(Baonghean) - Đồng chí Lang Văn Chiến, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Quỳ Châu trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An

Phóng viên: Trong suốt chặng đường 600 năm qua, đồng bào các dân tộc huyện Quỳ Châu luôn đồng hành cùng cả nước trong cuộc đấu tranh dựng nước, giữ nước, đồng chí có thể khái quát sơ bộ về những đóng góp to lớn, đáng tự hào đó? 

images1390296_a5_tr_ng_c_y_r__h__ng___ch_u_ti_n_qu__ch_u.__nh_nguy_n_s_n.jpgKiểm tra mô hình trồng cây rễ hương ở xã Châu Tiến (Quỳ Châu). Ảnh: Nguyên Sơn
Đồng chí Lang Văn Chiến: Trong suốt 600 năm qua, đồng bào các dân tộc Quỳ Châu luôn đồng hành cùng nhân dân xứ Nghệ, nhân dân cả nước và có những đóng góp xứng đáng vào cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước hết sức oanh liệt của dân tộc ta. Dấu ấn rõ nét là đồng bào các dân tộc ở Quỳ Châu đã có những đóng góp to lớn cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, góp phần giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ của giặc Minh. Những địa danh trên mảnh đất Quỳ Châu hôm nay còn ghi dấu hoạt động của nghĩa quân Lam Sơn  như hang Voi (Châu Thuận), Bù Đằng (Châu Nga)… 
 
Đồng bào các dân tộc ở Quỳ Châu đã hết lòng giúp đỡ nghĩa quân như ủng hộ, vận chuyển lương thực, dẫn đường, tham gia chiến đấu. Năm 1884, đất nước ta rơi vào tay thực dân Pháp, hưởng ứng Chiếu Cần Vương của Vua Hàm Nghi, nhân dân Quỳ Châu dưới sự lãnh đạo của Đốc Thiết, Đốc Hạnh, đã đứng lên khởi nghĩa, gây cho địch nhiều thiệt hại. Trong 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, đồng bào các dân tộc Quỳ Châu đã hăng hái tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Quỳ Châu có gần 4.454 người có công với cách mạng, trong đó có: 270 liệt sỹ; 180 thương, bệnh binh; có 01 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 12 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng, hàng trăm cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang huyện được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương, Huy chương cao quý.
 
Ngày 19/4/1963, Chính phủ ra Quyết định số 52/CP chia địa giới Quỳ Châu thành 3 huyện: Quỳ Châu, Quế Phong và Quỳ Hợp. Quỳ Châu bước sang một trang mới, từ đây Quỳ Châu tồn tại và phát triển với tư cách là một đơn vị hành chính mới.
 
Kiểm tra thi công cầu qua sông Hiếu ở xã Châu Hội (Quỳ Châu).
Phóng viên: Tiếp nối truyền thống tự hào đó, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quỳ Châu đã không ngừng nỗ lực phấn đấu và đạt được nhiều thành tích trên tất cả các phương diện, gần đây nhất là trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, xin đồng chí cho biết cụ thể?
 
Đồng chí Lang Văn Chiến: Với sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự hỗ trợ của các ngành các cấp, cán bộ và nhân dân đoàn kết, đồng thuận, Quỳ Châu đã có sự bứt phá mạnh mẽ trong phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN... Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 9,5%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 19,2 triệu đồng/năm; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; Thu ngân sách đạt 133,7% mục tiêu đại hội. 
 
Cụ thể, kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản. Đã hình thành được một số vùng sản xuất tập trung như: lúa chất lượng cao ở Châu Tiến, Châu Bính 900 ha; cây keo nguyên liệu ở Châu Bình, Châu Hội hơn 5.000 ha; mía ở Châu Bình, Châu Hội, Châu Hạnh 1.246 ha và cây nguyên liệu hương ở Thị trấn, Châu Hạnh... Lâm nghiệp có bước tăng trưởng khá, trồng mới rừng tập trung và rừng trồng sau khai thác hơn 5.325 ha, giai đoạn 2011 - 2015 đạt 6.725 ha, tăng độ che phủ rừng lên 78%. 
 
Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng tiếp tục tăng trưởng. Một số sản phẩm tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp tăng mạnh như: Hương trầm, dệt thổ cẩm, chế biến lâm sản,  sản lượng thủy điện đạt khoảng 90 triệu KWh; một số sản phẩm khác như: đá xây dựng, cát, sỏi và gạch được sản xuất phát triển ổn định. Hệ thống kết cấu hạ tầng tiếp tục được tập trung đầu tư xây dựng, huy động vốn đầu tư được quan tâm chỉ đạo đạt kết quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, bộ mặt đô thị và nông thôn ngày càng đổi mới. Thương mại, dịch vụ tăng trưởng khá. Giá trị sản xuất ngành thương mại, dịch vụ đạt 521,47 tỷ đồng. Phong trào xây dựng nông thôn mới được nhân dân hưởng ứng tích cực. Trong tổng kinh phí xây dựng nông thôn mới nhiệm kỳ qua đạt 566.584,6 triệu đồng, riêng nhân dân đóng góp đạt 20.832,6 triệu đồng. Đến nay, có 1 xã đạt 16 tiêu chí, 1 xã đạt 15 tiêu chí, 3 xã đạt từ 11- 13 tiêu chí...
 
Văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ. Chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng lên. Công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân được quan tâm. Thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm, xoá đói, giảm nghèo, các chính sách đối với người có công, chính sách an sinh xã hội... Quốc phòng - an ninh được đảm bảo. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tệ nạn xã hội được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng và đạt nhiều kết quả tốt. Chất lượng tổ chức cơ sở đảng được nâng lên, hệ thống chính trị được tăng cường; thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, chuẩn hoá đội ngũ cán bộ. 
Phóng viên: Thưa đồng chí, để có được thành quả nêu trên, vai trò lãnh đạo của cấp ủy các cấp trên địa bàn là rất quan trọng. Đồng chí có thể cho biết nét nổi bật của công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ qua?
 
Đồng chí Lang Văn Chiến: Nhiệm kỳ qua huyện đã tập trung làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao phẩm chất, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên; xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, chăm lo củng cố cơ sở đảng yếu kém, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; phát huy sức mạnh tập thể, đồng thời đề cao trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị. Cùng với đó, các cấp ủy đảng các cấp đã thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 03-CT/TW, ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp. Có nhiều phong trào, mô hình, điển hình thiết thực, hiệu quả về thực hiện học tập và làm theo Bác trên các lĩnh vực; chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình công tác, cụ thể hóa việc triển khai phù hợp với từng đảng bộ, chi bộ, các cơ quan, đơn vị.
 
Phóng viên:  Để  đưa Quỳ Châu sớm thoát khỏi huyện nghèo vào năm 2020 là mục tiêu đã được Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra, vậy phương hướng, giải pháp phát triển được đặt ra là gì, thưa đồng chí?
 
Đồng chí Lang Văn Chiến: Với mục tiêu nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phát triển nhanh, bền vững, để đưa huyện Quỳ Châu thoát nghèo vào năm 2020, Quỳ Châu xác định rõ về định hướng phát triển đó là, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài, huy động tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp; tiểu thủ công nghiệp; dịch vụ, góp phần phát triển nhanh, bền vững; đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; giữ gìn và phát huy bản sắc các giá trị văn hóa dân tộc truyền thống; đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; làm tốt công tác xây dựng Đảng, tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; xây dựng Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ngày càng vững mạnh. Theo đó, giải pháp phát triển của Quỳ Châu là:  Phát huy nội lực gắn với khai thác tối đa nguồn lực từ bên ngoài. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh; xử lý tốt các mối quan hệ trong phát triển: Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường; phát triển kinh tế với chăm lo các vấn đề xã hội; phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm ổn định xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh.
 
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí! 
 
 
Quảng An