(Baonghean.vn)- Những con đường bùn lầy ngập đến lút chân, trơn trượt vẫn không ngăn nổi bước chân thầy cô giáo và học sinh vùng cao băng rừng, vượt suối tới trường trong những ngày cuối năm.
Những ngày giáp Tết Nguyên Đán, huyện vùng cao Kỳ Sơn vẫn mưa rả rích không ngớt. Để duy trì sĩ số học sinh, các thầy cô giáo cắm bản ở những nơi xa xôi vẫn miệt mài đến trường trên con đường trơn trượt.
Một số xã đặc biệt khó khăn như Mường Lống, Na Ngoi… nơi có khí hậu lạnh buốt đường đi lại càng gian nan vất vả hơn bao giờ hết. Bùn lầy ngập quá bắp chân, xe máy không thể nào vào tới điểm trường nên hầu hết giáo viên và học sinh ở những bản này đều phải cuốc bộ với đôi ủng và quần áo lấm lem.
Điểm trường mầm non và tiểu học của xã Na Ngoi ở bản Tặng Phăn được dựng lên bằng tranh tre nứa lá đơn sơ. Học sinh và thầy cô giáo ở đây đến trường chủ yếu bằng chân đất bởi bùn lầy ngập đến ngang bắp chân. Chỉ khi tới lớp mới vội vàng rửa qua để dạy học. Những đôi chân dính đầy bùn đất vẫn co ro ngồi trong lớp học những ngày cuối năm. Ước mơ đơn sơ của cô trò nơi đây chỉ là 1 con đường bê tông, 1 lớp học kiên cố để bớt vất vả khi mưa xuống.
Cô Trần Thị Vân từ Con Cuông lên đây dạy học từ 2 năm nay tâm sự rằng: “Con đường này em quen đi lại rồi mà mỗi lần mưa xuống vẫn thấy sợ. Cô thì không nói làm gì nhưng các cháu nhiều hôm đến lớp ngã xoành xoạch, áo quần lấm lem bùn đất. Ấy vậy mà cuối năm rồi các cháu vẫn không vắng buổi nào”.
Còn tại điểm trường bản Huồi Khun (xã Mường Lống) có 3 thầy giáo đang ngày đêm miệt mài cắm bản cũng không khỏi lo lắng khi ngày về Tết đã sắp đến nhưng con đường dài 25 km đầy bùn đất vẫn chưa có dấu hiệu khô ráo. Giữa cái lạnh buốt dưới 100C, thầy trò vẫn ê a đọc bài mặc ngoài trời sương giá phủ đầy.
Thầy Võ Mạnh Cường chia sẻ: “Những ngày cuối năm là những ngày vất vả nhất với anh em chúng tôi. Đi 25 km đường rừng, đẩy xe vào đến bản đã mất 4 giờ đồng hồ rồi, mệt bở hơi tai. Bà con đem đến biếu thầy cành đào về ăn Tết cũng không chở ra được, mang được người và quần áo ra đến trung tâm xã đã khó rồi”.
Những ngày cuối năm giáo viên vùng cao vất vả là vậy nhưng trên hết đối với họ là tình yêu thương học trò, đem con chữ sưởi ấm miền giá lạnh.
Đào Thọ