(Baonghean) - Với nhiều chủ trương mới cho nghề đánh bắt hải sản trên biển, Đảng bộ xã Diễn Ngọc (Diễn Châu) đã có nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt nhằm khơi dậy sức dân, phát huy nghề truyền thống và thế mạnh của địa phương để làm giàu cho quê hương, trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế biển ở Nghệ An.

Đảng viên Ngô Trí Đông ở xóm Ngọc Văn, là Chủ tịch Hội nghề cá xã Diễn Ngọc là một trong những người đi đầu trong việc xây dựng mô hình đánh bắt bắt xa bờ kết hợp với hậu cần nghề cá của xã. Hiện gia đình ông có 5 tàu thuyền, trong đó có 4 tàu đánh bắt xa bờ công suất từ 350 đến 500 CV, năm 2014 đánh bắt tiêu thụ hơn 700 tấn hải sản, tạo việc làm cho 24 lao động. 
 
Còn cựu chiến binh Lê Sỹ Vinh ở xóm Đông Lộc là một người tiên phong trong phát triển kinh tế biển của Diễn Ngọc. Từng là thợ phụ tàu, đến nay ông mạnh dạn vay vốn sở hữu 2 chiếc tàu 260 CV và đang đóng tàu mới 540 CV. Đồng chí Lê Sỹ Vinh chia sẻ: “Đảng viên - ngư dân phải là những “cánh sóng cả” giữ vai trò tiên phong trong việc lãnh đạo quần chúng giữ nghề truyền thống của cha ông, vươn khơi bám biển, giữ vững chủ quyền, biển đảo. Khi Đảng, Chính phủ có chủ trương mới, chúng tôi lại trở thành những “ngọn sóng đầu” đưa chủ trương, chính sách đó đến với bà con. Trong các cuộc họp chi bộ, đảng viên, cựu chiến binh như chúng tôi luôn đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm cho bà con”. Những người đảng viên, cựu chiến binh như đồng chí Ngô Trí Đông, Lê Sỹ Vinh luôn đóng vai trò thủ lĩnh, có nhiều kinh nghiệm, truyền nghề cho thế hệ sau (Anh Ngô Trí Huyên, con trai ông Ngô Trí Đông hiện là ông chủ trẻ của cặp thuyền dã cào đôi lớn nhất Nghệ An với công suất 600CV mỗi chiếc).
 
Phát huy lợi thế vị trí địa lý nằm ven biển, trong những năm qua, Đảng bộ xã Diễn Ngọc xác định kinh tế biển là nghề mũi nhọn của địa phương. Vì thế đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế biển để lãnh đạo, chỉ đạo khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế của vùng biển, kết hợp với bảo đảm quốc phòng an ninh. Đảng bộ đã phân công cán bộ, đảng viên phụ trách từng lĩnh vực cụ thể. Đồng thời chỉ đạo UBND xã phối hợp với Hội Nông dân tiến hành khảo sát và thành lập các chi hội nghề cá, tổ hợp đánh bắt để bám biển vươn khơi .
 
images1203284_ca.jpgĐón cá về trên Cảng cá Diễn Ngọc (Diễn Châu).
Bên cạnh đó xã kiện toàn 4 HTX nghề cá truyền thống, thành lập 4 hiệp hội đánh bắt chế biến hải sản, đầu tư xây dựng kè chống sạt lở, trồng cây xanh ven biển, làm 2 điểm neo đậu tàu thuyền. Tổ chức cho ngư dân học tập quán triệt Luật Hàng hải quốc tế, Luật Biển Việt Nam để nhân dân nhận rõ lợi ích biển mang lại, trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Phối hợp các ngành liên quan tập huấn quân sự, nâng cao tay nghề cho thuyền viên, UBND xã phối hợp với Trường Đại học Thủy sản Nha Trang, Trường Đại học Hàng Hải tổ chức nhiều lớp học để cấp bằng thuyền, máy trưởng cho ngư dân. Vì vậy, Diễn Ngọc là địa phương có đội thuyền đánh bắt hải sản vào loại mạnh nhất khu vực Bắc miền Trung. 
 
 Hiệp hội Nghề cá của xã có 400 hội viên, am hiểu ngư trường luồng lạch, sử dụng tốt la bàn, máy định vị, máy dò cá, đầu tàu xốc vác vươn khơi xa đánh bắt cá ở độ sâu 30m nước trở ra. Không những góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc mà còn có thu nhập bình quân từ 55 đến 70 triệu đồng người/năm. Tàu đánh bắt xa bờ ngoài việc đem lại nguồn thu lớn cho địa phương còn cung cấp nhiều nguồn tin giá trị giúp bộ đội biên phòng bắt hàng chục vụ buôn lậu, dùng mìn đánh bắt cá trên biển, bảo vệ bình yên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Đặc biệt, Diễn Ngọc được Bộ Quốc phòng, Cục Dân quân chọn để xây dựng một trung đội dân quân biển với 28 đồng chí, biên chế trên 2 tàu đánh bắt xa bờ có công suất 600 CV, để vừa tham gia đánh bắt vừa bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
 
Nhằm thay đổi cung cách làm ăn, khép kín từ khâu đánh bắt đến chế biến tiêu thụ sản phẩm, Đảng ủy xã Diễn Ngọc đã ra nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi nghề cá từ đánh bắt thô sơ ven bờ sang tàu đánh bắt ở độ sâu 30m trở lên. Tổ chức sắp xếp lại lao động trên bờ theo hướng làm dịch vụ thương mại, chế biến hải sản. Trong đó, hậu cần nghề cá được xem là “sân sau” của ngành khai thác thủy sản. Vì vậy, để nghề này phát triển tương xứng với tiềm năng và quy mô nghề khai thác, Đảng bộ Diễn Ngọc tập trung xây dựng đề án đề nghị tỉnh và huyện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá, giúp ngư dân vững tin bám biển. Nhờ đó, hệ thống hậu cần nghề cá đã có những chuyển biến đáng kể, đặc biệt là hệ thống cảng cá Lạch Vạn được nhà nước đầu tư xây dựng tạo điều kiện cho tàu thuyền của ngư dân neo đậu và bán sản phẩm. Nhờ chuyển đổi nghề cá, khép kín từ khâu đánh bắt đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm, đến nay, toàn xã có 400 phương tiện trong đó có 58 chiếc tàu có công suất 90 CV đến 600 CV; 8 cơ sở thu mua chế biến hải sản. Đánh bắt hải sản đã tạo việc làm cho 1.800 lao động đánh cá trực tiếp và 2.700 lao động chế biến và dịch vụ nghề cá, hàng năm đánh bắt trên 1.200 tấn hải sản các loại. Thu nhập bình quân 26 triệu đồng người/năm; tỷ hộ nghèo giảm từ 16,7% năm 2010 xuống còn 5% năm 2014. Trong đó, có nhiều người nghèo nhờ đánh bắt hải sản xa bờ mà trở thành điển hình phát triển kinh tế như ông Ngô Trí Đông ở xóm Ngọc Văn, Lê Sỹ Vinh ở xóm Đông Lâm, ông Ngô Duy Trinh xóm Đông Lộc, hay như cựu chiến binh Nguyễn Hữu Thọ, xóm Ngọc Tân,...
 
Với việc đóng mới nhiều tàu xa bờ, tổ chức lại lực lượng lao động, xã Diễn Ngọc tiếp tục xác định: Phát triển kinh tế biển toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm sớm đưa xã nhà trở thành xã mạnh về kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh. Chủ trương của Đảng ủy xã đã tạo nên những chuyển biến mới, tích cực trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân xã nhà về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo trong phát triển nền kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. 
 
Thanh Lê