Ngày 8/10, phó giáo sư Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện khảo cổ học khẳng định, kết quả thám sát, khai quật thăm dò tại quần thể di tích lịch sử-văn hóa thời Trần (Nam Định) trong 3 năm qua cho thấy cung Trùng Hoa là một cung điện Hoàng Gia mà cho đến thời điểm này chưa có một di tích cung điện nào thuộc thời Trần ở Việt Nam có thể sánh được.
Cùng với các di tích kiến trúc là các loại gạch xây, gạch lát nền, ngói mũi lá kép và đơn, ngói mũ sen, ngói mũi sen tráng men, gốm ngọc, gốm hoa nâu, gốm trắng, gốm hoa lam...
Các di tích và di vật đều phản ánh niên đại của di tích là thuộc thế kỷ XIII-XIV, tương tự như các dấu tích kiến trúc thời Trần đã xuất lộ ở khu di tích Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội), Tam Đường (Thái Bình).
Từ những di tích, di vật trên, bước đầu các nhà nghiên cứu nhận định: Cung Trùng Hoa là một cung có quy mô lớn rộng, với một phức hợp kiến trúc gồm có nhiều thành phần kiến trúc khác nhau được bố cục quy củ gồm có sân vườn, các kiến trúc nhở ở phía trước, các kiến trúc lớn ở phía sau và được trang trí chủ yếu là rồng, phượng.
Tiềm năng, giá trị lịch sử và giá trị văn hóa của các di tích dưới lòng đất Thiên Trường còn tiềm ẩn rất lớn, cần tiếp tục có các bước nghiên cứu và xây dựng quy hoạch để đánh giá giá trị, đề xuất phương hướng bảo tồn lâu dài các di tích dưới lòng đất của đất hành đô Thiên Trường - một hiện tượng đặc sắc trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Nhà Trần là một trong những triều đại hiển hách nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Hiện nay, di tích của thời đại Đông A tập trung tại 5 khu vực: Thăng Long (Hà Nội, Đông Triều (Quảng Ninh), Tam Đường (Thái Bình), Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa), Tức Mặc (Nam Định).
Trong 3 năm qua, Viện khảo cổ và tỉnh Nam Định đã phối hợp thám sát và khai quật thăm dò một loạt vị trí dưới lòng đất thuộc quần thể di tích thời Trần ở Nam Định như: Vạn Khảnh, Lựu Phố, Đệ Tam Tây, Hậu Bồi, Liễu Nha, Đình Kênh, Đình Cả, Đình Tây, Phương Bông, cánh đồng giữa đền Trần-Chùa Tháp...
Qua khai quật, các nhà khảo cổ tìm thấy hàng trăm di vật gạch ngói, vật liệu kiến trúc trang trí rồng, phượng đất nung, đồ gốm sứ, đồ kim loại... phản ánh lịch sử văn hoá phồn thịnh của đất hành đô thế kỷ XIII-XIV kéo dài cho đến thời cận đại.
Theo TTXVN