(Baonghean) - Bên cạnh một số sản phẩm tiếp tục đứng trong tốp đầu xuất khẩu như dăm gỗ, hiện hàng dệt may, vật liệu xây dựng... đang có chiều hướng tăng lên. Các sản phẩm xuất khẩu chuyển động theo hướng bền vững hơn với sự chú trọng đầu tư của doanh nghiệp trong sản xuất.
Ông Trần Văn Đạt, Giám đốc Cảng Cửa Lò cho biết: Trong các mặt hàng có sản lượng lớn thông qua cảng Cửa Lò thời gian qua, gỗ dăm đứng đầu với gần 232 nghìn tấn. Đầu tháng 7/2015, lần đầu tiên Cảng Cửa Lò đón tàu Thanh Thành Đạt 99 tải trọng tải hơn 22,3 nghìn tấn. Đến nay, sau hơn 1 tháng, tàu Thanh Thành Đạt 99 đã 3 lần cập cảng bốc xếp hàng gỗ dăm xuất khẩu sang Trung Quốc.
7 tháng đầu năm 2015, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xuất bán trên 29 mặt hàng/nhóm mặt hàng sang thị trường ngoài nước thì dăm gỗ tiếp tục dẫn đầu với 7 tháng đạt 48 triệu USD, tăng 71% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2014 (28 triệu USD). Hiện mặt hàng dăm gỗ của Nghệ An chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc với 2 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu là Công ty TNHH Thanh Thành Đạt và Công ty LD trồng và chế biến nguyên liệu giấy.
Tiếp theo là mặt hàng dệt may kim ngạch xuất khẩu đạt khá với 41,7 triệu USD, tăng 15% so cùng kỳ năm trước. Các dự án nhà máy may đã đưa Nghệ An bước đầu trở thành một khu vực dệt may của vùng, tạo sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… Mặt hàng này có sự tham gia xuất khẩu của 7 doanh nghiệp, trong đó, Công ty TNHH Prex Vinh đạt kim ngạch xuất khẩu lớn nhất với hơn 16 triệu USD. Hàng được xuất khẩu sang thị trường nhiều nước như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật bản, Mỹ, Đức,… Anh Trần Đức Long, Kế toán trưởng công ty cho biết: “Công ty Prex Vinh là doanh nghiệp đầu tư nhà máy may công nghiệp 100% vốn đầu tư của Hàn Quốc với vốn điều lệ 11,6 triệu USD, được xây dựng tại Đô Lương. Đây là nhà máy lớn của Tập đoàn Kido Hàn Quốc. Sản phẩm của công ty khá đa dạng, gồm trang phục thể thao, đồ trượt tuyết, hàng đua xe máy… được xuất sang thị trường châu Âu như Mỹ, Canada. Trong kinh doanh, chúng tôi xác định phải có chiến thuật hỗn hợp maketing. Từ việc phân đoạn thị trường, làm thế nào để sản phẩm phù hợp với thị trường, đóng gói sản phẩm cho tới cách định vị sản phẩm, thương hiệu sản phẩm, tính chi phí xuất khẩu. Định giá sản phẩm, lựa chọn các kênh phân phối sản phẩm, xúc tiến bán hàng cũng là những hoạt động được doanh nghiệp chú trọng”.
Theo Sở Công Thương, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 183 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu. Kim ngạch xuất khẩu đạt 373,6 triệu USD, trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 236,4 triệu USD, tăng hơn 20% so cùng kỳ năm 2014 (cùng kỳ đạt 196 triệu USD).
Số liệu tổng hợp 6 tháng đầu năm, trên địa bàn Nghệ An có 121 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu, trong đó đã có 43 doanh nghiệp đạt kim ngạch từ 1 triệu USD trở lên và 14 doanh nghiệp đạt kim ngạch từ 3 triệu USD trở lên. Công ty TNHH Thanh Thành Đạt tiếp tục dẫn đầu với kim ngạch 34,78 triệu USD. Công ty THHH Prex Vinh 15,29 triệu USD, Công ty TNHH Điện tử BSE Việt Nam - 13,01 triệu USD, Công ty CP Hợp tác kinh tế Quân khu 4 xuất khẩu mặt hàng gỗ các loại, đạt 9,58 triệu USD kim ngạch, và Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan đạt 8,02 triệu USD, chủ yếu xuất khẩu hàng sợi dệt.
Một mặt hàng xuất khẩu đạt khá là vật liệu xây dựng xuất khẩu 7 tháng đạt 28 triệu USD, tăng gần 73% so với kim ngạch cùng kỳ năm 2014 (cùng kỳ đạt 16,2 triệu USD). Nhóm hàng này chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Lào với sự tham gia xuất khẩu của 28 doanh nghiệp, trong đó nhiều nhất là Công ty TNHH XNK Thanh Biên với kim ngạch 2,88 triệu USD. Sắn và tinh bột sắn - một trong những mặt hàng xuất khẩu truyền thống của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, xuất khẩu 7 tháng đầu năm đạt 67 tấn, thu về 27,6 triệu USD, tăng 28% so với kim ngạch cùng kỳ năm 2014 (21,4 triệu USD). Hàng chủ yếu được xuất sang thị trường Trung Quốc với 8 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu. Trong đó, Công ty TNHH CB và XNK Nông sản Nghệ An có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 6,79 triệu USD. Giá xuất khẩu bình quân của mặt hàng này xấp xỉ 413,7 USD/tấn, tương đương mức giá bình quân cùng kỳ năm 2014.
Đóng góp vào kim ngạch của tỉnh còn phải kể đến Công ty TNHH Điện tử BSE. Đi vào hoạt động chưa đầy 2 năm nhưng riêng 7 tháng đầu năm 2015 đạt 17,4 triệu tấn hàng hóa, tăng 20% so với cùng kỳ. Nhà máy điện tử BSE Việt Nam ở KCN Nam Cấm, Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, hiện là đối tác cung cấp linh kiện điện tử cho các hãng điện thoại nổi tiếng như: Nokia, Samsung Electronics, LG Electronics, Sony, Erricson, Motorolla.
Xuất khẩu hàng hóa mặc dù có nhiều khởi sắc nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản... tiếp tục gặp khó về nguyên liệu, đầu ra cho sản phẩm. Chẳng hạn, đối với mặt hàng thủy hải sản, 7 tháng/2015 kim ngạch đạt gần 9 triệu USD. Mặc dù không lớn nhưng thể hiện sự nỗ lực của doanh nghiệp và trong số này, riêng Công ty TNHH CBPP thủy sản Xuri Việt Trung đạt 8 triệu USD. Theo phản ánh của ông Lê Thái, Giám đốc Công ty TNHH CBPP Xuri Việt Trung, sản phẩm của doanh nghiệp là bột cá xuất sang thị trường Trung Quốc nhưng đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của thị trường cá phục vụ cấp đông cho thị trường Trung Quốc. Nguyên liệu chủ yếu là các loại cá tạp, cá trích, cá cơm, cá đốm nhưng nhiều thời điểm trên địa bàn không đủ để chế biến, phải thu gom từ Quảng Bình, Hà Tĩnh. Một mặt thiếu nguồn hàng cho chế biến xuất khẩu, mặt khác giá cả xuất cũng không ổn định theo chiều hướng bất lợi cho doanh nghiệp. Hiện giá đầu vào bình quân là 9.000 đồng/kg, giảm hơn so với năm trước (năm 2014 khoảng 11.000 đồng/kg) nhưng giá xuất lại giảm khá mạnh, từ 2.000 USD/tấn thời điểm cao nhất của năm 2014 nay xuống còn 1.600 USD/tấn. Giá xuất giảm, trong khi biến động tỷ giá khiến doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.
Có thể nói rằng, với điều kiện tự nhiên thuận lợi cho đánh bắt và nuôi trồng, thủy, hải sản của Nghệ An được xác định là một trong những mặt hàng có lợi thế cho xuất khẩu. Thế nhưng, giá trị xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh còn khiêm tốn so với tổng sản lượng khai thác thủy sản và tính ổn định không cao. Anh Võ Minh Tuấn, Phó phòng XNK sở Công thương cho biết: Biến động tỷ giá, hàng hóa cạnh tranh với nguồn cung từ Thái Lan, Ấn Độ… là những nguyên nhân khiến xuất khẩu của cả nước nói chung và một số của sản phẩm của Nghệ An gặp khó khăn trong những tháng đầu năm nay. Hiện đang là thời điểm nước rút thực hiện Đề án phát triển xuất khẩu trong giai đoạn 2011-2015, do đó, chúng tôi đang tập trung tham mưu các giải pháp về xuất khẩu sản phẩm, khai thác tốt khoáng sản, các mặt hàng chủ lực khác, trước mắt rà soát quy hoạch để đầu tư chiều sâu hiện tại các cơ sở chế biến... phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 550 triệu USD, trong đó kim ngạch hàng hóa là 420 triệu USD trong năm nay.
Thu Huyền