Ở nghĩa trang liệt sĩ TP. HCM trên xa lộ Hà Nội, có ngôi mộ gắn bia “Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi…”. Nhưng Anh không yên nghỉ tại đây. Bee đăng câu chuyện về ngôi mộ của anh hùng này tròn 45 năm ngày mất của Anh.
 
Tìm thấy mộ 2 ngày sau khi anh Trỗi bị xử bắn

Đúng 9h45’ ngày 15/10/1964, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã vội vã xử bắn anh tại trường bắn Chí Hoà; dù trước đó đã thoả thuận trả tự do cho anh khi du kích quân Caracas (Venezuela) thả viên trung tá không quân Mỹ Michael Smolen.
 
Chúng vội vã đưa thi hài anh về nghĩa trang lính Cộng hoà ở Gò Vấp, lúc 1h chiều. Nhưng Nguyễn Văn Trỗi là Việt Cộng, vậy là 5h chiều lại bí mật đưa anh về nghĩa trang Đô Thành (nay là công viên Lê Thị Riêng, Q.10, TP.HCM). Hôm đó vừa tròn 6 tháng kể từ ngày anh và chị Phan Thị Quyên làm lễ cưới.
 

762882_small_51542.jpgChị Phan Thị Quyên, vợ anh Trỗi (đứng giữa)

Cả ngày hôm ấy, chị Quyên chạy đôn đáo khắp nơi mà không biết anh được chôn ở đâu. Sớm hôm sau đọc báo mới hay. Chị cùng ba của anh đến nơi thì thấy có 3 ngôi mộ mới chôn, không biết cái nào của nhà mình. May mà dân ta có tuc lệ “mở cửa mả”. Sáng 17/10 đến thắp hương thì thấy 2 ngôi kế bên đã “mở”. Vậy là tìm được mộ anh.
 
Bọn mật vụ bám riết chị xem có ai liên lạc. Sau ngày anh mất, chị Quyên theo ba của anh về quê một thời gian cho khuây khỏa. Ở Sài Gòn, chẳng sợ liên luỵ, bà con cô bác cầu siêu suốt 7 tuần chay cho anh ở chùa Pháp Vân.
 
Đầu năm 1965, tổ chức cho chị thoát ly ra vùng giải phóng. Ngày 25 tháng chạp, chị mang hương hoa ra viếng anh, tạm biệt để đi xa. Vì mộ anh trên “đất thí” (3 năm sau phải di dời) nên chị bàn với gia đình sẽ đưa anh về nghĩa trang Văn Giáp, ngay ngã 3 Giồng Ông Tố. Đêm 29, chị bí mật lên đường ra “R” (chiến khu).
 
"Ai cho chuyển mộ Việt Cộng?"
 
Nghe giọng Nam của chị, ai cũng nghĩ chị người Nam. Nhưng không phải vậy, chị quê gốc ở làng Văn Giáp, xã Bạch Đằng, Thường Tín, Hà Đông (ngay sát quốc lộ 1A, chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km).
 
Vì đất chật người đông mà dân Văn Giáp tứ tán từ những năm đầu thế kỷ XX. Người đi phu Nam bộ, người phiêu bạt sang Nam Vang... Cứ thế cha con kéo nhau đi, họ hàng rủ nhau xuôi, nhà này rủ nhà kia. Đến những năm 50 có nửa làng sống trong Nam.
 
Năm 1937, bố mẹ chị theo bà ngoại sang Nam Vang. Ông hành nghề cắt tóc, còn bà buôn bán nhỏ ở đồn điền cao su Chúp (Công-pông-chàm) và sinh chị năm 1944. Vì ông tham gia phong trào yêu nước, bị quây ráp mà năm 1956, cả nhà phải quay về Sài Gòn.
 
Dân Văn Giáp tha hương, đùm bọc nhau. Năm 1956, họ mua được mảnh đất gần ngã tư Phú Nhuận xây ngôi chùa lấy tên Pháp Vân (thờ 2 bà Pháp Vân, Pháp Lôi người Văn Giáp). Cứ ngày 17 tháng giêng hay rằm tháng tư là dân Văn Giáp tứ xứ kéo về đây cúng tế, nhớ về quê cha đất tổ.
 
Năm 1960, thấy dân Văn Giáp ở Sài Gòn ngày càng phát triển nên Hội Tương tế quyết định mua 10 công đất ở Giồng Ông Tố (nay thuộc Q2) làm nghĩa trang.
 
Đến ngày 7/5/1967, ba anh Trỗi cùng bố mẹ chị và gia đình chuyển anh về nghĩa trang Văn Giáp. Khi làm thủ tục, viên quản lí nghĩa trang Đô Thành sinh nghi: Ai cho chuyển mộ Việt Cộng? Phải nói là trùng tên và chi ít tiền mới xong.
 
Khi về nghĩa trang Văn Giáp, thấy bia đề “Nguyễn Văn Trỗi, 26 tuổi, mất ngày 15/10/1964” thì tên cảnh sát khu vực cũng sinh nghi. Cũng phải giở bài “trùng” và “chi” mới xong.
 
Khi này chị đang ở “R”. Hè năm 1969, chị được đón ra Bắc. Cho mãi sau 30/4/1975, chị mới trở về viếng anh.
 
5 bao xi măng góp xây mộ anh hùng
 
Năm 1978, bố chị mất. Năm 1981, chị quyết định xây mộ cho anh. Vừa qua chiến tranh nên trăm bề thiếu thốn. Xây phải có xi măng, gạch, cát. Cô Ba Thy cho 5 bao xi măng nhưng mang giấy giới thiệu tới nơi thì kho vừa hết(!). Gặp anh Bảy Thân (phó chủ nhiệm HTX Mây, tre, lá thành phố) nhờ giúp. Anh quyết định trích quỹ công đoàn mua tặng số xi măng này.
 
Báo cáo với Ban trị sự thôn Văn Giáp xin phép xây mộ. Các anh bảo sẽ lo gạch, cát và công. Bà con thuê cả thợ về khắc dòng chữ “Không có gì quý hơn độc lập, tư do” và ngôi sao 5 cánh gắn trên mộ. Làm bia mộ mới có gắn hình anh đang đứng giữa pháp trường.
 
Cánh học sinh Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi chúng tôi hàng năm cứ vào ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7, hay ngày anh Trỗi hy sinh 15/10 lại cùng chị Quyên lên thắp hương cho anh.
 
Ngay khánh thành, chị mời Ban trị sự, anh Bảy Thân và bà con cô bác về dự để cảm ơn tấm lòng của nhân dân, cơ quan đối với anh.
 
Trăm công ngàn việc, phải tới năm 1994 Sở LĐ-TB-XH mới mời gia đình lên bàn đón anh về NTLS TPHCM, ngay bên xa lộ Hà Nội. Chị có lời cảm ơn và đề nghị: “Tại pháp trường anh Trỗi bị địch bắn không chỉ 1 phát đạn; khi hy sinh anh vẫn phải chôn xuống đào lên tới 3 lần; thực tình gia đình không muốn anh phải đau thêm lần nữa.
 
Gia đình cũng có ý chờ tổ chức nhưng đến năm 1981 đã được HTX Mây, tre, lá và bà con cô bác giúp đỡ xây mộ cho anh. Nay nếu chuyển đi sợ sẽ phụ lòng bà con, lãng phí tiền bạc, công sức bà con đã đóng góp.
 
Thay mặt gia đình tôi xin phép cho anh được yên nghỉ tại đây. Nếu sau này thành phố có quy hoạch mới, nghĩa trang Văn Giáp phải di chuyển thì gia đình sẽ đưa anh về nghĩa trang liệt sĩ”. Chính vì vậy nghĩa trang liệt sĩ thành phố dành cho anh ngôi mộ còn trống.
Theo KH&ĐS