Gia đình ông Ngọ đã nhận thầu vùng đất ở khu vực đồng Bàu Nạp để làm trang trại, chủ yếu chăn nuôi lợn, gà, trâu bò và đào ao thả cá. Ngoài chăn nuôi, gia đình anh có 6 cái ao với tổng diện tích 2 ha mặt nước.
Tháng 8/2019, ông Ngọ đến huyện Quỳnh Lưu học hỏi kinh nghiệm và mua 5 triệu đồng tiền ốc giống về nuôi thử nghiệm trên diện tích 1 sào ao. Sau 5 tháng chăm sóc ông đã có ốc bán, đầu tiên bán được hơn 60kg, với giá 60 nghìn/kg, gia đình ông thu về gần 4 triệu đồng.
Hiện nay, ốc đang bắt đầu cho thu hoạch rộ, các nhà hàng đặt nhiều, nếu thu hoạch hết thì cho thu nhập gần 20 triệu đồng, nhưng ông Ngọ giữ lại để nhân giống ra diện tích rộng hơn.
Ông Ngọ chia sẻ: Nuôi ốc bươu đen vốn đầu tư ít, đầu ra ổn định, dễ nuôi, thích nghi tốt với điều kiện nuôi trong ao, hồ kiểu tự nhiên. Với ao nuôi cần đắp đất, trồng cỏ kín xung quanh ao, mặt nước thả bèo. Đến giai đoạn sinh sản, ốc bươu đen chọn các điểm nhiều bèo để đẻ trứng. Thời gian sinh trưởng của ốc bươu đen từ trứng đến trưởng thành là khoảng 2 tháng.
Hiện nay ngoài nuôi ốc thương phẩm, ông Ngọ còn đang tiến hành cho ấp trứng ốc để tạo nguồn ốc giống nhân ra diện tích 4 sào ao của gia đình.
Ốc bươu đen đẻ quanh năm, nhưng nhiều nhất vào mùa mưa từ tháng 6 - 11 hàng năm. Sau khi trứng nở, ốc con rơi xuống nước. Sau vài ngày vỏ cứng dần, chúng tự bò đi kiếm chất hữu cơ phân hủy trong nước để ăn và lớn dần.
Khoảng 5 - 6 tháng tuổi ốc trưởng thành có thể thu hoạch khoảng 25 - 30 con/kg. Để tỷ lệ ốc nở đạt cao hơn, ông Ngọ thu trứng đẻ ngoài ao để vào thùng xốp để ấp, tạo độ ẩm thích hợp giống như bên ngoài thiên nhiên. Khi ốc đã nở đạt yêu cầu thì ông Ngọ đem thả xuống bèo rồi nuôi dưỡng khoảng vài tuần, sau đó ốc tự bò ra ngoài ao tìm thức ăn sinh sống. Do ốc tự đi tìm thức ăn, đặc biệt là thức ăn xanh nên thịt ốc dai và giòn, được người dân ưa chuộng.
Mô hình nuôi ốc bươu đen của gia đình ông Đặng Bá Ngọ ở thôn 2 hiện nay là một mô hình kinh tế mới, rất có triển vọng ở địa phương, mô hình này được rất đông bà con trong và ngoài xã đến tham quan và học hỏi.