(Baonghean) - Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hoá cao. Tuy ra đời muộn nhưng nó đã đóng góp vào sự phát triển toàn cầu, mang nội dung văn hoá sâu sắc.
Du lịch phát triển thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành sản xuất dịch vụ khác, tạo ra nhiều việc làm cho xã hội, góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, xoá đói giảm nghèo, từ đó đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu của nền kinh tế quốc dân.
Từ giữa thế XX, du lịch quốc tế diễn ra trên phạm vi toàn cầu với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 7% năm về lượng khách và 11% năm về thu nhập, chiếm 6,5% tổng sản phẩm quốc dân và bằng 1/3 doanh thu khối dịch vụ toàn cầu. Trong giai đoạn hiện nay, du lịch chính là một con đường để tiếp cận với các quốc gia bên ngoài một cách hữu hiệu nhất góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau. Thực tế đã cho thấy, các nước có ngành du lịch phát triển có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và tiếp thu khoa học công nghệ nước ngoài nhanh hơn, nhiều hơn. Bởi vì thông qua giao lưu đã giúp cho sự hiểu biết lẫn nhau nhanh hơn, nhiều hơn, toàn diện hơn. Sự giao lưu này có ý nghĩa tích cực đối với việc xúc tiến khoa học kỹ thuật, văn hoá, giáo dục giữa các bên.
Du lịch không những mang lại lợi ích to lớn về mặt kinh tế, mà còn chứa đựng bản sắc nhân văn. Du lịch là hộ chiếu đi đến hoà bình và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc. Những sự giao tiếp tạo ra sự hiểu biết thật hơn, không phải thông qua lăng kính của các kênh thông tin đại chúng, việc này giúp xoá bớt thành kiến giữa các dân tộc, góp phần thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau “Du lịch là con đẻ của hoà bình, là phương tiện củng cố hoà bình, là phương tiện góp phần cân bằng cán cân thanh toán quốc tế” (tuyên bố OSAKA).
Du lịch còn góp phần bảo vệ và giữ gìn bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc, nâng cao lòng yêu nước, yêu thiên nhiên. Sự phát triển du lịch tác động đến các khía cạnh văn hoá xã hội của nơi đến. Ngược lại, du khách cũng bị ảnh hưởng bởi sự tương phản, sự khác biệt về văn hoá, đời sống ở các nước các vùng họ đến thăm. Họ có cơ hội để hiểu biết và học hỏi các phong cách sống và phong tục tập quán của dân tộc khác có thể là lợi ích to lớn đối với du khách.
Hơn hết, một trong những ưu điểm lớn của du lịch là khuyến khích khôi phục những nét văn hoá bị mai một hoặc mất đi, làm phục hưng và duy trì các loại hình nghệ thuật như âm nhạc, sản phẩm thủ công, các điệu múa nghi lễ...; làm sống lại các phong tục dẫn đến việc bảo tồn các công trình văn hoá và tạo ra thị trường mới cho các tác phẩm nghệ thuật.
Thông thường, các du khách trở về sau một chuyến đi thường hy vọng cộng đồng của mình cũng chia sẻ các phong tục, tập quán, thái độ và lòng tin mà họ thu nhận, học tập được. Sự so sánh các nền văn hoá, sự mong muốn bổ sung thêm các yếu tố "tốt" của nền văn hoá khác, loại bỏ các yếu tố "xấu" của chính cộng đồng mình là một phần tích cực và mang tính giáo dục cao, đồng thời làm tăng sự hiểu biết của những người nơi mình đến đối với non sông gấm vóc, lịch sử và văn hoá dân tộc, của quê hương mình, tổ quốc mình, tạo nên tinh thần yêu nước, xây dựng đất nước giàu mạnh, tinh thần trách nhiệm đối với lịch sử, văn hoá dân tộc, lòng tự hào dân tộc và ý thức bảo vệ môi trường của nhân dân.
Nghệ An là một tỉnh có đầy đủ lợi thế và tiềm năng để phát triển du lịch. Trong những năm qua du lịch Nghệ An đã có bước phát triển nhanh, ổn định và đúng hướng, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung về kinh tế, văn hoá, xã hội và bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Tuy nhiên, căn cứ vào đặc điểm tình hình thế giới và khu vực, đặc biệt Vịêt Nam gia nhập vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) du lịch Nghệ An cần phải xây dựng chiến lược phát triển lâu dài. Đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch như: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, tắm biển, vắn hoá - lịch sử, nghiên cứu tìm hiểu thiên nhiên, giải trí cao cấp… đồng thời làm tốt công tác bảo vệ môi trường, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá xứ Nghệ.
Du lịch và bản sắc văn hoá dân tộc
Trần Đình Hà