(Baonghean) -  Hội nhập quốc tế không phải chỉ là “chiếc đũa thần” giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển. Đứng trước hội nhập, Nhà nước phải thể hiện được đúng vai trò dẫn dắt, hỗ trợ.

TS. Phạm Thùy Giang (Học viện Ngân hàng) đã nói như vậy về vai trò của Nhà nước, trách nhiệm của doanh nghiệp (DN) trước thềm hội nhập mới.

images1486750_1.jpgSản xuất ke chống bão tại doanh nghiệp Định Nhàn ở TP Vinh. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Năm 2015, hội nhập của Việt Nam được đánh dấu bởi 2 sự kiện lớn là hoàn thành quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, tiến tới ký kết Hiệp định trong năm 2016 và sự ra đời chính thức của Cộng đồng Kinh tế ASEAN mà Việt Nam là một thành viên tham gia. Việc kết thúc đàm phán hiệp định TPP với các tiêu chuẩn mới và cao về thương mại và đầu tư tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương được đánh giá là một bước quan trọng để tiến tới mục tiêu cao nhất về thương mại tự do và hội nhập trên toàn khu vực.

Có 5 đặc điểm chính làm TPP trở thành một hiệp định mang tính bước ngoặt của thế kỷ XXI, tạo ra một tiêu chuẩn mới cho thương mại toàn cầu trong khi vẫn đề cập tới các vấn đề mang tính thế hệ mới. Đó là: Tiếp cận thị trường một cách toàn diện; tiếp cận mang tính khu vực trong việc đưa ra các cam kết; giải quyết các thách thức mới đối với thương mại; bao hàm toàn bộ các yếu tố liên quan đến thương mại; làm nền tảng cho hội nhập khu vực. 
 
Còn với Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) - 1 trong 3 trụ cột của cộng đồng ASEAN, có 4 trụ cột cần chú ý. Đó là một thị trường đơn nhất và cơ sở sản xuất chung, được xây dựng thông qua tự do lưu chuyển hàng hoá; tự do lưu chuyển dịch vụ; tự do lưu chuyển đầu tư; tự do lưu chuyển vốn và tự do lưu chuyển lao động có tay nghề; được xây dựng thông qua các khuôn khổ chính sách về cạnh tranh, bảo hộ người tiêu dùng, quyền sở hữu trí tuệ, phát triển cơ sở hạ tầng, thuế quan và thương mại điện tử; phát triển kinh tế cân bằng, được thực hiện thông qua các kế hoạch phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và thực hiện sáng kiến hội nhập nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN; hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, được thực hiện thông qua việc tham vấn chặt chẽ trong đàm phán đối tác và trong tiến trình tham gia vào mạng lưới cung cấp toàn cầu (WTO). 
 
Sản xuất chụp đèn lồng tại Công ty TNHH Đức Phong. Ảnh: Thu Huyền
 
Với các phân tích về cơ hội và thách thức từ hội nhập quốc tế mang lại cho Việt Nam, các chuyên gia kinh tế đã đưa ra các khuyến nghị đối với Nhà nước và DN trước thềm hội nhập. Từ kết quả của những nghiên cứu này, bên cạnh những khuyến nghị chính sách cần xuất bản thành những cẩm nang hướng dẫn hội nhập ở cấp độ ngành và cấp độ DN. Những cẩm nang này cần hướng dẫn được về mặt hành động, các DN phải làm gì và như thế nào để đối phó với thách thức và chớp được cơ hội từ hội nhập - TS. Phạm Thùy Giang nói. 
 
Bên cạnh đó, Nhà nước cần phải “vá lỗi” mức độ phổ biến tới các đối tượng bị tác động còn hạn chế. Đây là điểm cần phải rút kinh nghiệm và nhất thiết phải sửa, và chỉ có sự nỗ lực chung của cả cấp nhà nước, cấp DN và cấp người lao động mới tạo nên được sức cạnh tranh của Việt Nam. Thiếu đi sự chung tay của DN và người lao động, thì Việt Nam sẽ luôn bị thụ động trong hội nhập và sẽ luôn yếu thế trước hội nhập. Cần xác định rõ mục tiêu tuyên truyền là để các DN hiểu được ảnh hưởng của hội nhập tới hoạt động kinh doanh của mỗi DN, thấy được cơ hội và thách thức ở cấp độ DN và biết cần làm gì để ứng phó với hội nhập. 
 
Đối với DN, các chuyên gia cũng cho rằng, DN cần biết lo nỗi lo của hội nhập để chớp cơ hội thành công, đối phó với các thách thức. Theo đó, các DN cần chủ động tìm hiểu về những tác động của hội nhập tới ngành nghề mà DN đang kinh doanh, xác định được các cơ hội và thách thức đối với DN mình. Dựa trên nhận thức đúng, đủ về ảnh hưởng của hội nhập đến sự phát triển của DN, các DN có thể thông qua hiệp hội kiến nghị tới các cơ quan nhà nước các chính sách hỗ trợ cần thiết và phù hợp với các điều khoản trong các hiệp định. 
 
Đối với các DN đồng thời kinh doanh trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh khác nhau thì việc điều chỉnh, lựa chọn ngành nghề kinh doanh dựa trên các phân tích tác động của hội nhập là rất cần thiết vì các DN Việt chưa phải là giỏi và càng chưa giỏi đồng thời ở nhiều ngành nghề. Đồng thời với việc lựa chọn ngành nghề trọng tâm phải là nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh, củng cố lợi thế cạnh tranh cốt lõi để đứng vững và phát triển được trên thị trường trong nước cũng như vươn được ra thị trường thế giới. Các DN Việt Nam nếu xây dựng được thương hiệu mạnh thì hoàn toàn có thể đứng vững được trên thị trường nội địa ngay cả khi chịu sự cạnh tranh của các thương hiệu quốc tế. Các báo cáo của Bộ Công thương về chương trình “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, cho thấy người Việt sẵn sàng ủng hộ hàng Việt khi phải cạnh tranh với hàng ngoại nếu sự khác biệt không lớn - TS. Phạm Thùy Giang khẳng định.
 

Sông Hồng

TIN LIÊN QUAN