bna__mai_hoa_36090354_112022.jpgHệ thống xử lý chất nước thải tại Nhà máy sắn Hoa Sơn (Anh Sơn), tại Nhà máy sữa Vinamilk Cửa Lò và Khu công nghiệp Nam Cấm. Ảnh: Mai Hoa

Phóng viên:

Thưa đồng chí! Luật Bảo vệ môi trườngđược Quốc hội thông qua ngày 17/11/2020 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Xin đồng chí cho biết những điểm mới cần chú ý được quy định trong Luật này?

Đồng chí Thái Văn Nông: Luật Bảo vệ môi trường đã được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022 (trừ Khoản 3, Điều 29 của Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2021).

Luật này quy định về hoạt động BVMT; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân trong hoạt động bảo vệ môi trường.

Luật quy định 11 chính sách của Nhà nước về BVMT; trong đó có chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân tham gia thực hiện, kiểm tra, giám sát hoạt động BVMT; chính sách tăng cường nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ xử lý ô nhiễm, tái chế, xử lý chất thải; ưu tiên chuyển giao và áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường, kỹ thuật hiện có tốt nhất; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực về BVMT.

Luật cũng quy định rõ 14 hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động BVMT; trong đó có xả nước thải, xả khí thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường ra môi trường.

Xả thải không đúng nơi quy định là một trong những hành vi bị cấm. Ảnh: Mai Hoa

Liên quan đến những quy định mới, Luật BVMT năm 2020 được tập trung vào một số nội dung sau:

- Tích hợp nhiều thủ tục hành chính trong một thủ tục; từ giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, giấy xác nhận đủ điều kiện về BVMT trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, giấy phép xử lý chất thải nguy hại, sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, giấy phép xả khí thải công nghiệp, giấy phép xả nước thải vào nguồn nước (theo quy định tại Luật Tài nguyên nước), giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi (theo quy định tại Luật Thủy lợi), thành giấy phép môi trường; đồng thời bỏ thủ tục xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư.

- Phân cấp thẩm định, phê duyệt, cấp phép, xác nhận môi trường các dự án đầu tư/cơ sở sản xuất kinh doanh được chia theo 4 nhóm và 4 cấp: Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã, trên cơ sở tiêu chí về quy mô, công suất, loại hình sản xuất và yếu tố nhạy cảm về môi trường khu vực thực hiện dự án. Riêng thẩm quyền của UBND cấp xã thực hiện trách nhiệm đăng ký môi trường đối với các dự án/cơ sở có phát sinh chất thải nhưng không có nguy cơ tác động xấu đến môi trường.

- Quy định việc xử lý chất thải và phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn; quy định áp dụng công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, thân thiện môi trường, kỹ thuật hiện có tốt nhất nhằm giảm thiểu, kiểm soát chất thải thứ cấp phát sinh, hạn chế tối đa lượng chất thải rắn phải chôn lấp; khuyến khích đồng xử lý chất thải, sử dụng chất thải làm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu thay thế.

- Môi trường trên địa bàn cả nước và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được phân thành các vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải và vùng khác.

Bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản cần được quan tâm làm tốt hơn. Ảnh: Mai Hoa
- Luật quy định UBND tỉnh xây dựng và ban hành các chính sách, ưu đãi trong lĩnh vực BVMT, bao gồm các hoạt động xử lý chất thải; xây dựng cảnh quan, bảo vệ môi trường nông thôn; đầu tư xây dựng, kinh doanh và vận hành công trình hạ tầng BVMT tại các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, hoạt động quản lý chất thải sinh hoạt, chất thải nguy hại, nước thải hộ gia đình...

- Quy định ký quỹ BVMT đối với các hoạt động chôn lấp chất thải; nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu.

- Quy định khuyến kích cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động BVMT: phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đến môi trường; ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, cải thiện chất lượng môi trường; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Quy định khuyến kích cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động BVMT. Ảnh: Người dân thu gom, tái chế rác thải. Ảnh: Mai Hoa

Phóng viên:Đồng chí có thể cho biết kế hoạch triển khai, đưa Luật BVMT vào cuộc sống trên địa bàn tỉnh như thế nào?

Đồng chí Thái Văn Nông: Để đảm bảo các điều kiện triển khai kịp thời, thống nhất, đồng bộ, có hiệu quả các quy định Luật BVMT năm 2020, góp phần ổn định xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Công văn số 4409/UBND-NN, ngày 30/6/2021. Trong đó yêu cầu tập trung quán triệt, tập huấn, tuyên truyền, phổ biến Luật; tổ chức rà soát và xây dựng các văn bản pháp luật hiện hành về lĩnh vực môi trường thuộc thẩm quyền ban hành (gồm 15 nội dung cần ban hành); thực hiện 10 nhiệm vụ trọng tâm trong quản lý về BVMT.

Tính đến thời điểm hiện nay, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 17/2021/NQ-HĐND, ngày 09/12/2021 quy định về phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; phí thẩm định cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép môi trường; phí thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Ban cán sự đảng UBND tỉnh cũng đã trình Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh xem xét ban hành nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BVMT trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2022-2030. 

Chất thải quặng thiếc được thải trực tiếp ngay trong khu vực sản xuất, hoàn toàn không có bể chứa của Công ty Thiếc Hà An ở Quỳ Hợp. Ảnh tư liệu chụp ngày 15/10/2018.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các ngành, UBND các huyện, đặc biệt là Sở Tài nguyên và Môi trường chuẩn bị các nội dung triển khai Luật BVMT, nhất là đảm bảo công tác cải cách hành chính, ủy quyền, phương án BVMT trong quy hoạch tỉnh...

Một vấn đề khó khăn đối với triển khai Luật hiện nay đó là theo Kế hoạch triển khai Luật BVMT được ban hành kèm theo Quyết định số 343/QĐ-TTg ngày 12 tháng 03 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ sẽ có nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật phải được ban hành trong quý 3 năm 2021.

Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, các Nghị định và các Thông tư hướng dẫn thi hành Luật vẫn chưa có nên khó khăn nhiều trong công tác chuẩn bị cũng như sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Luật khi có hiệu lực.

Ô nhiễm nguồn nước bề mặt là vấn đề đáng quan tâm hiện nay, nhất là trên hệ thống sông, kênh. Ảnh: Mai Hoa

Phóng viên: Một trong những điểm mới như đồng chí chia sẻ liên quan đến xử lý chất thải và phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn. Vậy để thực hiện một cách triệt để các quy định này trong đời sống xã hội, theo đồng chí cần tập trung các giải pháp nào?

Đồng chí Thái Văn Nông: Về phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn là nội dung mới được đưa vào Luật BVMT năm 2020. Theo đó hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm giảm thiểu, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thu gom và chuyển rác thải sinh hoạt đã được phân loại đến đúng nơi quy định.

Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo các loại: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Việc thực hiện phân lại chất thải rắn sinh hoạt phải được thực hiện chậm nhất là ngày 31 tháng 12 năm 2024.

Ủy ban MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp vận động cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở có trách nhiệm giám sát việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân.

Việc triển khai quy định về xử lý, phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn trong thực tiễn, không chỉ tỉnh mà hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định rất rõ sẽ gặp nhiều khó khăn. Bởi nguồn lực và cơ sở vật chất để đáp ứng cho việc phân loại chất thải rắn tại nguồn còn hạn chế. Các hướng dẫn về phương thức tổ chức phân loại chất thải rắn tại nguồn hiện chưa ban hành. Sắp tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ ban hành các văn bản hướng dẫn để tổ chức triển khai nội dung này.

Trước mắt, tỉnh sẽ tập trung thu hút các nhà đầu tư xử lý chất thải rắn bằng công nghệ xử lý tiên tiến, thân thiện với môi trường; thu hút các nguồn lực đầu tư, trang bị cơ sở vật chất cho việc phân loại chất thải rắn tại nguồn.

Cùng với đó là tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành, MTTQ và các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội các cấp để tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cộng đồng, gắn với hướng dẫn người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn; tăng cường sự giám sát của các tổ chức cơ sở cũng như chính người dân trong việc phân loại rác tại nguồn.

Phóng viên:Xin chân thành cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!