Những điều chỉnh đáng chú ý
Trong chuyến thăm Bộ Ngoại giao tại Washington hôm 4/2 cùng nữ “Phó tướng” Kamala Harris, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bài diễn văn bàn về chính sách đối ngoại - một trong những nội dung quan trọng được nhiều người đón đợi, phỏng đoán những ngày qua.
Theo hãng thông tấn Reuters, trong bài phát biểu của mình, ông Biden đã phát tín hiệu về đường hướng quả quyết trong các vấn đề Trung Quốc và Nga, hối thúc giới lãnh đạo quân đội Myanmar dàn xếp diễn biến chính trị bất ổn tại nước này, tuyên bố chấm dứt ủng hộ chiến dịch quân sự do Saudi Arabia dẫn dắt tại Yemen… Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo ở độ tuổi thất tuần này cũng úp mở thêm những thay đổi quan trọng mà ông sẽ đem lại cho chính sách đối ngoại của Mỹ, chẳng hạn như "đóng băng" dự định tái triển khai quân từ Đức, tăng mức trần số lượng người di cư được phép vào Mỹ và tái khẳng định sự ủng hộ đối với các quyền của cộng đồng LBGTQ trên khắp thế giới…
Nhà lãnh đạo này nhấn mạnh, những thách thức toàn cầu hiện nay, bao gồm sự cần thiết phải ứng phó với “chủ nghĩa độc đoán đang tăng tiến”, sẽ “chỉ được giải quyết bằng cách các quốc gia hợp tác với nhau”. Biden cũng cho rằng, mối đe dọa đặt ra với những giá trị của nền dân chủ Mỹ cũng như vị thế của nước này trên trường quốc tế xuất phát từ âm mưu nổi dậy được cựu Tổng thống Donald Trump khuyến khích.
“Dù nhiều trong số những giá trị này đã phải chịu sức ép nặng nề trong vài năm trở lại đây, thậm chí còn bị đẩy tới bên bờ vực trong vài tuần trước, người Mỹ từ khoảnh khắc này trở đi sẽ vươn lên quyết tâm hơn và có hành trang tốt hơn để đoàn kết thế giới, bảo vệ nền dân chủ vì chúng ta phải tự mình đấu tranh vì điều đó”, ông chủ Phòng Bầu dục lên tiếng.
Trước đó, tân Tổng thống Mỹ cũng có bài nói chuyện thân mật với tập thể nhân sự Bộ Ngoại giao, chia sẻ với những quan chức này rằng “chúng ta sẽ tái thiết các quan hệ đồng minh. Chúng ta sẽ tái can dự với thế giới và đảm đương những thách thức khủng khiếp phải đối diện như đại dịch, sự ấm lên toàn cầu, và một lần nữa đứng lên vì nền dân chủ và quyền con người trên khắp thế giới”.
Theo đánh giá của hãng tin CNN, chuyến thăm Bộ Ngoại giao Mỹ vừa rồi không chỉ là dịp để ông Biden “vén màn” chính sách đối ngoại, hoàn thành những lời hứa trong quá trình tranh cử và đảo ngược chính sách được đưa ra dưới thời Trump, mà còn nhằm tái khẳng định vai trò lãnh đạo toàn cầu của nước Mỹ, tổ chức lại chính sách đối ngoại để hướng đến phục vụ tốt hơn cho tầng lớp trung lưu. Điều này cũng đã được cố vấn an ninh quốc gia của ông Biden là Jake Sullivan chia sẻ với báo giới: “Mọi điều chính quyền Biden làm khi đề cập đến chính sách đối ngoại sẽ được xem xét liệu có khiến cuộc sống "tốt đẹp hơn, an toàn hơn và dễ dàng hơn" đối với các gia đình lao động không”.
Trong những điều chỉnh được công bố, đáng lưu tâm là việc vị Tổng thống mới của Mỹ thông báo rằng nước này “đang chấm dứt mọi sự hậu thuẫn của Mỹ đối với các chiến dịch tấn công trong cuộc chiến tại Yemen, bao gồm việc mua bán vũ khí có liên quan”, đồng thời tiết lộ ông sẽ chỉ định đặc phái viên tập trung vào cuộc xung đột dài hơi tại đây.
Một mặt khẳng định xung đột ấy là “một cuộc chiến gây ra thảm họa nhân đạo và chiến lược”, song ông Biden cũng làm rõ rằng, Mỹ sẽ tiếp tục giúp đỡ và ủng hộ Saudi Arabia. Bên cạnh đó, như đã đề cập, một thông tin “nóng” khác được tiết lộ là việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ chỉ đạo “đánh giá lực lượng toàn cầu”. Trong lúc thực hiện nội dung này, Mỹ sẽ “đóng băng” mọi hoạt động tái triển khai quân từ Đức, nhằm khiến cho bước đi về quân sự tương ứng, phù hợp với chính sách đối ngoại cũng như những ưu tiên an ninh quốc gia của Washington.
Không chỉ vậy, trong động thái nhằm hoàn thành lời hứa khi tranh cử, Tổng thống Biden còn đề cập đến ý định tăng số lượng người di cư được phép vào Mỹ sau nhiều năm con số này bị khống chế ở ngưỡng thấp kỷ lục dưới thời ông Trump. Cụ thể, chính quyền tiền nhiệm từng định trần người di cư cho năm tài khóa này là 15.000, thấp nhất kể từ năm 1980. Nhưng hôm 4/2, ông Biden nói rằng sẽ tăng trở lại thành 125.000 người trong năm tài khóa đầu tiên của chính quyền mình, và sẽ chỉ đạo Bộ Ngoại giao làm việc với Quốc hội Mỹ về vấn đề này.
“Lấy đức để trị”
Đó có lẽ là cụm từ diễn giả sát nhất quan điểm của ông Biden trong một số vấn đề, hòng làm nổi bật lập trường của mình so với người tiền nhiệm. Trước đông đảo quan chức Bộ Ngoại giao, ông khẳng định: “Sự lãnh đạo dựa trên đạo đức của Mỹ về các vấn đề người di cư là điểm có được đồng thuận lưỡng đảng suốt nhiều thập niên qua khi tôi vừa bước vào chính trường. Chúng tôi đã chiếu rọi ngọn đèn tự do vào những người bị đàn áp. Sẽ mất thời gian để tái thiết điều đã bị tổn hại quá nhiều. Nhưng chính xác đó là điều chúng tôi sẽ làm”.
Nội dung này cũng được áp dụng một cách tương tự trong các vấn đề khác, chẳng hạn liên quan đến cộng đồng LGBTQ, qua đó thể hiện rằng, ông Biden muốn đặc biệt nhấn mạnh sự cấp bách phải xây dựng lại vị thế đạo đức của Mỹ sau 4 năm dưới thời một nhà lãnh đạo khác, được truyền thông phương Tây đánh giá là cự tuyệt các đồng minh truyền thống, càng lúc càng khinh miệt các giá trị dân chủ; một nhiệm kỳ chứng kiến những kẻ theo thuyết âm mưu trỗi dậy cùng nhiều nhóm người da trắng mang quan điểm quốc gia chủ nghĩa, và sau rốt là một cuộc nổi dậy có đổ máu, nhằm đảo ngược kết quả của cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 11 năm ngoái.
“Chúng ta sẽ cạnh tranh từ một vị thế hùng mạnh thông qua xây dựng nền tảng tốt hơn trong nước, hợp tác với các đồng minh và đối tác, làm mới các thể chế quốc tế và tái khẳng định uy tín và thẩm quyền có đạo đức của mình, điều đã để mất phần nhiều”, Biden nói hôm 4/2.
Trong dịp này, Tổng thống Mỹ cũng khen ngợi động thái từ chính quyền của ông nhằm thúc đẩy không gian mạng, khi bổ nhiệm phó cố vấn an ninh quốc gia đầu tiên phụ trách không gian mạng và công nghệ mới xuất hiện, nhằm đưa các mục tiêu khí hậu vào toàn bộ hoạt động ngoại giao và tái gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới cũng như thỏa thuận khí hậu Paris.
Ngoài ra, ông Biden cũng chạm tới một số trường hợp cụ thể: Ông kêu gọi quân đội Myanmar từ bỏ quyền lực, trả tự do cho những quan chức bị bắt giữ, kiềm chế không để xảy ra bạo lực... Chủ nhân tòa Bạch ốc cũng khen ngợi thỏa thuận đạt được 1 ngày trước đó nhằm gia hạn Hiệp ước New START với phía Nga, giữ lại được thỏa thuận về vũ khí hạt nhân duy nhất còn sót lại giữa 2 siêu cường.
Về Trung Quốc, Tổng thống Mỹ chỉ phát biểu chung chung, rằng Washington sẽ đối diện với “những hành vi lạm dụng về kinh tế, chống lại hành động gây hấn, cưỡng ép để đẩy lùi cuộc tấn công của Trung Quốc vào quyền con người, quyền sở hữu trí tuệ và quản trị toàn cầu”. Riêng một số vấn đề gai góc như đàm phán hạt nhân với Iran hay xung đột chưa dứt giữa Israel với Palestine lại tuyệt nhiên không được ông đề cập.
Tựu trung, dù chưa hoàn toàn làm sáng tỏ mọi khía cạnh về chính sách đối ngoại, song thông qua chuyến thăm tới cơ quan nội các lâu đời nhất của Mỹ, ông Biden và cánh tay phải đắc lực là bà Harris đã ngầm thể hiện một số luận điểm, cũng như bày tỏ sự ủng hộ, ưu tiên của chính quyền mới đối với lĩnh vực ngoại giao. Nguyên tắc tổ chức chính sách đối ngoại của ông Biden có chiều hướng “xoay trục” sang tầng lớp người Mỹ trung lưu, gắn mặt trận đối ngoại với đối nội, rằng sức mạnh trong nước sẽ quyết định sức mạnh của Mỹ trên trường quốc tế. Và dĩ nhiên, trên cương vị lãnh đạo siêu cường số 1, ông Biden tham vọng sẽ làm được những “việc lớn” thông qua ngoại giao, đưa Mỹ trở lại vị thế lãnh đạo từng phai nhạt phần nào dưới thời chính quyền tiền nhiệm.