(Baonghean.vn) - Đó là một trong những vấn đề được đặt ra tại cuộc trao đổi giữa Hội đồng Lý luận Trung ương với Huyện ủy Nghĩa Đàn chiều 23/11, theo chương trình nghiên cứu, khảo sát một số vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng đội ngũ cán bộ nhằm phục vụ Hội nghị Trung ương 7 sắp tới.

images2067663_a4.jpgGS.TS Phùng Hữu Phú - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Mai Hoa

GS, TS Phùng Hữu Phú – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương làm trưởng đoàn.

Về phía tỉnh có các đồng chí Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; Lê Quốc Khánh – Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy.

Trên cơ sở đặt vấn đề của đoàn công tác Hội đồng Lý luận Trung ương, tại cuộc làm việc, thay mặt Huyên ủy Nghĩa Đàn, đồng chí Phan Tiến Hải - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy đã báo cáo với đoàn công tác những kinh nghiệm cũng như những hạn chế, vướng mắc, bất cập trên các khâu của công tác cán bộ.

Đó là tình trạng bố trí, sắp xếp cán bộ không gắn liền với quy hoạch, cán bộ do trình độ chuyên môn đào tạo không đồng đều, thậm chí chỉ tập trung vào một số ngành nên khó bố trí khi có nhu cầu cụ thể hoặc do những yêu cầu của thực tiễn.

Một số địa phương còn tư tưởng khép kín trong việc tạo nguồn cán bộ, chưa thu hút được đội ngũ trí thức trẻ tốt nghiệp các trường đại học về xã công tác. Đây là vướng mắc khó giải quyết bởi lẽ, số lượng cán bộ, công chức cấp xã hiện đã bố trí ổn định theo quy định 21 – 23 người nên khó tạo được nguồn mới.

Đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy nêu một số đề xuất với Trung ương về công tác cán bộ. Ảnh: Mai Hoa

Nêu một hạn chế, khuyết điểm trong công tác cán bộ, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy kiến nghị, thi tuyển công chức cần phải có những yêu cầu và nội dung cụ thể, phù hợp hơn đối với từng vị trí việc làm nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khi được tuyển dụng.

Trong đánh giá cán bộ cần lượng hóa và cụ thể hóa tiêu chí đảm bảo chính xác hơn; có quy định cụ thể về trách nhiệm và chế tài đối với người đứng đầu về kết quả đánh giá cán bộ; về phát huy tính khách quan, trung thực của cơ quan tham mưu trong việc đánh giá cán bộ...

Cũng tại cuộc làm việc, nhiều ý kiến từ những người làm công tác cán bộ qua các thời kỳ của huyện và cơ sở cũng đề cập đến bất cập trong việc sắp xếp, bố trí cán bộ ở cấp xã; công chức Văn phòng UBND, văn hóa được bố trí 2 - 3 người, trong khi chức danh Văn phòng cấp ủy đỏi hỏi phải là người có năng lực để tham mưu, giúp việc cho cấp ủy thì chỉ được bố trí 1 bán chuyên trách.

Mặt khác, mặc dù trong hệ thống Đảng, chính quyền đều có hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát và hoạt động giám sát của MTTQ, các đoàn thể, song việc phát hiện sai phạm của cán bộ chưa được nhiều, xử lý cán bộ đang còn nương nhẹ.

Một số ý kiến cũng đề nghị cần phân cấp mạnh hơn công tác quản lý cán bộ, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý cán bộ; tăng cường luân chuyển ngang giữa các cấp, các ngành để cán bộ làm một việc, biết nhiều việc; tuyển dụng cán bộ cần chú trọng chất lượng đầu vào và đầu ra của người tuyển dụng; quan tâm hướng dẫn rõ việc tinh giản biên chế...

Bí thư Huyện ủy Nghĩa Đàn Vi Văn Định làm rõ một số ý kiến mà đoàn công tác nêu liên quan đến công tác tuyển dụng, đào tạo, sử dụng cán bộ. Ảnh: Mai Hoa.

Tham gia ý kiến góp ý vào những vấn đề đoàn công tác quan tâm, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông nêu rõ một trong những nguyên nhân khiến công tác đánh giá cán bộ chưa sát và chính xác là do chưa có tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn đối với từng vị trí công tác của cán bộ. Đồng chí Nguyễn Văn Thông cũng cho rằng, việc triển khai đề án vị trí, việc làm sẽ là căn cứ để giải quyết yếu kém trong công tác đánh giá cán bộ hiện nay.

Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Mai Hoa

Liên quan đến chính sách cán bộ, theo Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông, vấn đề cần quan tâm là phải phát huy vai trò làm gương của cán bộ; cán bộ có làm gương thì mới đảm bảo uy tín của Đảng trong nhân dân và đảm bảo thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ mà mình đảm nhiệm.

Phó Bí thư Tỉnh ủy cũng nêu lên nhiều ý kiến liên quan đến việc nên hay không nên thực hiện ủy viên dự khuyết đối với cấp tỉnh trở xuống; công tác đào tạo, bồi dưỡng, công tác luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ...

Phát biểu tại cuộc làm việc, GS. TS Phùng Hữu Phú - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương đánh cao những kinh nghiệm cũng như những góp ý, đề xuất của đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, của Huyện ủy Nghĩa Đàn đối với Trung ương trên nhiều khâu của công tác cán bộ. GS. TS Phùng Hữu Phú nhấn mạnh, để tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ ngày càng có chất lượng cao hơn, đáp ứng yêu cầu ngày càng nhiều và việc khó trong xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc, yêu cầu huyện Nghĩa Đàn cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong công tác cán bộ.

Mai Hoa

TIN LIÊN QUAN