(Baonghean) - Cởi mở, cầu thị, tôn trọng - đó là tinh thần chung mà chúng tôi cảm nhận được trong buổi họp báo cuối năm 2013 do UBND tỉnh tổ chức. Ý kiến của đại diện các cơ quan báo chí đã thể hiện, quan điểm rõ ràng, thẳng thăn trước những vấn đề đặt ra đối với tỉnh…
Đã trở thành thông lệ, hàng năm vào dịp cuối năm, UBND tỉnh đều tổ chức họp báo với sự tham gia của đại diện lãnh đạo, phóng viên các cơ quan báo chí trung ương, địa phương trên địa bàn để thông báo tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh và những định hướng trong năm tới, lắng nghe, trao đổi thông tin với cơ quan báo chí tuyên truyền trong năm vừa qua. So với thường niên, thời gian họp báo năm nay diễn ra sớm hơn cho thấy lãnh đạo UBND tỉnh rất coi trọng công tác tuyên truyền, rất cần những thông tin từ các cơ quan báo chí để cụ thể hơn về định hướng, giải pháp lãnh đạo phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh trong năm 2014, năm đầu tiên cả tỉnh tập trung các nguồn lực, giải pháp thực hiện NQ 26 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển Nghệ An đến năm 2020 và cũng là năm cuối cùng thực hiện NQ đại hội đảng các cấp.
Năm 2013 là một năm vô cùng khó khăn do ảnh hưởng của nền kinh tế suy thoái, chậm phục hồi, thiệt hại nặng nề do thiên tai, bão lụt diễn ra liên tục nhưng với sự nỗ lực quyết tâm cao của toàn Đảng bộ và nhân dân, đặc biệt là sự đóng góp rất lớn của lực lượng báo chí tuyên truyền, kinh tế của tỉnh nhà vẫn có bước tăng trưởng. Điều trăn trở của lãnh đạo tỉnh cũng là sự gợi ý của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh để các nhà báo, lãnh đạo các cơ quan báo chí cùng trăn trở, thảo luận, đó là đến nay Nghệ An vẫn chưa thực hiện được lời căn dặn của Bác lúc sinh thời mong muốn Nghệ An trở thành tỉnh khá của miền Bắc.
Mục tiêu đến năm 2020 theo NQ 26 - NQ/TƯ thì Nghệ An trở thành một trong những tỉnh khá, tỉnh phát triển của cả nước đòi hỏi cần phải có sự đột phá, cần phải tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư, phải tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư “coi việc của các nhà đầu tư hơn việc của mình”. Đồng thời nhanh chóng khắc phục những tồn tại, hạn chế về hạ tầng bến cảng, sân bay, hạ tầng giao thông, thông tin liên lạc và tư tưởng bảo thủ, trông chờ ỷ lại còn mang nặng cố hữu... Trong tiến trình đó, Nghệ An rất cần sự đồng thuận, ủng hộ thông tin từ các cơ quan báo chí, từ chính các sản phẩm của công cụ truyền thông.
Sự cởi mở, thẳng thắn, chân tình của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp báo làm không khí thực sự ấm lên, với những ý kiến, kiến nghị đóng góp trách nhiệm, tâm huyết. Nhà báo Trần Văn Hiền, đại diện Tạp chí Người làm báo Việt Nam nêu vấn đề: Sau sự việc xả lũ ở Hoàng Mai, trách nhiệm tổ chức họp báo phải là UBND tỉnh chứ không phải ngành Nông nghiệp. Cần phải làm rõ trách nhiệm của Công ty Thuỷ nông Bắc trong việc xả lũ đúng quy trình như thế nào? Cũng từ thực tế vụ việc này cần phải nhanh chóng trong định hướng cung cấp thông tin cho báo chí thông qua họp báo.
Vấn đề chuyển đổi nông lâm trường quốc doanh thời gian qua đang gặp một số tồn tại vướng mắc cần tháo gỡ, nhà báo Minh Thư - Báo Nhân dân nêu lên: Cần phải làm rõ vì sao việc chuyển đổi tại Công ty MTV Nông nghiệp Sông Con lại không nhận được sự đồng thuận của nhân dân, ở đây do thiếu trách nhiệm hay chưa đúng quy trình? Vấn đề xây dựng một số nhà máy sắn vùng miền Tây cần phải xem xét cụ thể giữa lợi và hại. Nhà báo Lâm Văn Đoàn - Phó Tổng Biên tập Báo Nghệ An cho rằng, một số vụ việc mà Báo Nghệ An tuyên truyền đã tạo được hiệu ứng rất tốt trong xã hội; nhưng trách nhiệm trả lời của một số cơ quan chức năng liên quan rất chậm, thậm chí không trả lời như vấn đề buôn bán sữa đậu nành Vạn Xuân, hay vấn đề Quỹ tình thương do Hội Phụ nữ triển khai; vấn đề phá rừng Pu Lon...
Buổi họp báo thu hút khá nhiều ý kiến đã thể hiện rõ sự chia sẻ, trăn trở cùng lãnh đạo tỉnh khi chưa tạo sự đột phá trên lĩnh vực phát triển kinh tế, chưa thu hút được những dự án lớn tầm cỡ; nguồn thu ngân sách chưa ổn định; các vấn đề xã hội còn bức xúc. Do vậy, trong chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị rất cần sự đồng thuận quan tâm thông tin tuyên truyền của các cơ quan truyền thông. Năm 2013, tinh thần dân chủ trong hoạt động báo chí đã thể hiện rõ qua việc cung cấp, đăng phát và xử lý thông tin có những kết quả tốt với việc Sở Thông tin - Truyền thông cơ quan quản lý nhà nước đã chấp thuận cho 11 đơn vị tổ chức họp báo; 72/72 sở, ban, ngành, địa phương đã cử người phát ngôn. Việc đăng phát thông tin các cơ quan đã bám sát tôn chỉ mục đích và định hướng tuyên truyền của tỉnh; kết quả xử lý thông tin cơ bản đã kịp thời, tạo hiệu ứng tốt trong dư luận xã hội.
Để tăng cường tính dân chủ trong hoạt động báo chí, phù hợp với tình hình mới, ngày 4/12/2013, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 62/2013/QĐ-UBND về Quy định “Phát ngôn, cung cấp, đăng phát và xử lý thông tin trên báo chí thuộc địa bàn Nghệ An” thay thế Quyết định số 99 sau 6 năm thực hiện. Nói về việc UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 62, đồng chí Nguyễn Xuân Đường nhấn mạnh: UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan trên địa bàn tỉnh phải có trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí theo hướng thực hiện tốt 6 chữ: “Cởi mở, cầu thị, tôn trọng”. Đây cũng là nét “đột phá”, dân chủ trong hoạt động thông tin báo chí trên địa bàn tỉnh, vừa góp phần tạo sự đồng thuận hỗ trợ thông tin cũng như thực hiện chức năng phản biện xã hội của báo chí.
Kế hoạch năm 2014, toàn tỉnh phấn đấu đạt mục tiêu Nghị quyết 26- NQ/TƯ đã xác định. Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn: Nghệ An đang rất cần những nguồn lực mới để đầu tư cho phát triển, do vậy, mong muốn báo chí đồng hành cùng tỉnh thực hiện 3 nhiệm vụ mang tính “đột phá” trong năm 2014. Đó là, tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư, các dự án lớn; tập trung các nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, trọng tâm là nâng cấp sân bay Vinh, xây dựng cảng nước sâu, cải thiện hệ thống giao thông và chú trọng cải cách hành chính, đạo đức công vụ của cán bộ công chức.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn báo chí tiếp tục đồng hành, giúp tỉnh trong công tác tuyên truyền, động viên các tầng lớp nhân dân, thực hiện thắng lợi các mục tiêu nêu trên, sớm đưa NQ 26 vào cuộc sống.
Hồng Sơn