Tổng thống Nga Putin tiết lộ khả năng dùng đến vũ khí hạt nhân
Tổng thống Putin. Ảnh: Sky News
Nga sẽ sử dụng vũ khí vũ khí hạt nhân để đáp trả lại bất cứ vụ tấn công bằng tên lửa nào, ông Vladimir Putin ngày 18/10 cho biết.
Tổng thống Nga nói rằng, Nga sẽ chỉ tiến hành một vụ tấn công bằng tên lửa nếu hệ thống cảnh báo sớm của nước này phát hiện các tên lửa nhắm vào lãnh thổ. “Kẻ gây hấn nên biết rằng không thể tránh khỏi các biện pháp đáp trả” – ông Putin phát biểu tại một diễn đàn chính sách quốc tể ở Sochi. “Khi phát hiện một vụ tấn công nhằm vào lãnh thổ Nga, chúng tôi sẽ đáp trả”.
Biết rằng điều đó sẽ là một thảm họa toàn cầu những ông Putin nhấn mạnh rằng Nga không thể là bên khơi mào chiến tranh hạt nhân.
Hàn-Mỹ không thể khắc phục bất đồng về chia sẻ chi phí quốc phòng
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, trong khuôn khổ vòng đàm phán thứ 8 ở Seoul ngày 19/10, Hàn Quốc và Mỹ đã không thể hóa giải những bất đồng về chia sẻ chi phí quốc phòng nhằm duy trì lực lượng Mỹ đồn trú trên Bán đảo Triều Tiên.
Hai nước đồng minh đã kết thúc 4 ngày đàm phán mà không thể giải quyết bất đồng về một loạt các vấn đề mấu chốt, như chi phí chính xác Seoul phải gánh để duy trì 28.500 quân Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc. Tuy vậy, hai bên quyết định tìm cách hoàn tất đàm phán muộn nhất vào tháng tới tại Mỹ "trên tinh thần tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau".
Ngày 19/10, Bộ Ngoại giao Pakistan cho biết, nước này tạm đóng 2 cửa khẩu chính với Afghanistan theo đề nghị của Kabul, nhằm đảm bảo an ninh cho cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới của nước láng giềng này. Bộ trên nêu rõ: "Theo đề nghị của Chính phủ Afghanistan, (Pakistan) quyết định đóng các cửa khẩu tại Chaman và Torkham trong hai ngày 19 và 20/10 (thứ Sáu và thứ Bảy). Quyết định này được đưa ra nhằm hỗ trợ Afghanistan tiến hành suôn sẻ cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới tại nước này".
Mọi loại phương tiện sẽ không được phép lưu thông qua hai cửa khẩu này ngoại trừ những tình huống khẩn cấp. Trong khi đó, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cũng hoãn quá trình hồi hương của người tị nạn Afghanistan.
Thổ Nhĩ Kỳ lục soát rừng, bờ biển để tìm xác nhà báo Saudi
Các điều tra viên Thổ Nhĩ Kỳ thu thập mẫu vật tại tòa tổng lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul. Ảnh: AFP. Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đang lục soát khu rừng ngoại ô Istanbul và một thành phố ven Biển Marmara nhằm tìm kiếm xác nhà báo Jamal Khashoggi, người biến mất cách đây hai tuần sau khi đến tổng lãnh sự quán Saudi Arabia ở thành phố Istanbul. Cơ quan điều tra Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ họ đã khôi phục "nhiều mẫu vật" thu thập được ở tòa tổng lãnh sự quán Saudi và nơi ở của tổng lãnh sự hôm 18/10. Dựa trên kết quả phân tích những mẫu vật gồm đất và nước, giới chức sẽ xác định dấu vết ADN của nhà báo Khashoggi.
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã mở rộng phạm vi tìm kiếm dấu vết của ông Khashoggi sau khi nghiên cứu các tuyến đường xung quanh khu vực tổng lãnh sự quán. Cảnh sát cũng điều tra tất cả phương tiện rời khuôn viên cơ quan đại diện Saudi tại Istanbul trong ngày 2/10, thời điểm nhà báo Khashoggi được nhìn thấy lần cuối.
Ngày 19/10, các quan chức Cục Giao thông vận tải liên bang Đức (KBA) cho biết cơ quan này đã yêu cầu hãng sản xuất ôtô Opel triệu hồi 73.000 xe động cơ diesel trên toàn thế giới do được cài đặt phần mềm gian lận khí thải. KBA đã "ra lệnh triệu hồi bắt buộc" đối với các mẫu xe chạy động cơ diesel Insignia, Cascada và Zafira của Opel, sản xuất trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến năm 2016, được ghi nhận đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 6.
Theo KBA, những chiếc xe này đã được hãng Opel cài đặt thiết bị gian lận khí thải. Đây là phần mềm được thiết kế để trong quá trình kiểm tra các phương tiện thải ra một lượng khi gây ô nhiễm thấp hơn so với khi lưu hành trên thực tế. Thêm vào đó, KBA cũng cho biết hãng xe của Pháp này đã tự cập nhật phần mềm này cho 23.000 xe trong tổng số 96.000 xe của hãng.
Cảnh báo về tình trạng khô hạn ở Thái Lan
Một nông dân Thái Lan đi bộ trên cánh đồng khô ráo ở huyện Bang Pla Ma, tỉnh Suphanburi. Ảnh: AFP Ngày 19/10, Văn phòng các nguồn nước quốc gia (ONWR) của Thái Lan đã gia tăng những cảnh báo về tình trạng hạn hán đang hoành hành tại khu vực miền Đông Bắc của nước này.
Người đứng đầu tỉnh Nakhon Ratchasima, Wichian Chantharanothai cho biết 32 huyện của tỉnh này đều đã ban bố tình trạng hạn hán và đây cũng là địa phương đang gánh chịu hậu quả nặng nề của đợt thiên tai này. Cụ thể, 112.000 ha đất nông nghiệp, hầu hết trồng lúa, bị hư hại do khô hạn và có tới 14 khu vực trồng trọt và canh tác cần có sự hỗ trợ khẩn cấp. Hiện giới chức địa phương đang xem xét hỗ trợ một khoản tiền mặt hỗ trợ bà con nông dân bị mất mùa.
Hội đồng Bộ trưởng Bồ Đào Nha đã thông qua một quyết định cấm các cơ quan nhà nước sử dụng các vật dụng nhựa gồm chai, bát đĩa và túi đựng. Theo đó, quy định trên cấm sử dụng những vật dụng bằng nhựa gồm chai, bát đĩa và túi đựng, trong khi khuyến khích dùng các nguyên liệu thay thế phù hợp với hướng dẫn về mua sắm công. Quy định trên cũng đề ra mục tiêu giảm 25% lượng tiêu thụ giấy và nguyên liệu có thể tiêu hủy trong vòng một năm.
Cùng với Bồ Đào Nha, hiện nhiều nước trên thế giới đã có những bước đi mạnh mẽ nhằm giảm lượng rác thải nhựa khổng lồ như cấm sử dụng túi nilon dùng 1 lần, đánh thuế đồ nhựa,... song song với các chiến dịch tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức người dân và đầu tư vào nghiên cứu các phương pháp xử lý rác thải nhựa.