(Baonghean) - Lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ hiện có hàng trăm hộ dân tái định cư (TĐC) ở Thanh Chương, Quế Phong... quay trở lại làm ăn, sinh sống bằng khai thác lâm phụ sản, đánh bắt cá. Cuộc sống bất hợp pháp của họ đã bộc lộ nhiều hệ lụy đối với xã hội, cần sớm được giải quyết...
Những điều trông thấy...
Từ bến đò thượng lưu, ngược lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ vào các xã: Hữu Khuông, Nhôn Mai và Mai Sơn của huyện Tương Dương, xuất hiện nhiều bản nhỏ hai bên mép hồ. Người ta đã dựng nhà ở cố định, cả gia đình cùng về ở. Cuộc sống của họ thiếu thốn đủ bề, không có đường giao thông, không điện lưới, không trường, lớp học... Có nhiều nguyên nhân khiến họ phải quay lại đây để mưu sinh.
Dừng chân ở bản Xốp Lằm, xã Hữu Khuông trước đây, chúng tôi vào gia đình ông Lô Bun My, gia đình đang nhờ bà con lợp mái nhà bằng lá cọ. Ngôi nhà được làm bằng gỗ, 3 gian. Ông My năm nay đã 77 tuổi, trao đổi với chúng tôi, ông nói: Thực hiện chủ trương của Nhà nước, gia đình TĐC theo diện tự nguyện, ở bản Na Hốc, xã Nậm Nhoóng (Quế Phong). Về nơi ở mới, không có đất sản xuất, không quen với tập quán sinh hoạt, năm 2013 cả gia đình quay trở lại lòng hồ sinh sống. Cũng như 16 hộ cùng quay lại đây sinh sống, không có đất sản xuất, buộc bà con phải phát rừng làm nương rẫy, trồng lúa, ngô, tạm đủ lương thực ăn quanh năm. Ngoài làm rẫy, gia đình còn chăn nuôi lợn, gà, hàng ngày đánh bắt cá dưới lòng hồ, chỉ đủ sống qua ngày. Ở đây không có sự quản lý của chính quyền địa phương, con em sinh ra không được làm giấy khai sinh, không được đến trường học chữ, ốm đau không có nơi khám chữa bệnh. Những lúc có người ốm đau, người nhà đưa đến Trạm y tế xã Hữu Khuông khám, nhưng không có thẻ bảo hiểm. Biết là bất cập, thiệt thòi đủ thứ, nhưng gia đình cũng phải bám vùng đất này sinh sống, chứ nơi ở mới, gia đình không có việc gì làm.
Khác với hoàn cảnh của ông My, gia đình anh Lương Văn Nhất ở bản Chà Coong không thuộc diện TĐC mà sinh sống ngay tại chỗ. Lý do mà anh Nhất cho biết là, gia đình anh nuôi 2 con của anh trai (mẹ cháu mất hồi còn nhỏ), khi Nhà nước kê khai hỗ trợ TĐC Thủy điện Bản Vẽ, Nhà nước đã không hỗ trợ cho 2 cháu, nên gia đình không TĐC nơi ở mới mà quyết định ở lại đây sinh sống. Chốn cũ không có đất sản xuất, cả gia đình mưu sinh bằng cách phát nương làm rẫy được khoảng 3 ha trồng ngô, sắn.
Ở tại đây, cũng như các gia đình khác trong bản, do không có sự quản lý của chính quyền địa phương, nên không được hưởng chính sách gì của Nhà nước. Con cái đến tuổi tới trường, phải xin học nhờ ở đâu đó, khi có người ốm đau tự đi khám chữa bệnh, con cháu sinh ra không được làm giấy khai sinh... Đứa cháu ngoại của anh là Moong Thanh Hải, sinh năm 2012 tại bản, đến nay vẫn chưa được khai sinh, vì không biết khai sinh ở đâu. Hay như vợ chồng chị Lô Thị Thơ cũng ở bản Chà Coong có 2 đứa con, đứa đầu sinh năm 2009 đã làm giấy khai sinh tại xã Hữu Khuông (thời điểm đó lòng hồ chưa tích nước, bản vẫn thuộc xã Hữu Khuông), đứa thứ 2 sinh năm 2012, vẫn chưa làm giấy khai sinh. Cuộc sống của những hộ dân sinh sống tự do trong lòng hồ này, chủ yếu dựa vào rừng, làm nương rẫy tự phát, đánh bắt cá... không đường, không điện, không thông tin liên lạc... giữa lòng hồ.
Giải pháp nào?
Mới đây, vào khoảng trung tuần tháng 3, đồng chí Huỳnh Thanh Điền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc với huyện Thanh Chương, Tương Dương và Ban Quản lý Thủy điện 2 về vấn đề hậu TĐC Thủy điện Bản Vẽ. Sau thời gian trực tiếp xuống cơ sở, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã nắm bắt được nhiều vấn đề cần giải quyết cho bà con TĐC trong thời gian tới. Tại cuộc họp ngay sau đó, giữa các cấp, ngành, “nóng” nhất vẫn là vấn đề người dân TĐC quay trở lại lòng hồ sinh sống tự do, bất hợp pháp, khiến chính quyền địa phương lúng túng, chưa tìm ra hướng xử lý như thế nào.
Theo báo cáo của UBND huyện Tương Dương, con số thống kê đến thời điểm này có 276 hộ, 1.025 nhân khẩu đến sinh sống không hợp pháp trong khu vực lòng hồ. Trong đó, 40 hộ, 188 nhân khẩu chưa thực hiện di dời theo chủ trương của Nhà nước, ở các bản: Cà Coong, Nhạ Nhinh, Nhạn Pá, Xiềng Lằm, Cành Sọt, Chà Luân. Những hộ này hiện đã dựng nhà ở phía trên cốt ngập vùng lòng hồ để sinh sống ổn định. 198 hộ, 635 nhân khẩu, từ các khu TĐC tại huyện Thanh Chương quay về vùng lòng hồ để làm ăn theo mùa vụ, họ làm lán trại tạm để sinh sống bằng nghề thu hái lâm sản phụ, sản xuất và đánh cá. Có 57 hộ, 226 khẩu ở bản Kim Hồng xã TĐC Ngọc Lâm (Thanh Chương), quay trở về làm ăn nơi bản cũ, trong đó có 36 hộ đã bán nhà, quay trở về vùng lòng hồ định cư. Có 32 hộ, 175 nhân khẩu thực hiện di dời theo nguyện vọng có người quay về vùng lòng hồ để làm ăn, sinh sống và có 6 hộ TĐC trên địa bàn huyện Tương Dương quay về bản cũ làm ăn.
Nguyên nhân khiến người dân quay về lòng hồ làm ăn, sinh sống, là do nơi TĐC mới tại xã Thanh Sơn và Ngọc Lâm (Thanh Chương) chưa phù hợp với đặc điểm phong tục tập quán, trình độ sản xuất của nhân dân. Khi chuyển về các khu TĐC, người dân chưa có đất sản xuất, khi được chia đất thì quỹ đất ít so với nơi ở cũ, ruộng nước không đảm bảo theo quy định của dự án. Nhiều hộ có người quay trở lại để quản lý đàn trâu, bò chưa chuyển về hết, kết hợp đánh bắt thủy sản, nguồn tiềm năng lớn của vùng lòng hồ.
Giải quyết như thế nào đối với 276 hộ sinh sống bất hợp pháp trong vùng lòng hồ Bản Vẽ hiện nay, là vấn đề rất khó khăn, phức tạp. Tại cuộc họp, UBND tỉnh xác định, việc hàng trăm hộ dân sinh sống bất hợp pháp trong vùng lòng hồ lâu nay là do công tác quản lý con người của huyện Tương Dương còn lỏng lẻo. Lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo huyện Tương Dương nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý con người, không cho người dân TĐC tiếp tục quay trở lại làm ăn, sinh sống, vì họ đã được Nhà nước cấp đất ở nơi khu TĐC mới.
Để hạn chế tình trạng người dân TĐC quay trở lại lòng hồ sinh sống, UBND huyện Thanh Chương phối hợp với Ban Quản lý Thủy điện 2 sớm chia đất sản xuất lúa nước với diện tích 7 ha còn lại cho người dân trong tháng 4 này; rà soát lại 1.100 ha đất da báo còn lại để tiếp tục chia cho dân sản xuất. UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp - PTNT và huyện Thanh Chương tiếp tục thực hiện đề án trồng chè tại 2 xã TĐC một cách quyết liệt, có hiệu quả, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Đồng thời, các ngành liên quan tiếp tục thực hiện những mô hình cây, con trên vùng đất TĐC, có thể áp dụng được để bà con làm theo.
Việc người dân TĐC kéo nhau vào lòng hồ sinh sống bất hợp pháp và những hộ không chịu di dời vì mưu sinh, đã bộc lộ nhiều hệ lụy cho xã hội. Hệ lụy đó chính là trẻ em không được đi học, ốm đau không có nơi khám chữa bệnh, đối tượng xấu lợi dụng gây mất an ninh trật tự... Theo nguyện vọng của người dân, mong muốn được Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện cho họ được đăng ký tạm trú vào địa phương nào đó trong vùng lòng hồ để hòa nhập với cộng đồng, để được hưởng các chính sách của Nhà nước, đảm bảo cuộc sống. Thiết nghĩ, đó là nguyện vọng cần xem xét, nếu không thì chính quyền địa phương, trực tiếp là huyện Tương Dương cần sớm có phương án trình cấp trên để có hướng giải quyết, nhằm quản lý tốt hơn khu vực lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ, giúp người dân TĐC ổn định cuộc sống.
Xuân Hoàng