(Baonghean) - Mỗi buổi chiều buông, từng đàn cò lại tìm về bàu Cây Thị thuộc thôn Thuận Yên, xã Nghĩa Hoàn (Tân Kỳ). Từ gần chục năm nay, khu vực rộng chừng 3 ha này là nơi trú ngụ của hàng nghìn con cò.
KHÁM PHÁ VƯỜN CÒ
Xóm Thuận Yên cách Thị trấn Lạt huyện Tân Kỳ chừng 17 km. Chúng tôi đến trụ sở UBND xã vào giữa trưa. Cuộc chuyện ở quán nước chè ven đường trong khi chờ đến giờ hành chính với những người dân xóm Việt Lâm khiến tôi thêm phần phấn khích. Anh bạn mới quen là chủ của một dãy hàng quán bán từ bia hơi, nước ngọt, quần áo cho đến vật liệu xây dựng cho biết : Vườn cò nhà Hiền Lê trong xã ai cũng biết. Có lẽ đó là điểm tập trung nhiều cò nhất ở mấy huyện miền Tây Nghệ An. Lúc đó tôi đã nghĩ đến một chốn hoang dã nào đó thật nên thơ. Chủ nhân khu vườn hẳn là một “đại gia” có sở thích với những thú vui tao nhã.
Anh cán bộ xã Nghĩa Hoàn rót chén nước chè mời khách, giọng xởi lởi: “Các bạn hãy chờ thêm một, hai giờ đồng hồ nữa. Khi chiều xuống, diều đã no căng tôm cá, lũ cò mới về.” Anh cán bộ cho hay, anh Nguyễn Danh Hiền, chị Trương Thị Lê, chủ vườn cò vốn là chỗ thân tình của người dân cả mấy xóm lân cận. Có vậy mới giữ được đàn cò khỏi những bàn tay xâm phạm suốt nhiều năm ròng rã.
Chúng tôi dễ dàng tìm được khu vườn cò chỉ cách trụ sở UBND xã Nghĩa Hoàn non 1 cây số. Khu vườn nằm giữa cánh đồng, cách đó không xa là con sông Con. Phù sa của dòng sông này tạo nên khu vực bàu Cây Thị. Gần đó có những lò sản xuất ngói Cừa nổi tiếng. Ngói là nguồn thu nhập chính để người dân Nghĩa Hoàn làm giàu, xây nhà đẹp, tậu xe sang. Nghĩa Hoàn nổi tiếng khắp tỉnh Nghệ An với thương hiệu ngói Cừa.
Bóng cò thấp thoáng trắng trên những mái lò ngói. Có lẽ chỉ chốc lát nữa là chúng bay về nơi trú ngụ ở bàu Cây Thị.
Theo một người đàn ông đứng tuổi, xóm Thuận Yên từng có một cây thị lớn nên thành tên gọi bàu Cây Thị. Trước kia nơi đây ngập ngụa sình lầy, lau sậy mọc dày đặc. Từ năm 2005, gia đình anh Nguyễn Danh Hiền đấu thầu khu vực này mục đích để thả cá, cải thiện làm trang trại. Khu vực này được gia chủ rào lại bằng lưới B40. Kè, đê ngăn nước được dần dà xây dựng. Cho đến bây giờ vùng sình lầy đã trở thành khu trang trại khá đẹp mắt. Hàng cây mưng được trồng khéo léo trên lối dẫn vào trang trại. Một dãy nhà được xây dựng theo kiểu hàng quán phục vụ ẩm thực. Cạnh đó là 2 ao cá. 2 anh con trai trong xóm gần đó người đang mắc mồi, người đang thả câu. Ven lối đi cạnh ao và hai bên đường ra khu chăn nuôi đều được trồng cây, từng hàng thẳng tắp.
Chị Trương Thị Lê, chủ trang trại dẫn chúng tôi đến dãy nhà nhìn ra mặt hồ khá rộng. Ở giữa hồ và bờ bên kia là một khoảng rừng nhỏ mọc đầy ổi và cây sậy. Chị bảo đó là không gian riêng của lũ cò. Ngày nắng, quãng bốn rưỡi, năm giờ chiều là chúng quần tụ về đây đậu kín trên những ngọn cây. Ngày mưa, lũ cò sẽ về sớm hớn trước đó nửa giờ. Lúc chiều buông khu vườn chuyển sang màu trắng toát bởi hàng nghìn con cò.
Vậy là chúng tôi phải chờ hơn một giờ đồng hồ nữa. Trong quãng thời gian ấy, tôi bảo với cô bạn viết báo rằng cách tiêu khiển hay nhất vẫn là khám phá khu trang trại nhà chị Lê. Tôi lục tìm một khái niệm thích hợp để gọi tên khu vườn này. Gọi là trang trại VAC thì chưa đầy đủ bởi nơi đây ngoài vườn cây, ao cá, chuồng nuôi gà và bồ câu thì đàn cò mới là điều thú vị nhất của khu trang trại.
SẮC TRẮNG LÚC CHIỀU BUÔNG
Mê mải tán chuyện với mấy anh “thợ” câu cá trong xóm bên chiếc cầu dẫn hòn ra đảo nhỏ giữa hồ, tôi quên mất rằng trời đang dần về chiều. Một âm thanh lạ vang lên khiến tôi sực nhớ ra là mình đang chờ đợi cò về. Tiếng kêu của những chú cò đầu tiên vọng đến và tôi bất giác ngó lên bầu trời. Lẩn khuất sau tầng mây thấp là những chấm đen ti ti. Ban đầu chúng chỉ bằng con muỗi, sau lớn dần bằng cái hạt cau. Tôi đã nhận ra đàn cò. Chúng lượn những vòng tròn thấp dần phía trên đầu chúng tôi.
Anh bạn thợ câu quả quyết rằng khung cảnh này đã quá quen thuộc. Nói vậy, anh ta vẫn đặt chiếc cần câu xuống và ngó lên bầu trời. Vẻ mặt cũng phấn khích, chẳng kém gì chúng tôi, những vị khách phương xa lần đầu chiêm ngưỡng đàn cò về tổ.
Sau mấy vòng chao lượn, đàn cò đầu tiên đã bạo dạn đáp xuống khoảng rừng phía bên kia mặt hồ. Tốp này dễ chừng phải đến hàng trăm con. Những tốp khác vẫn đang lượn vòng phía trên. Lũ cò có vẻ bất an khi nhận thấy những kẻ lạ mặt xuất hiện trong trang trại. Anh thợ câu tên Tân nói vẻ hài hước: “Bình thường bọn cò về là đáp xuống các nhánh cây luôn. Chúng nó tưởng nhầm ống kính máy ảnh là nòng súng đấy mà.”
Sau một hồi lâu nhận thấy chúng tôi và những chiếc máy ảnh trên tay không thể gây hại gì, bầy cò mới phần nào yên lòng. Lúc này hoàng hôn đã buông xuống xóm núi Thuận Yên. Khoảng rừng giữa hồ đã được trang hoàng bởi một màu trắng lạ mắt. Tôi tin rằng lũ cò đã thực sự yên lòng khi đã tìm về ngôi nhà của chúng.
Nhìn đàn cò xáo trộn trước sự xuất hiện của chúng tôi, ông Tân cho hay mới chỉ mấy năm về trước, đàn cò về đây đã không thể yên thân với những kẻ săn trộm lúc nào cũng lăm le với cái súng săn, súng dây chun. Họ bảo chim cò của trời ai muốn bắn chẳng được. Thương đàn cò, gia đình chị Lê phải túc trực suốt đêm ngoài vườn. Đến giờ chúng đi ăn về vợ chồng chị liền có mặt ngoài vườn. Phát hiện kẻ săn trộm thì tìm đến tận nhà khuyên bảo. Cứ thế dần dà người ta hiểu và không còn ai bắn trộm cò tại vườn nữa. Để “lấy lòng” người dân, chị bàn với chồng cho phép mọi người được vào ao câu cá. Trong xóm ai thèm ăn gỏi hay cá hấp cứ việc cầm cần câu đến bắt một vài con. Nhờ cách làm khéo léo như vậy nên đến giờ chẳng còn ai đến bắn trộm cò nữa. Đêm về, chị Lê đã được ngon giấc.
“Gia đình mình chỉ nuôi cò để vậy thôi sao?” – Cô bạn tôi chợt hỏi và bà chủ vườn cò cười hiền lành: “Thật ra nhà chị cũng đã có kế hoạch cho nó.” Chị Lê chỉ về phía dãy nhà và bảo rằng thỉnh thoảng vẫn có những đoàn khách đến đây tham quan khu vườn. Cách đây vài tháng có mấy vị khách nghe bảo là người Pháp tìm đến để khảo sát tiềm năng phát triển du lịch sinh thái. Khách trong tỉnh, trong huyện thì nhiều hơn. Tuần nào cũng có một vài đoàn. Người ta đến đây muốn ngắm cảnh đàn cò về lúc chiều hôm. Có mấy kênh truyền hình cũng đã tìm đến làm phóng sự.
“Người ta đến rồi đi chứ chưa ai ở lại qua đêm vì chưa có nhà khách” – Chị Lê cho biết. Chủ của 2 lò sản xuất ngói Cừa cho biết trong tương lai gia đình đang có ý tưởng xây một ngôi nhà đón khách nho nhỏ. Bởi theo chị Lê có ở lại qua đêm mới cảm nhận hết sự thú vị của vườn cò. Tối đến là cả khu bàu lại xôn xao tiếng cò, tiếng cá búng nước.
Mặt trời đã khuất dạng. Đàn cò giờ đã yên vị tại nơi nương náu. Có lẽ giờ đây chúng đã có phần yên tâm bởi chí ít thì có đến lúc này, những bàn tay xâm phạm không làm hại đến chúng. Khu vườn chốc chốc lại rộn lên tiếng kêu “ò ò”. Chị Lê bảo âm thanh này sẽ còn kéo dài cho đến gần nửa đêm.
HỮU VI – LAN THÁI