(Baonghean) - Vào mùa mưa lũ, nguy cơ lũ quét, lũ ống luôn xảy ra bất ngờ đối với các huyện rẻo cao. Các cấp, ngành, địa phương đang thực hiện các giải pháp thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” để giảm thiểu thiệt hại.
Lũ ống, lũ quét rập rình
Quế Phong là huyện miền núi có địa hình phức tạp chia cắt mạnh bởi những sông, suối, khe rạch có độ dốc cao. Theo khảo sát huyện Quế Phong có khoảng trên 20 điểm có nguy cơ lũ ống, lũ quét nằm ở các xã Nậm Giải, Tri Lễ, Hạnh Dịch, Tiền Phong, Đồng Văn... Chúng tôi trở lại Quế Phong một ngày trung tuần tháng 9. Những trận mưa lớn khiến dòng sông Quàng ở xã Cắm Muộn, Quang Phong cuộn lên ngầu đỏ. Khá nhiều bản làng nơi đây nằm sát với dòng sông, nguy cơ bị lũ ống, lũ quét tàn phá là rất cao. Riêng tại bản Pún, xã Cắm Muộn có 85 hộ dân vào mùa mưa lũ năm nào cũng bị ngập úng. Ông Lô Văn Tuấn, Trưởng bản Pún chia sẻ: Bản chủ yếu là hộ nghèo, đời sống còn khó khăn, ở sát bờ sông nên chỉ cần trận mưa lớn là bị ngập. Riêng đợt mưa mấy ngày trước đã có nhiều hộ phải tạm di dời đến nơi an toàn.
Xã Cắm Muộn (Quế Phong) có 12 bản đều nằm dọc sông, khe suối lớn như bản Cắm Nọc, bản Pún, Cắm Pỏm, Cắm Cảng, Đòn Phạt nằm dọc sông Quàng. Bản Pú, Piếng Cắm, Phả Pạt, Ná Kho… nằm dọc khe Quỷa. Xã có khoảng trên 100 hộ dân ở vùng cảnh báo lũ quét tập trung ở các bản Đòn Phạt, bản Pún, Cắm Nọc... Theo chủ trương của Nhà nước, xã Cắm Muộn thường xuyên vận động bà con di dời xen dắm đến nơi an toàn, tuy nhiên 3 năm lại nay mới chỉ có khoảng 15 hộ dân di dời. Còn lại hầu hết bà con vẫn bám trụ bởi ở gần khe suối.
Huyện Quỳ Châu cũng có khá nhiều điểm lũ quét, lũ ống đe dọa, tập trung chủ yếu ở các xã Châu Tiến, Châu Thắng, Diên Lãm, Châu Nga, Châu Hội… Đợt mưa lớn vừa qua riêng tại xã Châu Tiến đã có 4 bản bị ngập úng nặng gồm Hạnh Tiến, bản Ban, Hoa Tiến 1, Hoa Tiến 2, Minh Tiến. Chúng tôi tìm về bản Ban - nơi thấp trũng nhất nằm ở sát khu vực sông Hiếu và sông Hạt. Ở đây san sát những ngôi nhà kê nền thấp, ông Sầm Văn Nam - một hộ dân chia sẻ: Đợt mưa vừa qua, nước từ dòng sông Hiếu đã dâng lên tràn vào nhà. Cũng may là nước dâng lên buổi sáng nên chúng tôi có thời gian để chuẩn bị đồ đạc di chuyển. Theo ông Nam, sợ nhất là nước lớn bất ngờ đổ về từ thượng nguồn gây nên lũ ống, lũ quét vào ban đêm. Năm 2007, riêng ở bản Ban đã bị lũ quét cuốn trôi hơn chục ngôi nhà và nhiều trâu bò, lợn, gà.
Những trận mưa liên tiếp vừa qua bản Ban có trên 20 hộ dân bị ngập lụt. Tại bản Minh Tiến có khoảng trên 50 hộ dân dựng nhà sát bờ sông Hiếu ven QL48. Chúng tôi thấy tại đây nhiều đoạn sông đã lấn “ăn” cả vào QL48, đất sạt lở kéo theo cả bụi tre xuống sông. Một số hộ đã từng bị sạt lở do sông lấn nhưng vẫn liều mình xây dựng nhà mới như hộ anh Trần Đình Sửu, Nguyễn Thành Bảy… Ông Trần Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Châu Tiến cho biết: Châu Tiến có 9 bản thì có 6 bản nằm ở vùng ngập lụt, các bản làng chủ yếu nằm dọc sông Nậm Việc, sông Hiếu, sông Hạt. Mưa lớn nước từ thượng nguồn Lào đổ về nguy cơ lũ quét rất cao. Châu Hạnh có 18 bản nhưng có 10 bản nằm trong vùng nguy cơ lũ quét, do điều kiện đất bằng hiếm hoi nên nhiều hộ dân cố tình dựng nhà dọc khe Lan.
Huyện Quỳ Châu có địa hình hiểm trở, mùa mưa lũ thường gây lũ ống, lũ quét sạt lở núi, ngập úng cho các bản làng nằm dọc khe suối nhưng vấn đề di dời dân lên vùng an toàn đang gặp nhiều khó khăn bởi quỹ đất bằng ít, kinh phí di dời quá lớn. Hiện tại toàn huyện vẫn chưa có khu di dân tái định cư nào cho đồng bào bị ảnh hưởng bởi lũ quét, sạt lở núi.
Chủ động ứng phó giảm thiệt hại
Để chủ động ứng phó với lũ ống, lũ quét, hiện tại nhiều bản làng ở xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong đã chủ động các phương án ứng phó. Ông Lô Văn Tuấn, Trưởng bản Pún, xã Cắm Muộn cho hay: Vào mùa mưa, bản Pún đều bị ngập úng, được sự quan tâm của Nhà nước, hiện bản đã có trên 20 hộ dân được Ngân hàng Chính sách cho vay 15 triệu đồng/hộ để sửa sang, nâng nền nhà lên cao để tránh ngập úng. Bản Pún thành lập tổ xung kích có trên 20 thanh niên có sức khỏe tham gia ứng cứu khi xảy ra sự cố. Đợt mưa vừa qua tổ xung kích này đã kịp thời di dời người và tài sản cho hàng chục hộ dân đến nơi an toàn.
Ông Lô Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Cắm Muộn cho biết: Để chủ động phòng, tránh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do lũ quét gây ra, chúng tôi thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. UBND xã đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCBL, xây dựng, điều chỉnh và bổ sung phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai chi tiết. UBND xã đã xây dựng được đội xung kích cơ động có trên 40 thành viên tham gia để ứng cứu tại chỗ khi cần. Mỗi bản làng có 20 thành viên tham gia vào các tổ đội cơ động. Các lực lương đều được phân công nhiệm vụ cụ thể...
Ngay từ đầu mùa mưa năm 2015, huyện đã tổ chức diễn tập PCBL tại xã Cắm Muộn để nâng cao ý thức chủ động phòng tránh cho đồng bào. Đối với những hộ sống ở các địa bàn có nguy cơ cao về lũ quét, phải tổ chức di dân đến nơi an toàn. Tiến hành kiểm tra rà soát lại các công trình thuỷ lợi, 4 hồ đập chứa nước ở các xã Tri lễ (đập Kẽm Ải), Tiền Phong (đập Tổng Mọ và đập Chăm Bảy), Quế Sơn (đập Piêng Panh), hồ Thủy điện Hủa Na. Giao cho các xã chủ động kiểm tra kịp thời tiến hành tu sửa và cần có các giải pháp an toàn về hồ chứa của đơn vị mình quản lý. Tất cả các xã có các sông lớn chảy qua như sông Chu, sông Nậm Việc, sông Nậm Giải và sông Quàng đều có nguy cơ lũ quét, lũ ống xảy ra trong mùa bão lụt do đó thành viên Ban Chỉ huy PCLB huyện đi chỉ đạo các xã lập phương án PCLB gửi về Ban Chỉ huy PCLB huyện và kiểm tra chỉ đạo kịp thời khi bão lụt xảy ra.
Huyện Quỳ Châu cơ bản đã sẵn sàng thực hiện công tác “4 tại chỗ”. Trong đợt mưa lũ vừa qua lực lượng xung kích, lực lượng cơ động của bản, xã đã kịp thời ứng cứu di chuyển trên 20 hộ dân ở vùng ngập úng thuộc bản Ban, Minh Tiến, Hợp Tiến. Phân công lực lượng túc trực tại các điểm ngập úng để cảnh báo cho người tham gia giao thông. Ngoài việc sử dụng lực lượng ứng cứu theo từng vùng, từng khu vực, hiện nay trên địa bàn huyện Quỳ Châu đã chuẩn bị các loại phương tiện, thiết bị phục vụ cho công tác phòng chống lụt bão, gồm: 2 máy ủi, 7 máy xúc, 80 xe ô tô vận tải, 6 xuồng máy…
Nghệ An có 11 huyện nằm trong vùng có nguy cơ lũ quét, lũ ống. Để giảm thiệt hại, yêu cầu đặt ra hiện nay là ngành chức năng cần đánh giá, phân vùng cảnh báo lũ quét, sạt lở đất; chú trọng phân vùng tỷ lệ lớn tại từng địa bàn để phát huy hiệu quả, cập nhật các điểm dân cư vào bản đồ nguy cơ lũ quét, sạt lở đất làm cơ sở chỉ đạo, ứng phó thiên tai. Cùng với đó, từng bước đầu tư xây dựng, lắp đặt tăng mật độ hệ thống quan trắc và cảnh báo sớm tại những khu vực dân cư sinh sống có nguy cơ cao về lũ quét, sạt ở đất để cảnh báo kịp thời, phục vụ sơ tán dân cư. Đối với các địa phương ở vùng biên giới cần phối hợp với nước bạn Lào để nằm bắt tình hình nước từ thượng nguồn đổ về để có phương án phòng tránh.
Văn Trường