Nhân một chuyến công tác vào vùng sâu của xã Châu Thái (huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An), chúng tôi vô tình được ông Vi Văn Biến (82 tuổi, người dân tộc Thái, ở bản Cố, xã Châu Thái) đưa cho xem những hiện vật rất lạ mà ông đã cất khá kỹ gần cả trăm năm nay.
Theo ông Biến cho biết thì đó là những vật mà bố của ông để lại và dặn phải giữ lấy, không được cho ai, không được bán đi, coi như "phúc" của nhà. Sau khi xem kỹ và theo hiểu biết tuy còn rất hạn chế, chúng tôi vô cùng sửng sốt vì phát hiện đây là những cổ vật mang đậm phong cách văn hóa Chăm. Các cổ vật có hình bầu dục, đường kính từ 5 - 7cm, bề dầy khoảng 1,5 - 2cm, trọng lượng khá nhẹ so với kích thước. Chất liệu chế tác là một hỗn hợp của nhựa cánh kiến, sáp ong và kết hợp một số hợp chất khác có màu đen bóng của sừng, khá bền, nhẹ, khó cháy và không thấm nước. Hai mặt của các cổ vật đều được khắc chạm những hình tượng khác nhau, từ hình tháp Chăm cho đến hình tượng chữ viết... và đặc biệt là hình tượng thần Gajasimha (đầu voi, mình ngựa), một hình tượng khá phổ biến trong nghệ thuật điêu khắc Chăm.
Có người cho rằng những cổ vật này chính là những đồng tiền cổ của người Chăm Pa!? Nếu đúng như vậy thì sự giao lưu kinh tế và văn hóa từ xưa giữa 2 vương quốc Chăm Pa và Đại Việt đã khá phát triển, cho đến khi vương quốc Chăm Pa được sáp nhập vào Đại việt trong thế kỷ thứ 15 (năm 1471)!?