(Baonghean) - Tuần vừa qua, bài “TTP và vấn đề phát triển nông nghiệp của Nghệ An” đăng nhật báo ngày 18/7 được bình chọn bài hay với số phiếu cao nhất. Bài viết không chỉ giúp độc giả hiểu về TTP mà còn phân tích những thách thức và cơ hội của nông nghiệp tỉnh nhà trước khi Hiệp định kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực...

TIN LIÊN QUAN

Khi tham gia TTP sẽ đưa lại cho Việt Nam nhiều cơ hội, nhưng chắc chắn chúng ta phải đương đầu với nhiều thách thức, trở ngại. Việt Nam tham gia TTP sẽ nhận được rất nhiều thuận lợi như: rộng mở thị trường xuất khẩu, hội nhập sâu hơn vào thị trường tài chính thế giới, cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp, nâng cao chất lượng đấu thầu,… Bên cạnh đó cũng sẽ có không ít những khó khăn, thách thức như: tính cạnh tranh của thị trường sẽ khốc liệt hơn, trong khi đó lại không được hưởng sự hỗ trợ của nhà nước như trước; quy tắc xuất xứ hàng hóa “nội khối” cũng khiến một số mặt hàng gặp khó hoặc không xuất khẩu được,…

Có thể nói, Nghệ An hiện tại vẫn là một tỉnh nông nghiệp. Tỉnh ta có diện tích lớn nhất cả nước, dân số đông, phần lớn sống ở nông thôn và còn phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp, vì thế “Nghệ An chắc chắn phải quan tâm nhiều đến tác động của TTP đối với các mục tiêu phát triển nông nghiệp của mình trong những năm tới”. Đúng vậy. Như tác giả phân tích:  “Nhìn chung sản xuất nông nghiệp của Nghệ An chưa thể gọi là đạt trình độ tiên tiến bởi thu nhập đem lại cho người dân từ lĩnh vực này còn thấp, đời sống còn nhiều khó khăn; năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao, chưa có thương hiệu mạnh, sức cạnh tranh còn hạn chế, thị trường tiêu thụ chưa ổn định, xuất khẩu ra thị trường ngoài nước còn yếu…”. Cũng có nghĩa là, ngành nông nghiệp tỉnh ta khiến không ít người lo lắng, bởi còn quá nhiều cái thiếu và yếu, nhất là đứng trước “ngưỡng cửa” TTP.

Thực tế cho thấy, thị trường TPP rất sòng phẳng, nước nào có hàng hóa chất lượng tốt thì khả năng cạnh tranh được đón chào, sẽ chiếm lĩnh được thị trường. Đối với nông nghiệp cũng vậy, không riêng gì Nghệ An mà với cả nước, nếu không biết khai thác lợi thế cạnh tranh, không áp dụng quy trình sản xuất an toàn, sản xuất mua bán theo kiểu mạnh ai nấy làm, thiếu liên kết “4 nhà”,... và nhất là thiếu sáng tạo, thiếu sự chủ động, chỉ trông vào nhà nước,  thì chuyện ta thua trên sân nhà là khó tránh. Bởi vậy, đúng như tác giả phân tích, “để đón nhận, phát huy những cơ hội, thuận lợi mà TTP đem lại, đồng thời hạn chế, khắc phục những thách thức, bất lợi của nó, tránh việc bị thua ngay trên sân nhà, chúng ta cần có những thay đổi mạnh mẽ trong định hướng và quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp (bao gồm nông, lâm, thuỷ, hải sản) theo hướng khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế tự nhiên, vị trí địa kinh tế của tỉnh và chuẩn bị tâm thế kỹ lưỡng cho doanh nghiệp, người sản xuất, nhà quản lý…”. Tin rằng, khi đã nhận thức được vấn đề, chỉ cần chủ động và nỗ lực nhất định sẽ thành công.


Người xây dựng