(Baonghean) - Bây giờ, chè Gay (Cao Sơn - Anh Sơn) đã trở thành đặc sản của xứ Nghệ. Nhưng để bám rễ vươn mầm dâng cho đời vị ngọt chát đậm đà, cây chè xứ này cũng qua không ít tao đoạn thăng trầm...
Các cụ cao niên của xứ chè cũng không nhớ đất Cao Sơn đã bén duyên với chè, hay chè tìm đến với xứ đất đồi cằn cỗi này để góp chút tình quê cho người đi xa vẫn quay quắt nhớ về. Chỉ biết, ở Cao Sơn bây giờ vẫn có nhiều vườn chè lên đến 40 - 50 tuổi, và cây chè giờ đã trở thành niềm tự hào của người dân xứ đồi.
Xưa, 4 xã Cao Sơn, Tào Sơn, Lĩnh Sơn, Lạng Sơn vốn là vùng kinh tế mới, dân các nơi trong huyện đã về đây lập nghiệp trên vùng đất đồi hoang hóa, gần như không có dấu chân người. Trồng được cây lúa lúc đó là cả “canh bạc” với trời bởi khí hậu, nguồn nước...tất thảy đều khó khăn. Người Cao Sơn cũng đã tìm đủ cách để mưu sinh, rừng núi nhiều, nhưng "Ăn của rừng rưng rưng nước mắt", đó không phải là hướng đi lâu dài. Đất Anh Sơn vốn là đất chè, vậy nên người Cao Sơn thuở đó đã tìm giống chè về trồng trên vùng đất của mình. Chè chỉ được trồng bằng cách duy nhất là đúc nọc (chọc lỗ tra hạt). Đất đồi cằn cỗi triền miên, chỉ có cây dại chen chúc. Phải đi thật xa, qua truông, qua hói cả nửa ngày đường mới có chỗ bạt cây, bập lưỡi cuốc vào đất đồi tóe lửa để làm rãnh cho hạt chè yếu ớt chào đời.
Làm chè cực vậy, nên mới có câu: “Ai ơi chớ lấy chồng Gay/ Cơm đêm 2 bữa, cơm ngày thì không”. Mỗi năm, cây cũng chỉ cần 2 lần làm cỏ, đào rãnh, bỏ phân. Đến hạn, bà con lại làm tràng cội (loại bỏ những cành không hiệu quả) cho cây. Năm thứ 3, từ lúc gieo hạt, chè bắt đầu được thu hoạch thường xuyên. Cây chè cũng rất đỏng đảnh, bắt người thu hoạch chỉ được dùng tay bẻ cành, không được dùng dao liềm, như là cây không muốn bị đau, chỉ có bàn tay người chăm bón mới được tách những cành, những lá ra khỏi thân cây chè mẹ.
Vị chè Gay đã thơm, ngọt, lá cây chè Gay cũng khác. Mỗi phiến lá đều to, óng mượt, rất giòn và dễ gãy gập. Đất không phụ công người, cây chè lên với vùng đất này, hợp với thung thổ, khí trời nên đã tạo nên một hương vị thật khác lạ, thật riêng, chỉ có chè Gay mới có. Đi ra khỏi đất Cao Sơn, vị chè đã chuyển khác. Giống như cây cam Xã Đoài, chỉ ở vùng đất đó, cam mới thơm ngọt đến vậy. Cây như đã bén duyên người, hay nhờ tình người nên cây đền ơn?
Bây giờ Cao Sơn thường xuyên có một đội xe tải lớn chuyên chở chè đi các vùng xa. Chè vừa bẻ khỏi cành, chưa ráo nhựa đã được chất lên xe thồ đi muôn nơi. Lời người già ở Cao Sơn kể, ngày trước, cây chè được đưa xuống Động Bến, lên thuyền của các thương lái xuôi về Sa Nam (Nam Đàn), rồi theo dòng Lam đi xa hơn nữa. Cách gọi chè Gay bắt nguồn từ ngày xưa, chè của Cao Sơn chuyên đưa xuống chợ Gay (thuộc đất Lĩnh Sơn) để bán bởi ở đó có bến thuyền, dễ cho việc chuyên chở, giao thương. Mà người tiêu dùng cũng chỉ chăm chăm tìm đến với chè Gay mà như lãng quên đi đất Cao Sơn, vùng đất đã một nắng hai sương để làm ra loại chè trứ danh đó.
Để có ấm chè Gay ngon, trước hết, người ta chọn thứ lá chè dày và mơn mởn (không già quá mà cũng không non quá). Nước nấu chè thường là nước mưa hay nước giếng đá sỏi thì nước mới ngọt. Nấu chè thường dùng nồi bù hay ấm đất. Nhận chè vào phải đúng kỹ thuật, không vò nát chè, mà cũng không để nguyên lá chè vì lâu ngấm mà phải vò nhè nhẹ, tỉa nhặt những lá vàng, lá sâu. Củi nấu nước phải dùng thứ củi nấu không làm phai mất vị nước chè như: củi bạch đàn, củi xoan đâu, củi tre... Nước chè xanh giống như một người bạn chân chất, hiền lành mà quá đỗi thân thiết với mỗi gia đình nơi đây. Ngày nào cũng như ngày nào, nước chè xanh tươi nguyên chào ngày mới với bao người trước khi ra đồng.
Nhìn những đồi chè, vườn chè chạy dài trong nắng vàng cuối ngày, chợt nghĩ, cây chè Cao Sơn đã cho đời vị chát, vị thơm, dâng cho đời hết tinh túy của một đời cây, nay chè đang muốn người đặt tên, định hình cho chính sự hy sinh lặng thầm đó.
Công Mạnh