(Baonghean) -Một người bạn nước ngoài đã nhờ tôi tư vấn cho một bộ phim Việt Nam để viết bài luận. Không đắn đo, nghĩ ngợi, tôi bảo: “Áo lụa Hà Đông”. Xem xong bộ phim, tôi hỏi cảm nghĩ của anh thì nhận được câu trả lời: “Rất đẹp, rất Việt Nam!”. Hôm ấy, chúng tôi đã khóc. Người bạn của tôi khóc vì sửng sốt và xúc động. Còn tôi, tôi khóc vì nhớ nhung một nét duyên dáng Việt Nam...

Tiền thân của áo dài ngày nay chính là áo tứ thân, trang phục truyền thống của phụ nữ miền Bắc mà nay ta vẫn gặp trong các loại hình nghệ thuật cổ như chèo, hát quan họ... Do khổ vải ngày xưa nhỏ nên vạt sau áo tứ thân phải căn 2 tà lại với nhau, cộng với 2 tà trước thành ra 4 tà tượng trưng cho 4 vị phụ mẫu của 2 vợ chồng. Tên gọi “tứ thân” cũng từ đó mà ra. Nghĩ đến áo tứ thân là nghĩ đến cô con gái chít khăn mỏ quạ, yếm cánh nhạn màu đỏ đào lấp ló sau chiếc áo cánh mỏng, váy đen, ngoài khoác chiếc áo tứ thân màu nâu non, buộc vạt, vai gồng gánh hối hả bước trên đường làng.

Chính áo tứ thân là nét đặc trưng nhất cho đàn bà, con gái nông thôn vì gọn gàng, tiện làm lụng lại vừa tung tẩy, đáng yêu. Sau này dưới thời vua Gia Long (1802-1819) xuất hiện áo ngũ thân phổ biến trong giới thành thị, “cách tân” từ áo tứ thân với 1 tà áo con phía trước tượng trưng cho người mặc. Tà con có thể khép kín lại nhờ 5 chiếc khuy tượng trưng cho ngũ thường Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín theo quan điểm của Nho giáo và ngũ hành Kim - Mộc - Thuỷ - Hoả - Thổ theo quan điểm triết học Đông Phương. Khác với áo tứ thân, áo ngũ thân phải mặc với quần chứ không mặc được với váy. Dân gian còn lưu truyền câu ca: Tháng Tám có chiếu vua ra/Cấm quần không đáy, người ta hãi hùng/Không đi thì chợ không đông/Đi thì phải lột quần chồng sao đang, ý châm biếm lệnh cấm đàn bà mặc váy của vua Minh Mạng. Lệnh vua thì mặc lệnh vua, đàn bà con gái miền Bắc vẫn cứ mặc váy, nên đến nay mới có câu “Tối kiến như cấm quần không đáy” là vì thế.

Đến đây, có lẽ bạn đọc sẽ thắc mắc sao vẫn chưa thấy chiếc áo dài hiện đại nên hình, nên hài? Xin hãy tiến đến mốc 1930, tức là vào thế kỷ 20, hoạ sĩ Cát Tường (tên dịch sang tiếng Pháp là Le Mur) đã khơi dậy phong trào cải cách mỹ thuật trong trang phục. Mẫu áo dài Le Mur vay mượn những nét phương Tây như nối vai và tay phồng, cổ lá sen, khuy cài trên vai, mặc với quần trắng đã gây nhiều tranh cãi trong xã hội thời ấy. Giai đoạn “tân thời” này được Vũ Trọng Phụng phản ánh trong tác phẩm “Số Đỏ” bằng ngòi bút trào phúng không mấy thiện cảm... Chỉ khi hoạ sĩ Lê Phổ cải tiến áo dài Le Mur cho gần gũi với áo tứ thân, ngũ thân truyền thống, thì tà áo dài hiện đại với thân trên ôm sát người, thân dưới buông dài mới đạt đến hình hài chuẩn mực.

Đến nay, hình dáng chiếc áo dài về cơ bản vẫn giữ nguyên như áo dài Lê Phổ, trừ một số thay đổi như kiểu may ráp tay giác lăng (raglan) được một nhà may Sài Gòn nghĩ ra vào thập niên 60. Cách may hàng nút cài từ cổ xéo xuống nách rồi chạy dọc bên sườn này đã giải quyết được những nếp nhăn hai bên nách theo kiểu may thông thường. Một kiểu áo dài khác là áo dài mini giác lăng với phần tà dài tới gối, ống quần rộng, một thời được dùng làm đồng phục cho nữ sinh Sài Gòn.

801888_small_104120.jpg

Tà áo dài Việt Nam.     Tranh: Hải Triều

Rõ ràng áo dài là biểu trưng cho Việt Nam nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng. Một người bạn nước ngoài từng nói với tôi như sau: “Ở Việt Nam có 2 cái đẹp rất ấn tượng, thứ 1 là con gái Việt Nam mặc áo dài và thứ 2 là con gái Việt Nam nấu ăn ngon, nhất là phở và nem”. Câu nói của bạn tôi quả thực chí lí, vì đúc kết từ 2 “chân lí” là “Đàn ông yêu bằng mắt” và “Con đường ngắn nhất đến với tình yêu đi qua dạ dày”. Đứng trên góc độ của nền văn hoá truyền thống ảnh hưởng bởi tư duy phong kiến mà nói, người phụ nữ dĩ nhiên gắn liền với thiên chức người vợ, người mẹ chăm chút cho cái bếp của gia đình luôn cháy đượm.

Nhưng người phụ nữ của thời đại mới không chỉ quẩn quanh nơi chái bếp, góc vườn. Tất cả những nét xưa và nay, truyền thống và tân thời đó đều gói gọn trong tà áo dài thướt tha, ý nhị, thoáng nền nã, kín đáo đấy đã lại bay bổng, gợi những hồn mơ ngay. Bản thể đầy mâu thuẫn, phức tạp, bí ẩn ấy là hiện thân của chính người phụ nữ: khi thì mong manh, yếu đuối, lúc lại khao khát, mãnh liệt. Vẻ đẹp đa dạng của tà áo dài đã khơi nguồn sáng tạo cho bao nhiêu thế hệ văn nghệ sĩ nước nhà. Người ta thường nói, nhà thơ phải có nàng thơ, ý nói người nghệ sĩ là người yêu cái đẹp, sống vì cái đẹp và cũng có thể...chết vì cái đẹp. Nói đến cái đẹp là nói đến người phụ nữ, và từ cổ chí kim, dù theo trường phái nào đi chăng nữa thì các ông nhà văn, nhà thơ vẫn nhất nhất đồng ý rằng người phụ nữ đẹp nhất khi mặc áo dài. Chẳng thế mà Nguyên Sa giữa chốn Paris tráng lệ vẫn phải ngẩn ngơ nhớ nhung một tà “Áo lụa Hà Đông”, hay Trịnh Công Sơn không thôi ám ảnh về tà áo dài thấp thoáng bay trên con đường trong giấc mơ “Hạ Trắng”...

Có cái gọi là mốt thời trang, nghĩa là những cái được định nghĩa là đẹp trong một không gian và thời gian nhất định. Những cái đẹp đó không tồn tại vĩnh cửu, thậm chí, về bản chất, liệu có thể coi đó là Cái Đẹp thực sự hay không? Khó mà giải thích được vì sao ngày xưa người ta chuộng mặc quần ống loe, bởi vì một cô ca sĩ, diễn viên nào đấy khởi xướng ra cái trò đó, để rồi 5, 10 năm sau cô ca sĩ “quần loe” hết thời, nhường chỗ cho cô “quần bó”. Tấn trò lố đến đây vẫn chưa hạ màn, khi mà 15, 20 năm sau đó, người ta lại đồng loạt thi nhau mặc quần loe! Đến nỗi, sự cách tân - hoài cổ ngẫu hứng đã trở thành định nghĩa cho mốt thời trang. Đây cũng chính là lý do khiến cho mốt thời trang bị đóng khung về thời gian - không gian - đối tượng - hoàn cảnh.

Một cô gái mới lớn mặc áo “coóc-sê dài gần chạm rốn” và quần “xi-líp bò” (áo cộc hở rốn và quần soóc cực ngắn) có thể được xem là hợp thời (xin không dùng từ đẹp vì những lí do khách quan và chủ quan). Cũng bộ quần áo ấy, mặc đến trường, đến những nơi có tính chất nghiêm túc, trang trọng, liệu có “đẹp” không? Hoặc cũng bộ quần áo ấy, một đứa con nít chưa thay hết răng sữa hay một bà già mặc, liệu có được xem là “đẹp”? Đó chính là lý do khiến xã hội ngày nay thỉnh thoảng (một cách thường xuyên) sản sinh những “quái thai”, những “thảm hoạ” thời trang, khi người mặc không xác định được mặc như thế nào là phù hợp.

Từ đó suy ra, tà áo dài mang một vẻ đẹp kì diệu đến không tưởng. Từ trẻ nhỏ cho đến người già, bất kể béo - gầy, cao - thấp, có lẽ không ai lại không mặc được áo dài. Áo dài gợi lên được nét yểu điệu chưa bộc lộ hết ở những bé gái, khoe được cái thắt đáy lưng o­ng của người phụ nữ đang tuổi xuân thì, khoả lấp đi những dấu vết của thời gian ở người đàn bà luống tuổi. Nữ sinh mặc áo dài đi học thì trong sáng mà đáng yêu, phụ nữ mặc áo dài trong lễ cưới hỏi thì ý nhị, đoan trang mà nữ tính, đầy sức sống, người già mặc áo dài lại gợi nét gì xưa cũ giữa hiện tại viên mãn, đề huề.

Không phải ngẫu nhiên mà tà áo dài được người Việt mình yêu quý và lưu giữ qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử. Vượt ra ngoài giới hạn, chức năng của một bộ trang phục, tà áo dài là hiện thân của những phẩm tính và vẻ đẹp đáng quý nhất của người phụ nữ. Khi khoác trên mình tà áo dài dân tộc, ta mới thấy thấm thía câu thành ngữ “Người đẹp vì lụa”, vì tà áo dài không chỉ tô điểm cho vẻ đẹp bên ngoài mà cả vẻ đẹp nội tâm của người phụ nữ Việt Nam!

Xã hội hiện đại đồng nghĩa với việc không ngừng vận động, dung nạp cái mới, đào thải cái cũ. Nhưng không có nghĩa là cái gì mới cũng đẹp, cái gì cũ cũng xấu. Có những cái cũ mà không bao giờ cũ, vì đã nhập vào với đất nước, con người thành một bản thể, cùng tồn tại và biến chuyển. Những gì còn lắng lại sau ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, từ một thuở hồng hoang chim Lạc cho đến màu cờ đỏ sao vàng, chính là cái cốt, cái hồn, tinh hoa và vẻ đẹp của dân tộc. Phải làm sao để tà áo dài không ngắn lại bao giờ, để vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam là chuẩn mực và vĩnh cửu. Phải làm sao để khi bơ vơ giữa những thành phố phồn hoa, tráng lệ, thoáng thấy tà áo dài mà chợt mát cả tâm hồn!


Hải Triều