(Baonghean) - Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, điều “kiêng kị” nhất, đó là sự bắt chước. Vậy nhưng, có một nghề mà càng “đạo”, càng bắt chước giống bản gốc càng tốt, càng được xem là thiện nghệ và mặc nhiên được xã hội công nhận. Đó là nghề chép tranh.
Tôi có mặt tại Gallery Không gian đẹp (351 Nguyễn Văn Cừ, TP. Vinh) vào lúc anh Triệu Tiến Thắng và hai họa sỹ khác đang mải miết trên giá vẽ. Đưa mắt nhìn quanh phòng tranh chỉ chừng 25m2, thấy ngổn ngang những “Thiếu nữ bên hoa huệ” của Tô Ngọc Vân, “Đêm đầy Sao” của Van Gogh … và vô số tranh của những danh họa khác, chỉ có điều, tất cả ở đây đều là tranh chép. Mê mải đắm chìm trong thế giới của những sắc màu, mãi đến khi hoàn thiện những nét cọ cuối cùng, anh Thắng mới gọi giật giọng, mỉm cười nhìn tôi như thể trần tình cho cái sự tiếp khách chưa được chu toàn của mình. Anh bảo: “Gắng làm cho xong để ngày mai giao tranh cho khách. Bức này khổ lớn, bố cục phức tạp và nhiều chi tiết, vẽ cả tuần giờ mới xong đấy”.
Anh chia sẻ, nhiều người vẫn quan niệm, người làm nghề chép tranh chỉ như tay thợ vẽ, chỉ cần nắm chắc kỹ thuật hội họa cơ bản và biết pha màu là làm được! Thực ra, có trong nghề mới biết không chỉ đơn giản như thế. Chép tranh khó nhất là nắm bắt được cái hồn của tác phẩm gốc, muốn vậy, bản thân người họa sỹ phải có “họa cảm” tốt, thực sự yêu cây cọ, giá vẽ và yêu cả bức tranh gốc mới chép thành công. Nhiều người vào nghề với tâm thế thờ ơ, qua chuyện, thậm chí coi thường nghề đã bị nghề đào thải. Anh Thắng kể cho tôi nghe những ngày đầu vào nghề, anh không thể quên được cảm giác hồi hộp, run rẩy, lóng ngóng khi “đi” những đường cọ đầu tiên họa lại tác phẩm kinh điển của danh họa Van Gogh. Rồi cả những kỷ niệm buồn khi chép tranh không đạt bị trừ tiền lương, bị dọa đuổi việc… Bao nỗi niềm từng trải trong nghề không làm anh nản chí, việc chép tranh đã cho anh cơ hội trau dồi tay cọ và điêu luyện hơn về dựng hình, dựng khối, vẽ nền… Tất cả những điều đó trở thành kinh nghiệm để anh mở gallery này sau 11 năm đi chép tranh thuê.
Hiện tại, gallery của anh luôn có 4 họa sỹ và hai thợ làm khung, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của khách hàng. Tất cả họ đều đã tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học chuyên ngành hội họa ở trong và ngoài tỉnh, cũng đã từng lặn lội mưu sinh khắp nơi, nhưng rốt cuộc đã neo lại ở đây để hành nghề chép tranh. Anh Trần Mạnh Tiến – cựu sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Huế chia sẻ quan điểm của mình, chép tranh là cách để những sinh viên mới ra trường như anh có điều kiện để luyện tay nghề, sau đó dần dần sẽ tìm ra cho mình một “gu” sáng tác riêng, tránh đi vào lối mòn, vì nếu chép tranh lâu ngày dễ dẫn đến chai lì cảm xúc trong thể hiện tác phẩm. Anh nói, không chỉ riêng gì ở nước ta mà ở các nước châu Âu, nghề chép tranh đã tồn tại từ lâu và có không ít các họa sỹ nổi tiếng thế giới cũng từng đi chép tranh thuê. Mơ ước của anh, cũng như của nhiều họa sỹ trẻ khác, là sau thời gian vật lộn với nghề chép tranh để mưu sinh, thì họ sẽ có những tác phẩm nghệ thuật đích thực đến được với công chúng. Nhưng xem ra, với nhiều họa sỹ trẻ, con đường đó còn quá xa vời…
Không chỉ có gallery của anh Triệu Tiến Thắng, mà hiện nay, bắt kịp xu thế của thị trường, các phòng tranh, xưởng vẽ hiện diện ở TP. Vinh ngày một nhiều. Anh Nguyễn Văn Hà, chủ một cửa hàng tranh trên đường Trần Phú, TP. Vinh cho biết: “Tranh chép rất đa dạng, tranh phục hưng, tĩnh vật, cổ điển… và mỗi thợ chép cũng có các gu khác nhau, có người giỏi về tranh thủy mặc, có người giỏi về tranh tĩnh vật chứ không phải ai cũng chép được tất cả các loại”. Theo anh, đối tượng khách hàng hiện nay hầu hết đều có hiểu biết ít nhiều về giá trị của bức tranh, có cá tính thưởng thức riêng, vì thế yêu cầu đặt ra cho người làm nghề ngày càng cao. Phía sau những nét vẽ có khi là niềm vui hoặc nỗi buồn, cũng có thể là nỗi niềm đau đáu về cuộc đời.
Nghề chép tranh hiện nay gặp không ít khó khăn vì bị cạnh tranh bởi tranh Trung Quốc rất đẹp và rẻ, công nghệ làm tranh của họ hiện đại hơn, nhanh hơn; nguyên vật liệu đầu vào như sơn dầu, màu bột, cọ, khung gỗ… liên tục tăng, trong khi giá tranh vẫn dẫm chân tại chỗ; mặt khác, sự cạnh tranh về giá thành nhân công cũng là bài toán đau đầu, bởi hiện có nhiều sinh viên, cựu sinh viên các trường mỹ thuật cũng chọn nghề chép tranh để mưu sinh. Họ hoạt động độc lập, riêng lẻ, giá thành thì “bao nhiêu cũng làm”, nên các cơ sở phòng tranh rất khó định giá sản phẩm khi khách hàng trả giá.
Đối mặt với những khó khăn ấy, các chủ phòng tranh luôn phải trăn trở để tìm ra hướng đi riêng cho mình. Hiện tại, với anh Triệu Tiến Thắng và anh Nguyễn Văn Hà, bên cạnh lượng bán lẻ không đáng kể, họ nhanh nhạy kết hợp với các kiến trúc sư nội thất để nhận thi công các sân vườn, tiểu cảnh, tranh tường… tùy theo yêu cầu của khách.
H.V
TP. Vinh