(Baonghean) - Tuần qua, nơi đại ngàn Pù Hoạt (Quế Phong) xảy ra vụ “thảm sát”, mà “nạn nhân” là 3 cây sa mu đỏ hàng trăm năm tuổi. Bài viết “Xót lắm, Sa mu” của tác giả Nhật Lân - Việt Long đăng nhật báo ngày 16/7 được bạn đọc bình chọn bài hay với số phiếu cao nhất,…
… “Đường vào xa xôi, nhiều khe suối, đèo dốc đứng, rất khó vào được vùng rừng có 3 cây sa mu đã bị chặt phá”. Lực lượng chức năng cùng các nhà báo đi vào “hiện trường” một cách “quang minh chính đại” không sợ ai bắt bớ, ngăn cản nhưng cũng phải “lội suối, trèo núi ròng rã đến 4 giờ đồng hồ…” mới gần tới nơi. Đường đi, địa hình hiểm trở là thế, cộng với sự bảo vệ của ngành Kiểm lâm, vậy mà bọn lâm tặc vẫn vào được tận nơi, chặt cây dựng lán trại và đã kịp “thảm sát” 3 cây sa mu, có cây đường kính cả chục người ôm không xuể.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Chắc rằng chỉ những ai có dịp tận mắt thưởng ngoạn cảnh rừng nguyên sinh Pù Hoạt mới có thể cảm nhận được sự kỳ vỹ, hùng tráng và nguyên sơ nơi đây. Ở đó, mỗi nhành cây, ngọn cỏ đã miệt mài chắt chiu mỡ màu của đất hàng trăm năm mới tạo nên được khu rừng sa mu kỳ vỹ, cây nào cũng chu vi lớn dăm bảy người ôm, tán rộng, thân vươn thẳng tạo nên một quần thể gần như tuyệt đối… Chỉ mới cảm nhận qua sự miêu tả của tác giả cũng đã thấy ngưỡng mộ, tự hào về những báu vật của rừng. Và rừng chính là báu vật chúng ta cần giữ gìn, bảo vệ.
Bởi rừng không chỉ tạo ra ô-xy để duy trì sự sống cho con người, rừng còn là nhân tố có vai trò đặc biệt trong chống biến đổi khí hậu, điều tiết dòng chảy trên mặt đất, bảo vệ, cải tạo làm tơi xốp đất, giữ nước cho sản xuất, hạn chế sức phá hoại của gió, ngăn sự di chuyển của cát vào sâu đất liền, ngăn chặn gió, bão phá hoại mùa màng, làng xóm… Rừng còn là nơi cư trú của động thực vật, giúp cân bằng hệ sinh thái trái đất và và là nơi lưu giữ các nguồn gen quý hiếm. Trên trái đất rộng lớn, con người cũng chỉ là những sinh vật nhỏ bé, là một thành phần của tự nhiên. Nếu con người biết chung sống hài hoà thì sẽ được thiên nhiên bảo vệ, che chở. Ngược lại sẽ phải gánh những hậu quả khôn lường: bão lũ, hạn hán, lốc xoáy, lở đất, sóng thần,…
Cũng chính vì tầm quan trọng đó của rừng, sinh thời Bác Hồ đã căn dặn: “Trồng cây không chỉ có lợi ích kinh tế mà còn có lợi ích về mặt xã hội, có tác dụng lớn tới vấn đề giáo dục và đào tạo con người”, bởi trồng cây là “việc tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều”. Vì vậy, Bác đã khởi xướng, chỉ đạo và cổ vũ “Tết trồng cây”. Người ước tính “Mỗi tết trồng được độ 15 triệu cây”, “trong mười năm nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hoà hơn, cây gỗ đầy đủ hơn” và Người luôn biểu dương những địa phương, đơn vị, cá nhân trồng cây tốt…
Vậy mà, vẫn còn đó những kẻ thủ ác với rừng. Thật xót xa trước cảnh rừng tan hoang: “Gốc, thân, cành, dăm gỗ, mạn cưa ngổn ngang trải cả một vùng rộng lớn. Một cây sa mu đã bị lâm tặc cắt lìa làm 4 khoanh lớn…”. 5 tên lâm tặc đã bị bắt, chờ ngày đưa ra xét xử trước pháp luật. Nhưng vấn đề là không thể không đặt ra nghi vấn liệu đằng sau 5 tên ấy còn có lực lượng nào, đối tượng nào “tiếp sức” hay không? Đúng như tác giả đã phân tích: “Nhìn cách thức lâm tặc dựng lán trại, nhìn những cây sa mu bị đốn hạ và những tấm ván lớn được xẻ giữa rừng, chúng tôi nhận định đây là những tên lâm tặc chuyên nghiệp và có tổ chức, có đường dây tiêu thụ”.
Bởi vậy, ngoài việc xử phạt nghiêm minh những kẻ tàn phá rừng, một việc quan trọng và cấp thiết hơn là phải tích cực thực hiện tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong gìn giữ, bảo vệ và khai thác tài nguyên rừng hợp lý. Tuyên truyền được xác định là một trong những nhiệm vụ cực kỳ quan trọng không chỉ của lực lượng Kiểm lâm mà của cả hệ thống chính trị, nhất là trong xu hướng xã hội hóa nghề rừng hiện nay. Bảo vệ rừng cũng là một cuộc chiến giữa thời bình, nên trong cuộc chiến này cần áp dụng chiến lược “chiến tranh nhân dân”, xây dựng “thế trận lòng dân” trong gìn giữ, bảo vệ rừng…
Người xây dựng