(Baonghean) - Ngày trước, người Thái Tày Mường ở miền Tây Nghệ An, gia đình nào cũng có một tấm thổ cẩm rất đẹp, được cất giữ kín đáo và được coi là của quý trong nhà, gọi là “chia “phà””. “Chia “phà” (phà) chủ yếu được dùng trong các việc mang tính tâm linh, cho nên trước đây buộc gia đình nào cũng phải có… 
 
Theo các cụ cao niên ở Quỳ Hợp (Nghệ An), chiếc ”phà”, nói theo ngôn ngữ ngày nay, chủ yếu dùng để “trang trí” là chính. Khi có việc trọng đại, người ta đưa những tấm ”phà” ra giăng làm lễ, hoặc cuốn vào các vật dụng cúng bái tượng trưng cho công việc đang thực hiện, có khi được các ông bà mo cuốn quanh người hay cuốn lên các cột nhà, chân bàn thờ, những cái sọt nhỏ đựng các lễ vật cúng tế, làm quai đeo các sọt cúng trong lễ Ky Xá hoặc lễ Xáng Khán thăng chức cho các ông mo để tăng thêm sự linh thiêng và quan trọng của nghi lễ.
 
images1148964_nh_ng_t_m_ph__du_c_trang_tr__trong_d_m_tang_ngu_i_th_i_t_y_mu_ng.jpgNhững tấm phà được trang trí trong đám tang người Thái Tày Mường.
Những tấm phà họa tiết hoa văn tinh xảo.
 
Trong đám tang ở Châu Quang và nhiều xã tại Quỳ Hợp, ”phà” được vắt lên trên một cái mái che làm bằng lạt tre chẻ dầy, tiếng Thái Tày Mường gọi là “bôn xúng” đặt phía trên quan tài. Ngồi cạnh quan tài vừa khóc, vừa nhìn lên những tấm “phà” ngỡ như thấy người thân vẫn đang hiển hiện đâu đó chưa xa qua những hình tượng được thêu dệt trên những tấm “phà”. Chiếc quan tài cũng được phủ bằng một tấm “phà” của gia đình có tang trong suốt 3 ngày quàn ở trên nhà. Nếu không có phải đi mượn, không mượn được thì phải mua. Ngày trước, phải dùng trâu bò đi đổi “phà” khi trong nhà có người qua đời mà chưa có một tấm nào để phủ lên quan tài. Đồng bào quan niệm “phà” cũng giống như một tấm chăn đắp cho người nằm trong quan tài vậy.
 
Tấm thổ cẩm này chỉ có trong nhóm Thái Tày Mường, các nhóm Thái khác hầu như không thấy có, hoặc có thì cũng mang mục đích sử dụng rất khác so với “”phà”” của nhóm Thái Tày Mường như đã nói ở trên. 
 
Về lịch sử hình thành ”phà”, cũng có nhiều cách giải thích khác nhau, nhưng đều thống nhất chung một điểm là mục đích sử dụng. Ngoài việc mang tính tâm linh, không ai sử dụng để làm việc khác. Ông mo Lữ Văn Khuyết (84 tuổi, người bản Le, xã Châu Quang) kể, ngày xửa ngày xưa, khi tạo Khủn Chưởng bị tử trận, các người vợ của tạo đã phủ trên xác chồng bằng những tấm vải được thêu dệt nhiều hình ảnh rất đẹp, trong đó đẹp nhất là tấm vải của nàng Xì Đà, người vợ thứ ba của Khủn Chưởng - hồn của Khủn Chưởng rất thích tấm vải này nên đã lấy theo về trời. Lên trời, Khủn Chưởng đã cuốn tấm chăn thêu của nàng Xì Đà lên đầu và quanh ngực, cầm gươm giáo cùng bảy triệu quân lính tiến đánh then Vắn, then Chằng, then Ná, then Ví, then Chà ở trên trời.
 
Các then đều thua. Chưởng lấy trăm nàng tóc thơm làm vợ, lấy hết cả kho vàng kho bạc, chiếm toàn bộ mường Liên Pán và giao cho Ải Quàng trấn giữ. Khi đã thành chúa mường lớn rồi, Khủn Chưởng đã thưởng công cho các quan binh và những người vợ yêu mến của mình, trong đó có nàng Xì Đà (còn gọi là nàng Căm Dắt). Nàng Căm Dắt được phong hoàng hậu và tấm chăn của nàng đắp trên xác chồng khi vừa mới tử trận ở dưới mặt đất, đã trở thành một biểu tượng của chiến thắng, được truyền mãi để thành tục lệ cho con cháu người Thái mãi mãi về sau cứ thế mà làm theo. Tấm chăn ấy được gọi là “chia “phà””.
 
Còn ông Vi Văn Minh (90 tuổi, người bản Hốc, xã Châu Đình) thì kể rằng: Khủn Chưởng đem quân đánh Tạo Quả vùng Môn Sơn - Lục Dạ của huyện Con Cuông ngày nay mãi không thắng. Vợ cả của Khủn Chưởng là nàng Ăm Pím mách rằng Tạo Quả có tướng là Anh Cả rất tài giỏi bởi có hai người vợ là Ua Cà và Ăm Cai vừa xinh đẹp lại vừa có tài canh cửi. Hai người vợ của Anh Cả đã thức suốt một trăm đêm để dệt cho chồng một chiếc khăn giống hệt chiếc khăn được treo trên vách phên nhà trời mà trước khi xuống trần, hai nàng đã may mắn được trông thấy. Khi có chiếc khăn này quấn ngang lưng, Anh Cả trở nên tài giỏi, không gươm giáo hoặc tên nỏ nào làm chết được. Muốn thắng được Tạo Quả thì phải tiêu diệt được Anh Cả, mà muốn tiêu diệt được Anh Cả thì phải lấy cho được chiếc khăn thêu linh thiêng ấy. Nghe vậy, Khủn Chưởng đã bí mật cho người tiếp cận tướng quân Anh Cả mà chàng ta không hề biết âm mưu của địch.
 
Trong một cuộc rượu say quên cả trời đất, người của Khủn Chưởng đã lấy được chiếc khăn thêu đó từ trên người của Anh Cả. Khi đã có chiếc khăn thêu, cầm chắc chiến thắng, tạo Khủn Chưởng bèn ngay lập tức cất quân đánh Tạo Quả. Không còn vật linh thiêng phù trợ nữa, Anh Cả và Tạo Quả bị thua trận và bị tiêu diệt. Mường đất của Tạo Quả thuộc về Khủn Chưởng, Chưởng cũng lấy luôn 2 nàng Ua Cà và Ăm Cai làm vợ. Chiếc khăn thêu của Anh Cả sau đó được Khủn Chưởng cuốn lên người để liên tiếp chiến thắng trong các trận đánh mở mang vùng đất của người Thái rộng ra mãi. Sau khi Khủn Chưởng chết, chiếc khăn đó được đắp trên quan tài và được Chưởng đem theo về trời để tiếp tục đánh giặc. Chiếc khăn ấy về sau được gọi là “chia “phà””. Thành một tục lệ là đắp “chia “phà”” trên quan tài người chết, cho nên bắt buộc gia đình nào cũng phải có một tấm để sử dụng ngay khi có việc hệ trọng xảy ra.
 
Như vậy, mặc dầu có những cách kể chuyện khác nhau về nguồn gốc ra đời của tấm ”phà” Thái, nhưng đều xuất phát từ câu chuyện “Tạo Khủn Chưởng” - một trường ca tiêu biểu của người Thái ở miền Tây Nghệ An. Dù còn những cách giải thích khác nhau nhưng ”phà” Thái có gốc gác lịch sử từ trong quá khứ đấu tranh sinh tồn và phát triển của một tộc người anh dũng, cần cù và đầy sáng tạo trong văn hóa mặc, đã biết đề cao văn hóa mặc để tạo nên sức mạnh chiến thắng kẻ thù. 
 
Dệt được một tấm “phà” không đơn giản, và không phải bất cứ ai cũng có thể dệt được, phải là những người phụ nữ có kinh nghiệm lâu năm, cần cù, nhẫn nại, khéo léo, có đầu óc thẩm mỹ tốt… và cũng phải mất ít nhất là 3 tháng miệt mài trên khung cửi mới có thể dệt xong được một tấm. “Phà” của người Thái chỉ dài nhất là 5,5 sải tay của chính người dệt mà thôi, không dài hơn và cũng không có độ dài chẵn, luôn lẻ ra một cánh tay. Chiều rộng trung bình từ 45 đến 50cm, tương đương với một cánh tay của người thợ dệt. Chất liệu là sợi tơ tằm.
 
Màu chủ đạo là màu cánh kiến, được nhuộm rất công phu mới đưa lên khung dệt. Hai đầu thường để dải tua, ở giữa là các khung hình cách điệu, những khung chính rộng từ 15cm - 16cm, thường trang trí 6 hình ngang song song với khoảng cách 2 khung hình chính, cách 3cm. Các con vật được thêu cách điệu, thường không quá to, chỉ có độ dài từ 10 - 13cm. Những đường viền trang trí thường có 4 màu chủ đạo vàng, trắng, tím sáng và xanh đậm. Những màu của viền trang trí không được nổi bật lấn át màu các con vật trong khung chính và màu cánh kiến chủ đạo của nền vải. Hoa văn đường viền trang trí thường là những dải màu đơn, hình con rồng dài không chân, không đầu hay hình chữ X (gọi là “chân nhái” như vẫn trông thấy ở gấu váy phụ nữ Thái thuộc nhóm Tày Mường hay mặc ngày nay). 
 
“Phà” là một loại thổ cẩm độc đáo, một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, nó phản ánh sự thông minh, óc thẩm mỹ tinh tế và đôi bàn tay tài hoa của người phụ nữ dân tộc Thái. Đáng tiếc là ngày nay nó đang mất đi dần trong các gia đình người Thái. Đồng bào bán “phà” đi với nhiều lý do khác nhau, mỗi tấm “phà” Thái cũ có giá không dưới 3 triệu đồng. Tuy nhiên, để giữ lại được những tấm “phà” có giá trị là công việc rất khó khăn. Hiện nay, trong các bản của người Thái vẫn tiếp tục dệt loại thổ cẩm này, nhưng chất liệu vải và màu sắc không còn được như xưa nữa, chủ yếu là len màu và sợi chỉ màu hoá học, vừa thô lại nhanh bị nhạt màu, chỉ dùng để trang trí các lễ hội, hay các cuộc liên hoan vui văn nghệ, đón các danh hiệu của làng bản là chính, còn giá cả thì rất rẻ, bởi thế mà các khung cửi dệt ”phà” cũng đang vắng bóng dần. 
 
Thái Tâm