Từ gần nửa năm nay, người dân xóm Đồng Kho, xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ rất e ngại khi đến nhà ông Lô Văn Sáng. “Dù không nuôi chó, chẳng gắn camera an ninh, nhưng nhiều người có 'thách kẹo' cũng không dám vào vườn nhà tôi.” - người đàn ông 53 tuổi chia sẻ với vẻ đầy tự tin.
Quanh khu vườn rộng chừng 5.000m2 thấp thoáng những tổ ong vò vẽ lớn nhỏ. Những ai từng biết về loài ong này chắc sẽ không thể xem thường những chiếc tổ màu nâu đất treo im lìm trên những cành cây, bụi tre, thậm chí là ngay cạnh chuồng bò hay bên bờ ao này. Chỉ cần một chút động tĩnh, lũ ong sẽ ào ra lao đến tấn công.
Đáng nói, không phải những đàn ong tự tìm đến vườn nhà ông Sáng làm tổ mà ông đã đích thân lên rừng bắt về. Hễ gặp tổ ong vò vẽ ở đâu hay nghe thông tin là ông tìm đến bắt cho kỳ được. “Bảo bối” để bắt ong vò vẽ là một bộ đồ bảo hộ lao động kín từ đầu đến chân. Chỉ cần trùm kín lối ra vào ở tổ ong rồi bắt cả tổ về, tối đến đem treo lên nơi nào đó rồi bỏ nút đậy. Chỉ cần vậy là ong sẽ ở lại.
Ông Sáng cũng cho biết chẳng phải tốn công chăm sóc mà đàn ong vẫn cho nhộng bán quanh năm. Lũ ong sẽ biết tự đi tìm kiếm thức ăn rồi trở về tổ. Khi một tổ xây được 3 tầng, ông liền “lén” cắt đi, chỉ để lại một tầng cho chúng khỏi bỏ đi. Sau đó, bầy ong sẽ lại tiếp tục đẻ trứng, xây tổ suốt bốn mùa.
“Theo kinh nghiệm của những người nuôi ong vò vẽ thì chỉ cần lưu ý đến bầy ong một chút khi mùa đông đến. Chú ý che chắn, giữ ấm là chúng sẽ không bỏ đi” - Ông Sáng chia sẻ.
Những đàn ong vò vẽ trong vườn nhà ông Lô Văn Sáng. |