(Baonghean.vn) - Từng là một lão nông lang thang, chuyên làm thuê cuốc mướn kiếm sống qua ngày. Không tên tuổi, không người thân thích, chết bên gốc cây, thế nhưng khi chết cụ lại được người dân địa phương gom góp tiền bạc xây miếu thờ khang trang, tạc tượng đồng thờ cúng. Người dân địa phương gọi đây là miếu Cố.
Nằm cách quốc lộ 1A khoảng 500m, miếu Cố được xây dựng khang trang, với khuôn viên rộng rãi thuộc địa phận khối 9, thị trấn cầu Giát (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An). Chẳng ai biết chủ nhân ngôi mộ tên gì, bao nhiêu tuổi, quê ở đâu, theo những người cao tuổi nhất ở địa phương thì lúc họ lớn lên đã nghe các cụ xưa kể đã thấy ngôi mộ nằm ở đó.
Bà Đặng Thị Thạch, thành viên của ban trông coi miếu Cố cho biết, không ai trong làng biết rõ tung tích về Cố. Lúc nhỏ tôi thường được nghe kể rằng, cụ là một lão bần nông chuyên đi làm thuê cuốc mướn ở khu vực cầu Giát để kiếm ăn qua ngày, tài sản duy nhất của cụ là một chiếc cuốc dùng làm việc.
Không có người thân, nhà cửa nên mỗi tối sau một ngày làm thuê, cụ lại về gốc cây đa cổ thụ nằm nghỉ ngơi. Vào một ngày nọ, người ta không thấy cụ đi làm tìm đến gốc cây thì thấy cụ đã chết. Dân làng thương tình mua chiếc chiếu quấn lại rồi đem chôn ngay cạnh gốc cây đa. Cụ chết được một thời gian thì cây đa cũng héo dần rồi chết”.
Ngày ấy, mộ cụ Cố chỉ là một ụ đất, nằm bên cạnh gốc đa, cỏ mọc um tùm, xung quanh là đồng ruộng. Người dân đi qua về lại thương tình vì không người hương khói thường lấy nắm đất, hòn đá đặt lên, dần dần tạo thành một ngôi mộ lớn. Người dân cho rằng mộ cụ rất linh thiêng, khi bị mất trâu bò, hay gặp chuyện xui xẻo thường tìm đến cầu khấn thì thấy linh nghiệm.
Theo bà Thạch, vào thập kỷ 90, làng này có nhiều nhóm người dân làm nghề nấu vôi, ông Bùi Văn Á ở làng cũng xây lò vôi nhưng cả hai lần đầu nấu đều bị sống. Ông Á đã đến mộ Cố cầu xin cho mẻ vôi tiếp theo chín sẽ dùng vôi đó xây mộ cho cụ. Quả nhiên, mẻ vôi thứ 3 chín như mong muốn. Ông Á đã gọi con cháu ra xây tường bao quanh mộ cho cụ. Sau đó ông Á tiếp tục đứng ra kêu gọi người dân khắp nơi đóng góp để lăng mộ cho cụ.
Sau 3 lần xây dựng, bằng công sức và tiền bạc của người dân quyên góp, năm 2005 miếu Cố được hoàn thành. Phía trên ngôi mộ được lát gạch màu đỏ, cao ráo, sạch sẽ. Trên cùng là bức tượng khắc họa chân dung cụ Cố theo mô phỏng của các cụ cao niên. Phía dưới nền lát gạch hoa, bên trên còn đặt một chiếc chiếu rộng để cho người dân đến dâng hương, cầu khấn. Với diện tích 500m2, không gian Miếu Cố trở nên thoáng đãng, thanh tịnh.
Nghe tiếng miếu Cố linh thiêng, người dân khắp nơi tìm đến hương khói, cầu an, cầu lộc. Cũng có người đến vì đồng cảm cho người đàn ông bạc phận, chết đói chết rét, không người thờ phụng. Cứ đến ngày rằm, mồng một, hàng trăm lượt người từ khắp nơi từ Quỳnh Lưu, Hoàng Mai, Diễn Châu, Yên Thành, T.P. Vinh tìm về thắp hương. Đầu năm 2016, một số người dân đã góp tiền đúc tượng đồng cho cụ.
Chị Nguyễn Thị Hồng ở xã Diễn Mỹ chia sẻ: “Vào ngày rằm và mồng Một hàng tháng tôi thường đến miếu Cố thắp hương cầu an cho gia đình, chuyện miếu linh thiêng hay không thì tùy theo quan niệm tâm linh của mỗi người nhưng mỗi lần đến đây tôi thấy tâm mình nhẹ nhàng, yên tĩnh. Nhiều người tìm đến miếu không chỉ để thắp hương mà còn vì tò mò vì sao một ông lão bần nông nghèo khổ lại được người dân xây điện thờ hoành tráng”.
Hiện nay, khối 9 Thị trấn Cầu Giáp đã lập ra ban trông coi miếu Cố, các thành viên trong ban đứng ra bảo vệ, dọn dẹp và hương khói.
Lan Thái
TIN LIÊN QUAN |
---|