(Baonghean) - Tuần qua, bài viết “Cái chết thật đến từ thế giới ảo” của Hải Triều đăng ở chuyên mục “Cùng suy ngẫm” Báo Nghệ An cuối tuần ra ngày 26/7 nhận được số phiếu bình chọn cao thứ hai. Bài viết là góc nhìn khác về các vụ án mạng có tính man rợ xảy ra gần đây, qua đó, gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề xuống cấp đạo đức của giới trẻ hiện nay…
Thời gian gần đây, chúng ta đã rất nhiều lần phải chứng kiến những “nam thanh nữ tú”, những “cậu ấm cô chiêu” tuổi mười tám đôi mươi phạm tội để rồi vịn vành móng ngựa. Mỗi bị cáo mỗi hoàn cảnh, mỗi hành vi phạm tội khác nhau, nhưng, điều đáng lo ngại là tính chất của những vụ án này ngày càng nghiêm trọng và đối tượng phạm tội cũng ngày càng “trẻ hóa”! Không giống như trong các vụ án của người lớn, nguyên nhân thường bắt đầu từ những mâu thuẫn tình - tiền, những vụ án của giới trẻ thường bắt đầu từ những nguyên nhân tưởng chừng như rất nhỏ. Chẳng phải do những mâu thuẫn vì tiền bạc, chẳng phải để giải quyết ân oán giang hồ, cũng chẳng phải bởi sự cuồng nộ của những cơn ghen, đôi khi những thanh niên trai tráng sẵn sàng cầm dao tước đi mạng sống của đối phương chỉ vì… một cái nhìn. Những vụ án diễn ra ngày càng phức tạp và tinh vi. Đối tượng ngoài liều lĩnh, manh động còn có sự bàn bạc, tính toán để che mắt cơ quan điều tra. Các vụ án vừa điểm qua ở trên cho thấy tội phạm nghiêm trọng ngày càng trẻ hóa về độ tuổi nhưng mức độ phạm tội ngày càng nghiêm trọng hơn…
Một thực tế không thể phủ nhận được là sự tác động hai mặt của việc bùng nổ công nghệ thông tin. Rất nhiều học sinh bị lôi cuốn bởi sức hấp dẫn của “quán net” của các trò chơi điện tử trên mạng, chểnh mảng học tập. Các trò chơi thiếu lành mạnh, bạo lực, đẫm máu tràn lan trong thế giới games một phần tác động đến tâm lý trẻ vị thành niên. Nhiều “băng cướp nhí” vì thiếu tiền chơi games, hoặc phát sinh mâu thuẫn sẵn sàng có hành vi trộm cắp, cướp giật tài sản. Nhiều chuyên gia cũng nhất trí rằng căn nguyên sâu xa của tình trạng này là do giá trị ảo lấn át giá trị thật. Trẻ vị thành niên nói riêng và người trẻ nói chung đang coi báo chí, Internet là kênh quan trọng để tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, hiện nay những bộ phim bạo lực, thông tin trên nhiều tờ báo, các trang mạng ngày nào cũng có những câu chuyện vụ án sử dụng những cái tít giật gân, miêu tả tỉ mỉ cách "hành sự" sẽ như "vẽ đường cho hươu chạy". Với sự phát triển của các kênh truyền hình mang văn hóa bạo lực và thực dụng du nhập từ bên ngoài, của Internet, của mạng xã hội, con đường phạm tội của thanh, thiếu niên lại càng thênh thang…
Tội phạm trẻ hoá đã không còn là câu chuyện pháp luật. Đó là chuyện của mỗi gia đình, của mỗi người làm cha, làm mẹ, và cũng là chuyện của chính những người trẻ. Và những vụ án chấn động xã hội thời gian qua chính là hồi chuông cảnh báo với sự giáo dục nhận thức cho giới trẻ mà chúng ta đang dần “lãng quên” hoặc chưa làm đúng những gì cần làm. Thực tế cho thấy, nhiều vụ án giết người man rợ mà hung thủ là những người tuổi đời còn quá trẻ. Điều này cho thấy, thanh thiếu niên không được giáo dục đến nơi đến chốn, thiếu hiểu biết pháp luật, không có kỹ năng sống dẫn đến có những hành vi ngang ngược, thể hiện cái tôi vượt trội không cần đúng sai, phải trái. Mặt khác, do gia đình thiếu quan tâm, chăm sóc dẫn đến nhiều trẻ được tự do, bị bỏ mặc… Chính vì những lý do này dẫn đến trẻ phạm tội.
Những kẻ coi mạng người như cỏ rác là không thể tha thứ, và sẽ phải nhận hình phạt thích đáng. Tuy vậy, từ những vụ giết người này cho thấy đây là hiện tượng lo ngại, tiềm ẩn nguy cơ lớn về sự suy đồi giá trị đạo đức. Để ngăn ngừa tội phạm này thì điều quan trọng nhất vẫn phải là ở chính mỗi cá nhân. Về mặt xã hội, cần tăng cường giáo dục đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng hiểu biết pháp luật cho thanh thiếu niên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Người xây dựng
TIN LIÊN QUAN |
---|