Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc.
Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện UBKT Trung ương; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và một số sở, ngành.
Tại cuộc làm việc, đơn vị tư vấn đã báo cáo dự thảo Khung định hướng của Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đề cập đến luận cứ khoa học xây dựng; quan điểm, mục tiêu phát triển và các đột phá chiến lược của tỉnh.
Cùng với đó, dự thảo Khung định hướng Quy hoạch tỉnh đã trình bày các định hướng phát triển lớn của tỉnh như: Định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng; phương án phát triển kết cấu hạ tầng; phương án phát triển đô thị, nông thôn, khu chức năng vùng huyện, liên huyện; bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn; phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai.
Báo cáo Khung định hướng đã bám sát những văn kiện, nghị quyết, văn bản khác của Trung ương, quốc gia có liên quan đến tỉnh Nghệ An làm căn cứ thực hiện, nhằm đạt được những mục tiêu đã đề ra.
Song song với báo cáo Khung định hướng, Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xây dựng và xin ý hoàn thiện bao gồm 49 tích hợp quy hoạch, báo cáo thuyết minh Quy hoạch tỉnh, cơ sở dữ liệu quy hoạch tỉnh, hệ thống bản đồ và những tài liệu liên quan khác.
Tại cuộc làm việc, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cho ý kiến về nội dung dự thảo khung định hướng, nhất là những nét lớn, quan điểm chỉ đạo liên quan đến quan điểm, mục tiêu, các đột phá phát triển, các điểm nghẽn cần tháo gỡ khi xây dựng Quy hoạch tỉnh.
Thảo luận một số nội dung về dự thảo Khung định hướng Quy hoạch tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị đơn vị tư vấn làm rõ việc xử lý những bất lợi của Nghệ An trong quá trình phát triển vì để tỉnh phát triển không chỉ là phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương mà còn phải biết cách xử lý, khắc phục các bất lợi;…
Để thực hiện quan điểm, mục tiêu, kịch bản phát triển, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đã nhấn mạnh một số vấn đề lớn Quy hoạch tỉnh cần phải thực hiện là khắc phục được kết cấu hạ tầng của tỉnh dù đầy đủ nhưng không đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là cảng biển nước sâu và sân bay; vừa tận dụng, khai thác tiềm năng, lợi thế vừa tránh được yếu tố bất lợi của tỉnh để phát triển; quan tâm động lực khu kinh tế thông qua dành diện tích đất phù hợp để quy hoạch, xây dựng các khu công nghiệp nhằm thu hút các dự án đầu tư;…
Mặt khác, theo người đứng đầu UBND tỉnh, về nguyên tắc Quy hoạch tỉnh cần bám sát những định hướng trong các nghị quyết đã có, song cũng cần có điều chỉnh trong trường hợp nghị quyết có những vấn đề không còn tính thời sự;…
Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý nhấn mạnh, để Quy hoạch tỉnh có chất lượng, thực sự phát huy khi được phê duyệt và đưa vào sử dụng thì vai trò của tỉnh là rất lớn.
Vì vậy, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, các cơ quan, ban, ngành liên quan cần phải tập trung cao, xác định trách nhiệm, trăn trở, khách quan, xây dựng và đồng hành cùng đơn vị tư vấn trong quá trình thực hiện. Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ tiếp tục nghiên cứu, cho ý kiến trong các bước lập quy hoạch tiếp theo.
Đối với đơn vị tư vấn, người đứng đầu Tỉnh ủy Nghệ An đề nghị cần phải bố trí đầy đủ nhân lực, dành thời gian và phối hợp chặt chẽ với tỉnh để khảo sát thực địa, tìm hiểu về tỉnh không chỉ về kinh tế, xã hội mà còn về văn hóa, con người; đồng thời nghiên cứu thật đầy đủ những văn kiện liên quan đến quá trình phát triển của tỉnh trong 10 năm trở lại đây để phục vụ quá trình lập Quy hoạch tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý cũng yêu cầu quá trình lập Quy hoạch tỉnh cần tranh thủ tối đa nguồn nhân lực của tỉnh, đơn vị tư vấn, các chuyên gia, nhà nghiên cứu về Nghệ An, tranh thủ ý kiến các bộ, ngành.
Đi vào chi tiết dự thảo Khung định hướng Quy hoạch tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy đã trao đổi một số quan điểm như: phương án phát triển kết cấu hạ tầng cần đề cập đến cảng nước sâu, sân bay, đây là những điểm nghẽn hiện nay của tỉnh.
Quy hoạch tỉnh cũng cần phát huy được giá trị các hạ tầng giao thông như: Đường Hồ Chí Minh, đường ven biển, đường N5 kéo dài, đường 48B từ Hoàng Mai đi Nghĩa Đàn, Thái Hòa; đường cao tốc Bắc - Nam, đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn gắn liền với Khu Kinh tế Cửa khẩu Thanh Thủy (Thanh Chương)
Trong Quy hoạch tỉnh cũng phải đảm bảo bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên, nhất ở miền Tây Nghệ An, hệ sinh thái phục vụ đời sống dân cư như: nước sạch, xử lý rác thải,… và hệ sinh thái văn hóa của tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy cũng lưu ý trong Quy hoạch tỉnh cần đề cập vùng Hoàng Mai gắn với Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn, Thái Hòa và cả huyện phía Tây Bắc Nghệ An khi xác định khu vực động lực; quan tâm kinh tế miền Tây, kinh tế biển…; đồng thời trao đổi một số nội dung liên quan đến hành lang kinh tế, kịch bản tăng trưởng;…
Trước đó, ngày 4/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1179/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quyết định số 1179 chỉ rõ mục tiêu của việc lập quy hoạch làm nhằm định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường ở cấp tỉnh, liên huyện và định hướng bố trí trên địa bàn cấp huyện trên địa bàn tỉnh; hướng tới mục tiêu phát triển tỉnh Nghệ An là trung tâm về tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, công nghiệp công nghệ cao của vùng Bắc Trung bộ theo tinh thần của Nghị quyết số 26 -NQ/TW ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị.
Mục tiêu quy hoạch cũng nhằm cụ thể hóa, kết nối đồng bộ, thống nhất phương hướng tổ chức không gian và phát triển của các ngành, lĩnh vực trên phạm vi lãnh thổ tỉnh đã được đề ra trong quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng; tạo cơ sở cho việc triển khai lập quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh, nhằm đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định và hệ thống giữa các quy hoạch; loại bỏ các quy hoạch chồng chéo ảnh hưởng đến đầu tư phát triển.
Quy hoạch cũng là công cụ để chính quyền các cấp của tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện và thống nhất trong việc hoạch định chính sách và kiến tạo động lực phát triển; là căn cứ để nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân đầu tư, kinh doanh, sản xuất, qua đó huy động hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển tỉnh.
Cũng trong phiên làm việc sáng nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe và cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng khác như: Nội dung kỳ họp thường kỳ HĐND tỉnh cuối năm 2021; Kế hoạch biên chế công chức và lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ - CP trong các cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước tỉnh Nghệ An năm 2022;…