Hồ Đức Phớc 

Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ

Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An

(Baonghean) - Cơ sở hạ tầng là nền tảng thiết yếu để phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng cơ sở hạ tầng cũng là một trong những nhiệm vụ then chốt và Đảng bộ và chính quyền tỉnh Nghệ An xác định trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, đưa kinh tế - xã hội tỉnh nhà đi lên tạo bước đột phá. 

Những chuyển biến trong xây dựng cơ sở hạ tầng 

Đánh giá hiện trạng xây dựng cơ sở hạ tầng tại Nghệ An thời gian qua, có một số điểm như sau: 

Hạ tầng kinh tế đạt được nhiều chuyển biến ấn tượng và toàn diện. Đặc biệt, điểm nhấn trong xây dựng cơ sở hạ tầng nhiệm kỳ qua là việc nâng cấp, mở rộng mạng lưới giao thông. 

images1486509_cong_trinh_cau_vuot_ql_46_hoan_thanh_dua_vao_s_0_copy.jpgCông trình cầu vượt Quốc lộ 46 hoàn thành đưa vào sử dụng.

Cụ thể, cảng hàng không Vinh được điều chỉnh quy hoạch thành cảng hàng không quốc tế, được nâng cấp hiện đại, mở rộng, có lượng hành khách nội địa tăng trưởng cao nhất cả nước. Cảng Cửa Lò được nạo vét luồng đáp ứng cho tàu trên 1 vạn tấn ra vào. 

Hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ được quan tâm tu bổ trên toàn tỉnh, toàn tuyến. Nhiều công trình quan trọng đã hoàn thành như: nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A, cơ bản thông tuyến đoạn Quốc lộ 1A - Nghĩa Đàn - Thái Hoà, hoàn thành đường Tây Nghệ An, đường Châu Thôn - Tân Xuân, cầu Bến Thuỷ 2, 6 cầu vượt đường sắt và đường bộ,…

Các hệ thống hạ tầng khác như Khu Công nghiệp (KCN), Khu Kinh tế (KKT), thuỷ lợi, đê đập, cấp nước sạch, thuỷ điện,…cũng được đầu tư xây mới hoặc nâng cấp, tu bổ kịp thời, đảm bảo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội. 

Thi công hạ tầng ở Khu kinh tế Đông Nam.

Về hạ tầng xã hội, cơ sở vật chất, trang thiết bị trong các trường học được tăng cường, số lượng trường đạt chuẩn quốc gia năm 2015 đạt 65%, hệ thống giáo dục sau phổ thông đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực với 06 trường đại học, 10 trường cao đẳng, 14 trường trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề. 

Hạ tầng y tế phát triển nhanh, rộng khắp: đến nay toàn tỉnh có 39 bệnh viện trong và ngoài công lập; hệ thống bệnh viện tuyến huyện, tỉnh được đầu tư đồng bộ bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và ngân sách. Đặc biệt, bệnh viện Đa khoa 700 giường bệnh và bệnh viện Quốc tế 500 giường bệnh đã hoàn thành đưa vào sử dụng, hiện đang khởi công xây dựng bệnh viện 600 giường bệnh. 

Xây dựng nông thôn mới được quan tâm lãnh đạo và nhân dân đồng tình cao, trở thành phong trào sôi nổi trong toàn xã hội và đạt nhiều kết quả quan trọng. Tổng nguồn vốn huy động thực hiện chương trình trong giai đoạn 2011 - 2015 ước đạt trên 19.000 tỷ đồng. Hết năm 2015 có 1 đơn vị cấp huyện và 114 xã (chiếm 27% số xã) đạt chuẩn tiêu chí xã nông thôn mới. 

Với kết quả này, Nghệ An đang là tỉnh có số lượng xã đạt chuẩn nông thôn mới lớn nhất cả nước. 

Định hướng trong tương lai gần

Những chuyển biến trong xây dựng cơ sở hạ tầng thời gian qua đã góp phần thay đổi rõ rệt diện mạo kinh tế - xã hội cả khu vực nông thôn và thành thị. Với xu hướng hội nhập sâu rộng được xác định là đường hướng tầm trung và dài hạn của tỉnh, yêu cầu về phát triển cơ sở hạ tầng trọng yếu sẽ càng cấp thiết hơn, đòi hỏi sự quan tâm chú trọng hơn nữa của Đảng bộ và chính quyền tỉnh nhà trong chỉ đạo, định hướng, phân bổ nguồn lực và giám sát công tác quản lý. 

Nhiệm vụ thứ nhất được đặt ra là ưu tiên các công trình trọng yếu về giao thông, bởi cốt lõi của quá trình hội nhập là sự liên kết và hạ tầng giao thông là điều kiện tiên quyết cho phép Nghệ An hoà nhập vào mạng lưới liên kết vùng, rộng hơn nữa là liên kết với các nước trong khu vực. 

Tiếp tục thực hiện quy hoạch xây dựng cảng hàng không quốc tế Vinh, cần đầu tư mở rộng quy mô nhà ga để tăng sức phục vụ, xây dựng thêm một đường băng dài 3.5km đáp ứng tốc độ tăng trưởng về số lượng cũng như độ dài của chuyến bay. Đặc biệt, phải tăng cường các chuyến bay quốc tế, mở thêm chuyến mới bay thẳng đến các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore,…để sân bay Vinh thực sự là sân bay quốc tế phục vụ nhu cầu đi lại không chỉ của nhân dân trong tỉnh mà trong khu vực Bắc miền Trung. 

Mạng lưới giao thông đường bộ cần được tiếp tục nâng cấp, nhất là các tuyến đường và công trình trọng yếu như: Đại lộ Vinh - Cửa Lò, đường nối đường N5 KKT Đông nam đến Hoà Sơn (Đô Lương) - Tân Long (Tân Kỳ), đường ven biển, đường Thái Hoà - Hoàng Mai, đường Tây Nghệ An nối Mường Xén - Ta Đo - Khe Khiền, cầu Bến Thuỷ 3, cầu Yên Xuân qua sông Lam, tỉnh lộ 537, tỉnh lộ 534, tỉnh lộ 543, tỉnh lộ 544B (giai đoạn 2). 

Một khi đã có mạng lưới giao thông phủ rộng khắp toàn tỉnh và liên kết với ngoài tỉnh, cần đầu tư nâng cấp chất lượng, tăng tốc độ lưu thông bằng cách xây dựng các đường cao tốc, cầu vượt, các công trình giao thông hiện đại theo chuẩn mực của thời đại công nghiệp hoá. Phải đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng đường cao tốc đoạn Nghi Sơn - Vinh; tuyến đường bộ cao tốc nối cửa khẩu Thanh Thuỷ, đường Hồ Chí Minh với đường bộ cao tốc Bắc Nam; đường cao tốc từ cửa khẩu Thanh Thuỷ đến thị xã Pạc-xan, tỉnh Bolykhămxay, Lào. 

Về giao thông đường thuỷ, tiếp tục đầu tư nạo vét luồng, xây dựng các bến 5, 6 cảng Cửa Lò để tàu 3 vạn tấn vào ra, cảng vận tải Đông Hồi, hoàn thành cảng nước sâu Nghi Thiết đáp ứng tàu 7 vạn tấn vào ra. 

Thứ hai, cần quan tâm đến kết cấu hạ tầng thuỷ lợi, khai thác tối đa và hiệu quả mạng các công trình thuỷ lợi trong phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình trọng điểm như: Dự án hồ Bản Mồng; cống Nam Đàn giai đoạn 2; hệ thống tiêu úng Vách Nam - sông Bùng; xây dựng trạm bơm tiêu úng phía Đông Nam thành phố Vinh; nâng cấp hệ thống thuỷ lợi Bắc Nghệ An; xây cống ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Lam và sông Hoàng Mai; nâng cấp hệ thống đê sông Cả; cải tạo, xây dựng mứi một số cảng cá, các cơ sở neo đậu tránh trú bão ở các huyện có nhiều đội tàu;…

Thi công kênh dẫn hạ lưu thuộc dự án Nâng cấp, mở rộng cống Nam Đàn và hệ thống kênh dẫn.

Đặc biệt, cần tiến hành nạo vét sâu, mở rộng và kéo dài kênh nhà Lê đến sông Lam và sông Hoàng Mai, xây cống để trữ nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp trong trường hợp xảy ra hiện tượng thiên nhiên khắc nghiệt như hạn hán, xâm thực mặn,…

Thứ ba, bên cạnh việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phần cứng, cần quan tâm phát triển hạ tầng dịch vụ, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân cũng như đáp ứng nhu cầu của khách ngoại tỉnh và nước ngoài đến với Nghệ An. Các hạ tầng về điện, cấp thoát nước, xử lý rác thải, hạ tầng thương mại và đô thị phải được phát triển đồng bộ, phù hợp với quy hoạch vùng và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. 

Một số công trình trọng điểm như Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập, Dự án phát triển tiểu đô thị Vinh hứa hẹn sẽ tạo nét mới trong kết cấu hạ tầng xã hội của tỉnh. Hạ tầng thông tin cũng là một trong những nhiệm vụ mới cho nhiệm kỳ tới với mục đích làm nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý nhà nước; mở cửa cho luồng thông tin vào - ra, nâng cao nhận thức người dân trong tỉnh, quảng bá về Nghệ An đến các tỉnh và các nước bạn. 

Tạo “đường băng” cho kinh tế cất cánh

Một trong những bài toán đặt ra cho việc phát triển cơ sở hạ tầng là huy động và phân bổ nguồn vốn - nhất là trong điều kiện ngân sách hạn chế, tỉnh có diện tích lớn và xuất phát điểm không cao. 

Tuy nhiên, những thành quả đạt được trong thời gian qua đã cho thấy sự nỗ lực vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà, đem đến một diện mạo mới, một nền móng vững chắc hơn cho kinh tế - xã hội. Để tiếp tục xây dựng, nâng cấp hệ thống hạ tầng ngày càng hoàn thiện và hiện đại hơn, cần phát huy chủ trương huy động linh hoạt đa nguồn vốn, khuyến khích nguồn vốn xã hội hoá và đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư, vốn trợ cấp từ các chương trình, tổ chức trong và ngoài nước. 

Đồng thời, cần có sự đánh giá, rà soát, phân loại các công trình theo mức độ cấp thiết và giá trị sử dụng để có kế hoạch, có thứ tự ưu tiên, tập trung nguồn vốn cho các công trình trọng điểm, tránh dàn trải khiến việc xây dựng cơ sở hạ tầng kéo dài và đạt hiệu quả không cao. 

Nghệ An đang ngày càng được biết đến rộng rãi trong và ngoài nước như một “mảnh đất lành” cho các nhà đầu tư, một phần không nhỏ là nhờ hệ thống hạ tầng được chú trọng phát triển đồng bộ. Có thể khẳng định rằng, với hệ thống cơ sở hạ tầng ngày một hiện đại và đồng bộ, sức hấp dẫn của Nghệ An đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ được nâng lên, thu hút thêm nhiều luồng của cải và con người đổ về đây.

Với những lợi thế, tiềm năng tự nhiên và con người có sẵn, với “đường băng” là hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh, tin tưởng rằng kinh tế - xã hội tỉnh nhà sẽ cất cánh trong một tương lai rất gần. 

Hồ Đức Phớc

TIN LIÊN QUAN