theo quy định, lực lượng công an xã ngoài người giữ cương vị trưởng công an được hưởng chế độ công chức, lương và các chính sách xã hội khác, số còn lại đều dựa và nguồn hỗ trợ của chính quyền cơ sở.

Theo đó, mức chi trả cho chức danh Phó Công an xã bằng một mức lương tối thiểu, tương đương 1.050.000 đồng/tháng. Những công an viên thường trực, được hưởng hệ số 0,8 tức là bằng 80% mức lương tối thiểu, tương đương khoảng 800 nghìn đồng/tháng, còn các công an viên thôn, bản tùy theo mức hỗ trợ của từng địa phương. Anh Phan Bá Hiến, Phó trưởng Công an xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương nói rằng, phải là những người giàu nhiệt huyết với phong trào thì mới gắn bó với công việc được. Thu nhập từ “cương vị” Phó Công an xã của anh Hiến chỉ vừa đủ tiền xăng xe, đó là chưa kể đến giỗ đám, hiếu hỷ. Cuộc sống của gia đình anh chủ yếu dựa vào 3 sào ruộng. Thực tế này còn được ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Thanh Mỹ (Thanh Chương) chứng minh thêm: Nếu vì mục đích kinh tế thì không ai vào làm công an xã. Có những người suốt hàng chục năm không đưa được đồng nào về cho vợ con.

Với “thu nhập” khoảng 800 nghìn đồng/người/tháng thật khó mà nghĩ được những chiến sỹ hoạt động trong lĩnh vực “hiểm nguy” ở cơ sở đang hằng ngày, hằng giờ duy trì công việc và cuộc sống của mình. Tất cả phải nhìn vào ruộng nương của gia đình, dựa vào điều kiện canh tác, sản xuất nông nghiệp. Vậy điều gì đã thôi thúc để những người làm công tác an ninh cơ sở gắn bó với nhiệm vụ. Chỉ có thể nói được rằng, đó là những người giàu nhiệt huyết, vì một chữ “Tâm”.

Theo ông Phạm Văn Hóa – Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ, trong điều kiện ngân sách Nhà nước dành cho lực lượng công an xã và an ninh thôn bản hạn hẹp thì việc thực hiện xã hội hóa công tác bảo đảm an ninh trật tự là điều cần được tính đến. Xã hội hóa bằng việc nhân dân tham gia đóng góp kinh phí để duy trì hoạt động của lực lượng công an xã, an ninh địa bàn. Thực ra, đối với chính quyền và nhân dân xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương thì việc làm này đã được thực hiện từ nhiều năm nay. Với yếu tố của xã loại 3, lực lượng Công an xã Đặng Sơn gồm có 1 trưởng công an, 1 phó, 2 an ninh thường trực và 14 an ninh viên của 7 xóm.

Nguồn thu nhập của các an ninh viên thôn xóm dựa vào mức thống nhất đóng góp của các hộ dân. Mức trả công được tính dựa trên diện tích hoa màu mà công an viên tham gia bảo vệ. Phương thức được thực hiện là: trên diện tích 1 sào lúa, công an viên sẽ được hưởng bao nhiêu kg thóc quy thành tiền (căn cứ mức giá từng thời điểm do Nhà nước áp dụng). Bà con nông dân và lực lượng công an viên sẽ thỏa thuận, thống nhất về điều này. Cho dù nguồn thu nhập hiện tại của công an viên thôn xóm ở xã Đặng Sơn chưa cao, chỉ giao động từ 500 nghìn đồng đến trên 600 nghìn đồng/người/tháng, song đây là cách làm phù hợp với nhiều địa bàn, có ý nghĩa gắn trách nhiệm của người làm công tác an ninh cơ sở với người dân và nghĩa vụ của các hộ dân đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Có thể khẳng định: Công an xã là lực lượng giữ vai trò then chốt trong phong trào đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm ở cơ sở; là lực lượng dập tắt các vụ việc, biểu hiện vi phạm pháp luật khi vừa nhen nhóm. Công an xã cũng đồng thời chịu nhiều rủi ro, thiệt thòi trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Nếu không có lòng dũng cảm, gan dạ hẳn Lữ Đức Hải – Phó trưởng Công an xã Tam Quang đã không dám lao vào đối tượng nhiễm HIV để rồi phải ròng rã suốt đêm xuống Thành phố Vinh uống thuốc chống phơi nhiễm. Nếu không vì phong trào, vì cuộc sống của bà con nhân dân Trưởng Công an xã Diễn Lâm - Thái Doãn Tâm đã bị bọn côn đồ đâm xe máy vào người khi bị truy đuổi. Chỉ có thể nói: Công an xã – hơn cả lòng dũng cảm.


Đào Tuấn