Bất hạnh và sự cứu rỗi
Ngày xưa, cậu bé Vi Văn Ngữ đã từng ước mơ trở thành anh bộ đội cầm súng. Cậu bé gửi ước mơ trên những cánh đồng, ngọn núi mà hàng ngày vẫn cùng chúng bạn chăn trâu cắt cỏ, nơi những trang vở còn lấm lem bùn đất của nỗi nghèo khó ở xóm nhỏ Khe Thần ( Nghĩa Bình, Tân Kỳ). Thế rồi tai nạn ập đến. Một quả mìn còn sót lại trên đồng đất Tân Kỳ đã cướp đi của Vi Văn Ngữ đôi mắt và cánh tay phải. Những âm thanh của cuộc sống vô tình dội vào thính giác chỉ làm Ngữ thêm đau đớn. Nào tiếng chim trên cành cây sau nhà, tiếng xe chạy lọc xọc trên đường làng, tiếng cười đùa của lũ bạn giờ tan học, tiếng khỏa nước dưới sông... Ngay cả mặt trời rực rỡ bây giờ chỉ còn cảm thấy bằng sự ấm nóng. Vậy nên dễ hiểu vì sao căn nhà của Ngữ, căn phòng mà Ngữ nằm luôn đóng chặt.
6 năm ròng, chốt chặt cánh cửa nhà, chốt chặt niềm ước mơ, để nghĩ nhiều về một sự ra đi. Cho đến một ngày...Khi còn lại một mình trong căn phòng nhỏ, đối diện với 4 bức tường im và bóng tối, Ngữ lần bước chân cô độc và vấp phải cây đàn ghi ta mà nhóm thanh niên trong xóm vẫn thường đến chơi, động viên anh, bỏ lại. Những âm thanh bật lên đánh thức trong anh một khát vọng mơ hồ. Ngữ run rẩy ôm cây đàn vào ngực, bàn tay còn lại lần tìm những sợi dây...Làm cách nào đây để đánh được cây đàn này? Làm thế nào đây, để mình được thấy, được vẽ cuộc sống đầy ánh sáng, được bày tỏ những ước mơ đã nguội tàn? Quyết tâm bùng dậy trong anh. Anh tập ngày, tập đêm. 5 ngón tay bật máu. Ghì cây đàn vào ngực, bàn tay còn lại làm việc vất vả để hoà âm, phối dây... Khi nốt nhạc đầu tiên thành hình hài, anh hạnh phúc đến rơi nước mắt. Nó thắp cho anh niềm hy vọng, niềm tin vào cuộc sống. Ngày lại ngày, tiếng đàn, lời ca đã ấm lên căn nhà mấy năm im đóng cửa, nơi bạn bè kéo đến thêm đông. Anh được động viên gia nhập Hội Người mù của huyện. Ở đó, anh nhận ra không ít người còn bất hạnh hơn mình. Những bài ca, vì thế, không chỉ là lời sầu não thở than, mà đã có thêm những khúc rộn rã. Và ở vùng quê heo hút ấy, người ta đã xôn xao về một người mù đánh đàn một tay và hát những bài ca lay động lòng người. Anh được nhiều người biết đến hơn nữa sau khi được Hội Người mù Nghệ An cử đi thi và đoạt Huy chương Vàng cuộc thi " Tiếng hát từ trái tim" do Hội Người mù Việt Nam tổ chức năm 2000. Sau đó 2 năm, anh lại đoạt Huy chương Vàng trong Liên hoan Nghệ thuật quần chúng do Bộ Lao động- TBXH tổ chức. Âm nhạc, với Vi Văn Ngữ, đã trở thành sự cứu rỗi như vậy đấy!
Hàng ngày anh Ngữ chị Hương hát rong để mưu sinh.
Tình yêu
Đến với âm nhạc, Ngữ tìm thấy niềm vui sống, nhưng trái tim trai trẻ của anh chưa một lần dám nghĩ đến tình yêu, đến một mái nhà rộn tiếng cười con trẻ. Nhưng, trong lần xuống tỉnh để tập văn nghệ cho hội diễn, anh đã gặp Nguyễn Thị Hương, cô giáo dạy chữ Brai, giọng ca của Hội Người mù Nghi Lộc. Chị sinh ra trong gia đình có người cha bị mù, bản thân chị và em trai cũng bị mờ mắt bẩm sinh. Hai người đồng cảnh ngộ, lại mến nhau qua tiếng đàn giọng hát, họ đã tâm sự cùng nhau biết bao nhiêu chuyện vốn tưởng đã chôn chặt trong lòng. Đó là nỗi buồn tủi suốt tuổi thơ nghèo khó, tật nguyền. Là những ước mơ không đủ sức cất cánh. Là nỗi nhớ con đường, nhớ gương mặt người thân, những trang sách mở ra những chân trời...Và cả hai trái tim thổn thức ấy đã cùng hướng về một ánh sáng đang chiếu rọi xuống cuộc đời họ: tình yêu. Món quà lớn lao nhất, bất ngờ nhất mà Thượng đế dành tặng những người đã gặp nhiều bất hạnh.
Nhưng khi nói lên nguyện vọng về một đám cưới, họ đã gặp phải vô vàn khó khăn. Hơn ai hết, mẹ chị Hương hiểu lấy một người mù thì sẽ cơ cực thế nào. Và cả hai người đều mù, mờ như thế, cuộc sống sẽ ra sao? Nhưng đôi trẻ đã vượt qua tất thảy những cản ngăn, cấm đoán. Đám cưới đôi vợ chồng mù do Hội Người mù tổ chức đã diễn ra trong nỗi mừng tủi. Họ nắm tay nhau đi giữa bao nhiêu ánh mắt vừa ngưỡng mộ, vùa xót xa và tin rằng mình đang nắm giữ hạnh phúc.
Lấy nhau về, không có nơi ở, hai vợ chồng dắt díu nhau đến Hội Người mù Tân Kỳ xin tá túc ở một góc nhỏ trong trụ sở hội. Hàng ngày, cả hai dẫn nhau đi lang thang bán tăm, bán đũa. Sau đó 2 người lại dắt díu nhau xuống Vinh. Năm 2003, bà ngoại chia cho vợ chồng anh chị mảnh đất nhỏ ở xóm 5-Nghi Liên, ngôi nhà nhỏ đã được dựng lên bằng tiền đóng góp của các anh chị trong Hội Người mù và bà con chòm xóm. Hai đứa con cũng lần lượt ra đời trong nỗi thấp thỏm: Liệu chúng có bị mù di truyền như chị Hương không? Nhưng thật may mắn, cả hai đứa đều khoẻ mạnh...
Nỗi niềm
Gánh nặng mưu sinh từ đây càng thêm đè nặng lên đôi vai hai vợ chồng. Việc bán tăm, bán đũa ngày càng khó khăn. Nhiều đêm, hai vợ chồng thức trắng cùng những tiếng thở dài nén trong lồng ngực. Làm sao để sống, để nuôi con, để trả ơn bao nhiêu người cùng cảnh ngộ đã góp từng đồng tiền thấm đẫm mồ hôi, nước mắt tạo dựng cho mình một mái nhà? Cầm lòng chẳng đặng, hai vợ chồng nghĩ tới cây đàn... Nó đã đem đến niềm vui sống, mang lại mối lương duyên và một lần nữa lại cậy đến nó để tiếp tục cuộc mưu sinh. Thế là hàng ngày, từ tờ mờ sáng, người ta lại thấy đôi vợ chồng mù, mang theo cây đàn, bộ loa máy cũ, dắt nhau vào trung tâm thành phố. Hôm thì đi bộ, hôm thì chị chở anh bằng chiếc xe đạp cà tàng. Hai đứa con cậy nhờ bà ngoại. Và mỗi sáng như vậy, bà ngoại tựa cửa nhìn theo bóng hai con xa dần mà lòng quặn những lo toan: Không biết chặng đường chúng đi có an toàn, không biết ngày hôm nay có kiếm đủ tiền cho con đóng học, không biết chúng nó có sức nữa không mà hát...?
Hạnh phúc giản dị.
Nhớ lại lần đầu tiên cất tiếng hát trên vỉa hè, cả hai anh chị đều nghẹn lời. Nhưng rồi lại động viên lẫn nhau: Nào ai muốn mưu sinh bằng nghề hát rong, nhưng mình phải sống, phải lo cho con cái, mẹ già...Vả lại, mình lao động bằng sức lực của mình, và cũng vất vả, khó khăn lắm chứ. Thế là những bài ca đã cất lên, trong những quán cà phê sáng, những quán cơm trưa rưng rưng nỗi niềm. Vỉa hè thành phố đã thành chốn trú chân của anh, chị. Cho đến khi, thành phố đã lên đèn, họ lại dắt nhau trở về mái nhà nhỏ. Nơi ấy, có bà mẹ già và hai đứa con thơ đang ngóng chờ...
Lời kết
Vào một buổi sáng tình cờ nào đó, bạn có ý định rời khỏi những ồn ào, tìm một góc khuất lặng. Bạn cô đơn, bạn muốn yên tĩnh, hay muốn nhìn lại mình sau một chặng dài mệt mỏi bơ phờ, muốn nhận rõ những giá trị đích thực của cuộc sống mà bao lần bạn băn khoăn? Trong một buổi sáng như vậy, có thể bạn đã đi qua thành phố đông người và dừng lại bên một vỉa hè, nơi có tiếng người hát xẩm đang cất lên một khúc dân ca. Tiếng hát như quá lạc lõng giữa nhịp sống hối hả, bận bịu. Nó lạc lõng, không chỉ đơn giản bởi nó là một khúc dân ca, mà còn bởi người hát kia đã hát tha thiết quá. Tha thiết quá, trong tiếng lanh canh những cái thìa khuấy đường trong ly cà phê, trong tiếng chuông điện thoại như đồng loạt vang lên ở khắp các góc bàn quán xá với những phi vụ làm ăn, chứng khoán và bóng đá, trong cái cặm cụi của lũ trẻ đánh giày mài mắt vào những đôi giày da bạc triệu...
Và bạn sẽ sững sờ biết bao, khi nhìn thấy họ, hai vợ chồng mù dắt nhau trên hè phố, vừa đi vừa cất tiếng hát. Rằng: " Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục/ Sống cuộc đời răng là nhục là vinh...". Người chồng, đôi mắt chỉ còn bóng tối, tay phải đã cụt tựa vào người vợ đôi mắt đục mờ. Cây ghi ta treo toòng teng trước ngực anh, và những ngón tay trái vừa gảy dây vừa bấm phím. Tiếng đàn bập bùng nâng giọng hát của người vợ như rút ra từ gan ruột. Phố xá ồn ào xem tiếng hát như thể lời rao. Đôi vợ chồng mù đi qua nắng, qua mưa, qua những mùa nảy lộc trên cành đến những mùa trút lá, đi qua những trắc ẩn và cả sự hững hờ. Những tờ bạc lẻ run rẩy trong tay nắm. Tờ bạc ấy, mỗi tối được duỗi ra phẳng phiu, mua gạo, mua củi, đóng tiền học cho con đến trường...
Bước chân hai người qua nhiều góc phố. Họ cất tiếng hát hết bài này sang bài khác. Trời đông, mà trán người chồng lấm tấm mồ hôi. Với anh, việc đánh ghi ta khi còn có một tay là một sự nỗ lực quá lớn. Khi người vợ đã mệt, chị cầm micro, cúi sát gần anh. Lúc này, người đánh ghi ta một tay cất tiếng: "Tôi nghe giai điệu tổ quốc tôi. Dịu dàng trong tiếng ru hời...". Với bài hát ấy có mấy ai biết rằng, anh đã từng đoạt Huy chương Vàng tại một hội diễn. Dường như lúc anh cất tiếng, không còn nữa những nỗi đau từ hai đôi mắt, không còn nữa nỗi đau từ cánh tay phải đã mất đi sau một tai nạn năm anh 16 tuổi. Và ước mơ thời thơ ấu như đã bay về, đậu trong trái tim anh...