(Baonghean) - Từ vài năm nay người dân xã Châu Thành (huyện Quỳ Hợp) đã có đường sá để mở mang kinh tế. Nhưng xã vùng 135 này cũng đang nhức nhối với nạn ô nhiễm môi trương do hoạt động khai thác thiếc, chế biến quặng...
Dọc con suối Nặm Dôn thuộc xóm Chăm Hiêng (Châu Thành - Quỳ Hợp), bao đời nay, dân bản chỉ biết nương nhờ lương thực từ nguồn lúa nước trong bản. Cũng như bao nhiêu dân bản khác, gia đình chị Vi Thị Thanh có một ít diện tích lúa nước để tạm ổn định về lương thực. Thế nhưng, từ khi có hoạt động khai thác quặng thiếc nơi đầu nguồn nước, bắt đầu từ gần 10 năm trở lại đây, dòng suối luôn trong tình trạng đục ngầu, không thể phục vụ tưới ruộng được nữa. Nước tưới ruộng phải lấy từ một nguồn khác, chảy nhỏ giọt, còn nữa là nhờ vào nước mưa. Năm nào mưa nhiều thì lúa được mùa, những năm ít mưa, năng suất giảm mạnh. Thậm chí, có những đám ruộng không kịp chín đã chết héo.
Không chỉ có lúa ruộng bị ảnh hưởng, từ ngày con suối ô nhiễm, nước giếng gia đình chị Thanh cũng bốc mùi khó chịu, đành phải bỏ. Để có nước dùng, nhà chị Thanh phải bắc ống dẫn nước từ trên núi dài hơn nửa cây số về nhà. Theo chị Thanh, từ ngày có hoạt động khai thác quặng trên địa bàn, cuộc sống của bà con đã bị xáo trộn vì nguồn nước ô nhiễm nặng!
Theo ông Vi Đình Chiến, trưởng xóm Trung Thành xã Châu Thành thì toàn xóm có 9 ha ruộng nước của bà con được Xí nghiệp Thiếc Bản Cô thuê lại của người dân thời hạn 5 năm. Doanh nghiệp này có nghĩa vụ phải hoàn trả mặt bằng lại cho người dân trở lại sản xuất. Tuy nhiên, thời hạn 5 năm đã hết, nhiều diện tích vẫn chưa được hoàn trả. Hoạt động khai thác quặng thiếc không chỉ gây ô nhiễm nguồn nước mà còn làm biến đổi dòng chảy của con suối. Ông Hà Văn Quang, một người dân xóm Trung Thành cho biết: Sự biến đổi dòng chảy đã khiến ruộng nước của những gia đình ở gần suối bị nước lũ cuốn đất đá vùi lấp trong mùa mưa lũ. Riêng gia đình ông Quang, có 980m2 ruộng nước được cấp bìa đỏ, bị vùi từ 5 năm nay. Bây giờ, chỉ cần có một trận mưa vừa là bùn từ bãi khai thác quặng lại tràn vào ruộng lúa của người dân.
Theo tìm hiểu của chúng tôi tại địa bàn xóm Trung Thành, Tiến Thành thì người dân có một phần “lỗi” khi gây ô nhiễm nguồn nước. Cùng với hoạt động khai thác quặng của doanh nghiệp, người dân lúc nông nhàn cũng đã tìm đến các bãi khai thác đãi quặng. Được biết, mỗi kí quặng thiếc do bà con đãi được có giá 220.000 đồng. Mức giá như vậy khá cao, nhưng không phải dễ kiếm vì bà con chủ yếu đi “mót” lại của doanh nghiệp khai thác bằng máy múc. Sau mùa nương rẫy, không biết làm gì hơn, nhiều người đã xuống suối đãi quặng. Chính những hoạt động này cũng đang góp phần gây ô nhiễm nguồn nước. Cũng theo ông Vi Đình Chiến, xóm trưởng Trung Thành, có những hộ dân chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt khi đến xin ban quản lý cho doanh nghiệp khai thác quặng tiếp tục thuê đất sản xuất để đào quặng. Với cách làm này, có những hộ thu được hàng chục triệu đồng nhưng rồi về lâu về dài thì chính họ sẽ lâm vào tình cảnh khó khăn khi không có đất sản xuất trong thời gian dài, ít nhất là 5 năm trước khi doanh nghiệp khai thác thiếc trả lại mặt bằng. Đất do doanh nghiệp khai thác quặng hoàn thổ lại không thể đưa vào sản xuất ngay và phải mất thời gian cải tạo lại. Ngoài ra, tại xóm Trung Thành, còn có một xưởng tuyển quặng sắt hoạt động ngay sát nhà dân, gây ô nhiễm tiếng ồn và cả nguồn nước.
Trao đổi với P.V Báo Nghệ An, ông Hạ Đăng Ninh, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Thành cho biết: Địa bàn xã có trên 4.200 nhân khẩu, chia làm 9 xóm thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Từ năm 2011, tuyến tỉnh lộ từ Châu Thành đi Châu Thôn (Quế Phong) hoàn thành đã giúp đời sống của người dân có phần khởi sắc hơn. Trên địa bàn xã, đã có một số doanh nghiệp hoạt động trong đó có Xí nghiệp thiếc Bản Cô. Tuy vậy, trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp này đã làm ô nhiễm nguồn nước, tác động xấu đến đời sống của bà con ở dọc con suối. Xã đã từng xử phạt hành chính đối với những vi phạm của doanh nghiệp này. Ngoài ra, việc hoàn trả lại mặt bằng của doanh nghiệp chậm tiến độ, nên chính quyền xã đang tạm ngừng việc mở rộng diện tích khai thác trong 50 ha thuộc quy hoạch vùng khai thác trên địa bàn. Ông Ninh cho biết, đến bao giờ doanh nghiệp Bản Cô hoàn thành việc trả lại mặt bằng cho người dân có đất sản xuất, chính quyền mới cho phép tiếp tục mở rộng diện tích khai thác...
Hữu Vi