Lễ phát động hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức ngày 20/12, tại Hà Nội. Hoạt động nằm trong khuôn khổ “Dự án sưu tầm tài liệu, hiện vật và hình ảnh” do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. 
 
images898536_b.jpgCác đại biểu dự Tọa đàm "Nhà báo Đào Tùng với báo chí Cách mạng Việt Nam" xem ảnh tư liệu về nhà báo Đào Tùng. Ảnh minh họa. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)
 
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ cảm ơn các nhà báo, cá nhân, tổ chức đã tích cực, đi đầu hiến tặng những hiện vật quý giá cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam; khẳng định, những hiện vật, tư liệu quý giá này sẽ được trưng bày và gìn giữ một cách an toàn, trân trọng tại bảo tàng. 
 
Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ nhấn mạnh Hội Nhà báo Việt Nam xác định Bảo tàng Báo chí Việt Nam được xây dựng với mục tiêu vừa là nơi bảo tồn, phát huy truyền thống của báo chí Việt Nam, vừa là nơi sinh hoạt, trao đổi nghiệp vụ của hội viên Hội Nhà báo. 
 
Với ý nghĩa đó, Bảo tàng hy vọng tiếp tục nhận được sự hưởng ứng, hiến tặng của các nhà báo, cá nhân, tập thể quan tâm đến việc lưu giữ, phát triển những giá trị đích thực của ngành báo chí cách mạng Việt Nam. 
 
Các hiện vật được sưu tầm trưng bày tại Bảo tàng liên quan đến lịch sử hình thành báo chí cách mạng Việt Nam; các tổ chức cá nhân tiêu biểu của ngành báo chí trong, ngoài nước. Việc xây dựng lý lịch hiện vật, tài liệu khoa học được thực hiện theo đúng quy chuẩn của bảo tàng. 
 
Theo ông Lê Quốc Trung, Thường trực Hội đồng cố vấn sưu tầm hiện vật của Bảo tàng, việc sưu tầm tài liệu, hiện vật không giới hạn về thời gian, số lượng và sẽ được tiến hành theo hai giai đoạn. Trước mắt, Bảo tàng tập trung sưu tầm một số tài liệu, hiện vật, các sưu tập về nền báo chí cách mạng. Song song với đó, Bảo tàng sẽ tiến hành sưu tầm tư liệu, hiện vật về báo chí trước cách mạng. 
 
Được sự hưởng ứng tích cực của nhiều nhà báo lão thành, gia đình các nhà báo đã quá cố…; đến nay, sau một thời gian ngắn triển khai, bước đầu Hội Nhà báo Việt Nam đã nhận được hơn 150 hiện vật có giá trị của 11 nhà báo và gia đình các nhà báo. 
 
Gia đình nhà báo Hoàng Tùng tặng các hiện vật: Giải thưởng OIJ tặng nhà báo Hoàng Tùng nguyên bản tiếng Pháp, Thẻ Nhà báo niên hạn 2001-2005,.... 
 
Nhà báo Phan Quang tặng hiện vật vỏ đạn đại bác chiến trường Quảng Trị năm 1973; Bếp dầu hỏa mang theo trong các chuyến đi công tác vào Quảng Bình, Quảng Trị thời chống Mỹ; Máy ảnh Samsung do Đài Phát thanh truyền hình KBS Hàn Quốc tặng năm 1989; Nhà báo Phạm Thành Long tặng sách: Một thời với khăn quàng đỏ; 50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ…
 
Thực hiện từ năm 2012, Dự án sưu tầm tài liệu, hiện vật và hình ảnh là một trong 4 hoạt động quan trọng thuộc Đề án Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Để triển khai tốt đề án, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành Kế hoạch sưu tầm hiện vật; chuẩn bị nhân sự và đào tạo cán bộ bảo tàng; tổ chức các hoạt động chuẩn bị triển khai xây dựng bảo tàng … 
 
Từ năm 2014-2015, Hội nhà báo Việt Nam sẽ tập trung nghiên cứu, biên soạn chuẩn bị hồ sơ khoa học hiện vật; thiết kế, thi công, trưng bày bảo tàng,.../. 
 
Theo TTXVN