Theo ông Nguyễn Hữu Lượng, vào khoảng 11 giờ ngày 22/10, trong lúc anh Kha Văn Hằng (sinh năm 1985, ở bản Na Chảo, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn), đang chặt tre trong rừng về bán thì bị một đàn ong dữ tấn công, sau đó có người dân đi rẫy về phát hiện và đưa anh Hằng ra cấp cứu ở Trung tâm y tế huyện Kỳ Sơn, tuy nhiên do bị ong đốt quá nhiều nên anh Hằng đã tử vong sau vài giờ.
Do đàn ong dữ này làm tổ ngay sát đường vào rẫy sản xuất của người dân bản Na Chảo, xã Hữu Kiệm, nên vào chiều 24/10, trong lúc đi rẫy về 11 người dân bản Na Chảo lại bị đàn ong này tấn công, khiến 10 nạn nhân phải chuyển lên Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn cấp cứu.
Được biết, đàn ong tấn công người dân bản Na Chảo là ong vò vẽ. Hiện nay, UBND xã Hữu Kiệm đã cảnh báo và ngăn cấm người dân qua lại khu vực này.
Loài ong vò vẽ thường làm tổ nơi lộ thiên, trên cành cây hay bụi cây, có khi làm tổ trong mái nhà, chúng thường làm tổ những vị trí thoáng mát và rất dễ để có thể nhìn thấy tổ của chúng. Tổ của nó hình bầu dục, màu xám. Thông thường tổ ong vò vẽ xuất hiện nhiều vào mùa thu.
Một tổ ong vò vẽ có thể chứa đến 700 con, thậm chí đến hàng nghìn con nhưng hiếm gặp. Loài ong này bị thu hút bởi mùi mồ hôi của người và khi thấy người chạy. Vì vậy, nếu bạn bỏ chạy, chúng sẽ đuổi theo bạn, và thường ong vò vẽ sẽ phát tín hiệu pheromone cho những con khác cùng đuổi theo. Nếu có một con ong vò vẽ bay xung quanh, hãy tránh xa và rời ngay đi. Không xua, đập hoặc trêu tức nó bằng bất cứ cách nào. Nếu cảm thấy như bị tấn công, chúng sẽ tấn công lại và báo cho đồng bọn trong tổ cùng bay ra tấn công.
Tùy số nốt đốt và phản ứng của từng cá thể, bệnh nhân có thể bị phù mặt, thanh khí phế quản và thanh môn, khó thở, nói khàn; có thể liệt thần kinh (mặt, ngoại biên, mắt), thậm chí bị tổn thương thần kinh lan tỏa rất nặng nề. Độc chất của nọc ong vò vẽ còn có thể gây nhược cơ trầm trọng. Nếu bị đốt 40-50 nốt (ở trẻ em là 30 nốt), bệnh nhân rất dễ tử vong nếu không được cứu chữa tích cực, đúng cách và triệt để.