761753_small_40011.jpgNhà lưu niệm Phan Bội Châu.
Sớm có tinh thần yêu nước, 17 tuổi Phan Bội Châu thảo bài hịch "Bình Tây thu Bắc" dán ở cây to đầu làng, 19 tuổi (1885), Kinh thành Huế thất thủ, Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương, Phan cũng tổ chức đội "Thí sinh quân" gồm 60 người để ứng nghĩa, nhưng chưa kịp hành động đã tan rã.

Trong khoảng 10 năm cuối thế kỷ XIX, Phan Bội Châu vừa dạy học để nuôi mẹ già, vừa tìm đọc thêm "Tân thư, Tân văn" và mở rộng giao du, tìm người đồng tâm đồng chí. Năm 1904, ông thành lập "Hội Duy tân", chủ trương dùng vũ trang bạo động (1).

Đầu năm 1905, Phan Bội Châu trực tiếp lãnh đạo phong trào Đông Du và từ năm 1905 -1908 đã tổ chức gần 200 thanh niên yêu nước xuất dương sang Nhật học tập tại các trường Đông văn thư viện và Chấn Võ. Ở đây Phan lại lập ra Công Hiến hội để quản lý lưu học sinh. Các tác phẩm "Việt Nam - Vong quốc sư", "Hải ngoại huyết thư", "Tân Việt Nam", "Việt Nam quốc sử khảo"... đều viết vào lúc này.

Tháng 3 năm 1909, tổ chức Đông Du bị giải tán, Phan Bội Châu bị chính phủ Nhật Bản trục xuất, phải về ẩn náu ở Trung Quốc rồi sang Xiêm, sống ở Trại Cày thuộc Bản Thầm. Song chỉ hơn 1 năm sau, cách mạng Tân Hợi thành công (1911), Phan Bội Châu trở lại Trung Quốc, tuyên bố giải tán Duy Tân hội, lập Việt Nam Quang Phục hội. Từ đây ngòi bút của Phan Bội Châu tuyên truyền không biết mỏi mệt cho tư tưởng cộng hoà và dân chủ, tiếp tục cổ vũ cho đường lối cách mạng vũ trang. Hội đã cử người về nước hoạt động, gây nên một số vụ bạo động nhằm "lay tỉnh hồn nước". Nhưng rồi ngày 24-12-1913, Phan Bội Châu bị bọn quân phiệt Trung Quốc bắt giam.

Năm 1917 ra tù, Phan tìm hiểu Cách mạng tháng Mười, viết báo ca ngợi Lênin. Giữa năm 1924, phỏng theo Quốc Dân đảng của Tôn Trung Sơn, Phan cải tổ Việt Nam Quang phục hội thành Việt Nam Quốc dân đảng. Và còn định cải tổ lại theo hướng tiến bộ nhất theo sự góp ý của Nguyễn ái Quốc (12/1924). Nhưng ngày 30/6/1925, trên đường đi từ Hàng Châu đi Quảng Châu, vừa đến ga Bắc Thượng Hải, Phan bị Pháp bắt cóc đưa về nước rồi đem xử ở Toà đề hình Hà Nội. Cả nước bùng nổ một phong trào bãi khoá, bãi công, bãi thị rầm rộ, đòi trả tự do cho Phan Bội Châu. Cuối cùng chính quyền thực dân đưa Phan về Huế an trí.

Từ năm 1926 trở đi, Phan Bội Châu phải sống cuộc đời "cá chậu chim lồng" bị cách ly với thực tế đấu tranh của dân tộc, nhưng vẫn không ngừng dùng thơ văn để tuyên truyền yêu nước. Thơ văn Phan tiếp tục nói nhiều đến nỗi khổ nhục vong quốc và trách nhiệm người dân đối với nước. Đó là các tác phẩm: "Nam quốc dân tu trí", "Nữ quốc dân tu trí", "Thuốc chữa dân nghèo", "Luân lý vấn đáp", "Lời hỏi thanh niên",... Phan Bội Châu còn soạn các công trình biên khảo: "Phan Bội Châu niên biểu", "Xã hội chủ nghĩa", "Nhân sinh triết học", "Khổng học đăng", "Chu dịch"... cùng với 800 bài thơ, phú, văn tế, tạp văn...

Điểm nổi bật ở Phan Bội Châu là chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng bền bỉ, sâu sắc, Phan thường tìm được hình tượng tiêu biểu trong lịch sử để minh hoạ lý thuyết của mình bằng bút pháp hào hùng, rung cảm, quyến rũ. Không nên chỉ xem Phan đơn giản chỉ có tư tưởng cầu viện và bạo động. Phan cũng quan tâm đến vấn đề giáo dục quốc dân, đặc biệt là đối với thanh niên và dân nghèo. Phan có một số hạn chế, đã tự nhận trong cuốn "Phan Bội Châu niên biểu". Phan cũng biết chuyển mình theo cái mới, từ tư tưởng quân chủ sang dân chủ rồi tán thành chủ nghĩa xã hội song không vượt qua được những ảnh hưởng Nho giáo đã tiếp thu từ lâu. Thời gian bị an trí ở Huế, Phan đã giữ gìn phẩm chất cao khiết không để cho kẻ địch lung lạc.

Từ đây, Phan Bội Châu chỉ là "Ông già bến Ngự", song sự nghiệp cứu nước của Phan Bội Châu và những người đi theo Phan lẫy lừng cả một giai đoạn cách mạng của dân tộc.

Giáo sư Trần Văn Giàu cho rằng, trong thời gian đầu thế kỷ XX, Phan Bội Châu chiếm đỉnh cao nhất của tư tưởng chính trị và triết học Việt Nam (2).

Võ Liêm Sơn thì làm thơ:

Phan tiên sinh là người hào kiệt,

Mười năm xưa đọc hết Thánh hiền.

Gặp cơn đất lở trời nghiêng,

Lòng mẫn thế ưu thiên chan chứa... (3)

(Chúc thọ cụ Sào Nam)

Nhà sử học Tôn Quang Phiệt nhận định: "Chúng ta có thể nói rằng, trong lịch sử giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam trước Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu là một nhân vật vĩ đại"(4). Bona, một luật sư người Pháp viết: "Cụ Phan là người quả không hổ là kẻ ái quân, ái quốc chân chính. Dẫu tôi là người Pháp, đối với cụ Phan, tôi cũng phải hâm mộ. Tôi hâm mộ là hâm mộ cái thân thế minh quang, cái tinh thần cao thượng, cái nghị lực bất khuất đã từng tỏ ra trong các việc làm của đời cụ"(5).

Có hàng trăm cuốn sách, bài viết ở trong nước và ngoài nước nói về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng cứu nước của Phan, tất cả đều ca ngợi cụ, nhận định về cụ, là nhân vật nhiệt thành yêu nước, xả thân vì nước. Nhưng có lẽ lời đánh giá của Nguyễn ái Quốc về Phan Bội Châu: "Bậc anh hùng, vi thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được 20 triệu người trong vòng nô lệ tôn sùng" là đúng đắn và đầy đủ hơn cả.

Phan Bội Châu là nhà văn có vị trí quan trọng trong lịch sử nước ta thời cận đại. Trước khi có văn thơ Nguyễn ái Quốc - Hồ Chí Minh, trong gia tài văn học Việt Nam cách mạng, không dễ gì có nhiều văn chương mang sức lay động quần chúng đứng lên đấu tranh cách mạng lớn lao như văn chương Phan Bội Châu. Giờ đây, văn chương đó, về tư tưởng, về quan niệm, có điểm này điểm khác đã lui về dĩ vãng, nhưng trái tim mới mẻ, cuốn hút vẫn có ý nghĩa hiện đại. Phan Bội Châu là một trong số không nhiều những nhà văn lớn nhất của văn học Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ XX.

Kỷ niệm 140 năm ngày sinh Phan Bội Châu, chúng tôi đề nghị:

1- Nên ra một số sách mang tính phổ thông để nhân dân ta hiểu về cụ Phan hơn.

2- Tôn tạo Nhà lưu niệm Phan Bội Châu ở thị trấn Nam Đàn sao cho xứng đáng với tầm vóc của cụ.

3- Tập hợp tư liệu về những sĩ phu đã theo Phan, vào Hội Duy Tân hoặc Đông Du, đã hoạt động cứu nước trong đầu thế kỷ XX tiêu biểu là: Đặng Thái Thân, Đặng Nguyên Cẩn, Hoàng Trọng Mậu, Nguyễn Thức Đường, Hồ Học Lãm, Hồ Bá Kiệm, Bùi Chính Lộ, Mai Lão Bạng, Trần Đông Phong, Hoàng Xuân Hành, Nguyễn Thức Bao, Ngô Quảng, Hồ Bá Phấn, Nguyễn Đình Hồ, Nguyễn Thị Thanh... để viết một cuốn sách về họ, dựng bia ghi danh và tôn vinh họ.

4- Tổ chức lễ kỷ niệm trọng thể tại TP. Vinh vào ngày 26-12-2007.


P.GS Ninh Viết Giao


----------------------------

(1) Đầu 1905, Phan Bội Châu cùng Đặng Tử Kính xuất dương sang Nhật.

(2) Theo GS Trần Văn Giàu, bài viết cho Phan Bội Châu toàn tập, do Chương Thâu sưu tầm và biên soạn, NXB Thuận Hoá và Trung tâm VHNN Đông Tây ấn hành 2001.

(3) Thơ văn Võ Liêm Sơn, P. GS Ninh Viết Giao biên soạn và giới thiệu, Hội Văn nghệ Hà Tĩnh ấn hành 1993.

(4) Phan Bội Châu và một giai đoạn lịch sử chống Pháp của nhân dân Việt Nam, NXB Văn hoá, Hà Nội, 1958.

(5) Theo Bùi Đình, Vụ án Phan Bội Châu, NXB Tiếng Việt, Hà Nội, 1950.