(Baonghean) -Chiến tranh lùi xa đã 38 năm, nhưng vẫn còn biết bao liệt sỹ chưa xác định được tên, còn bao nhiêu người chưa tìm được lối về đất Mẹ vĩnh hằng. Tên họ đã hóa thành tên đất nước, để lại nước mắt chưa nguôi cho người thân trong nỗi khắc khoải kiếm tìm...
Chúng tôi tìm về nhà bà Nguyễn Thị Nga (khối 13 - phường Bến Thủy -TP. Vinh), nghe chuyện về người em gái đã đi tìm anh là liệt sỹ suốt hàng chục năm qua. Câu chuyện liên tục bị đứt quãng bởi giữa những dòng hồi tưởng là nước mắt của bà Nga khi nhớ về người anh yêu dấu đã biền biệt ra đi. Nhà bà Nga có 2 anh em, bà và người anh Nguyễn Văn Bích. Giữa những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt nhất, anh Bích tình nguyện lên đường nhập ngũ, để lại người vợ trẻ và 4 đứa con thơ. Sau đó chừng 1 năm, vì bị thương ở chân nên anh được về 3 ngày, rồi lại ra đi và không bao giờ trở lại. Món quà tặng em gái là miếng dù hoa, nhưng qua một trận bom dội trúng nhà, giờ cũng không còn nữa. Mãi cho đến năm 1976, gia đình nhận được giấy báo tử, mới biết anh hy sinh ngày 10/11/1968. Trước đó, chờ mong tin con trai trong mỏi mòn, vô vọng, bà mẹ Phạm Thị Ba đã đau buồn, tạ thế năm 1971.
Canh cánh nỗi lòng phải tìm được mộ anh cho mẹ, an lòng dưới suối vàng, hàng chục năm qua, bà Nga đã đi qua rất nhiều nơi. Dịp mới đây nhất (tháng 10/2011), người chồng bà Nga, ông Vũ Văn Thuông và con trai cả của liệt sỹ Nguyễn Văn Bích (ông Nguyễn Quốc Trị - nay đã mất) cùng con cháu lại tiếp tục hành trình tìm mộ, vào tận Nghĩa trang Trường Sơn (Quảng Trị), nhưng vẫn không thấy ông đâu giữa bạt ngàn mộ chí. Cả nhà khóc gọi tên ông cho đến sáng để rồi lặng lẽ ra về với nỗi niềm khắc khoải.
Ông Nguyễn Hoàng Cương và vợ bên những bức thư và giấy báo tử
của người anh vợ - liệt sỹ Nguyễn Phúc Trung
Ở khối 3 (phường Cửa Nam, TP. Vinh), nhiều người dân đều biết chuyện người em rể đi tìm mộ anh vợ đã nhiều năm qua. Đó là ông Nguyễn Hoàng Cương, một CCB với tâm niệm phải tìm bằng được mộ anh vợ thì mới yên lòng. Năm 1970, mặc dầu có anh trai Nguyễn Phúc Vĩnh đang ở trong quân đội, nhưng anh Nguyễn Phúc Trung vẫn hăng hái lên đường lúc vừa tròn 18 tuổi. Huấn luyện xong, trên đường hành quân vào Nam, đơn vị tạm dừng bên bờ Bắc cầu Bến Thủy.
Tranh thủ chút thời gian quý báu, anh Trung đã hối hả chạy bộ từ đó cho tới nhà mình (xóm Vĩnh Lâm - Hưng Vĩnh, Đông Vĩnh ngày nay) để chào tạm biệt gia đình. Mẹ Đặng Thị Hà chỉ được gặp con trong thoáng chốc. Nhà có con gà định làm thịt cho con ăn một miếng trước lúc lên đường mà không kịp. Anh vội vã chạy bộ tiếp về nơi đơn vị đang chờ. Cha, mẹ và các em ngóng theo sau. Buổi chiều anh đi, nhìn dáng con chạy khuất dần sau lũy tre, không ngờ đó là lần vĩnh biệt. Mãi mãi không bao giờ anh còn có thể trở về bên mẹ.
Kỷ vật lưu dấu lại chỉ là 2 lá thư, 1 từ đất nước Lào, lá còn lại đề ngày 13/10/1971 từ chiến trường Cămpuchia khốc liệt,. Cho đến năm 1976, gia đình nhận được giấy báo tử mới biết anh hy sinh ngày 23/8/1972. Bức thư gửi từ Cămpuchia anh đã viết: “...Hôm nay, ở trên đất nước bạn, con ngồi nhớ gia đình, nhớ mẹ và các em...Còn mẹ cũng đừng lo lắng cho con quá mà cứ yên tâm cho khỏe. Các con ở trong này cho tới khi nào đánh đuổi được đế quốc Mỹ thống nhất nước nhà thì sẽ gặp lại mẹ và các em...”. Nhưng cho đến khi đất nước hoàn toàn thống nhất, lời dặn trong bức thư của anh đã mãi mãi không thể thành hiện thực. Anh đã nằm xuống đâu đó giữa mênh mông đạn lửa chiến trường. Mẹ anh vẫn đang khắc khoải chờ con, khóc đến khi mờ mắt.
Là con rể, nhưng cũng từng là người lính, ông Nguyễn Hoàng Cương (từng phục vụ tại E318 - F336 - chiến trường miền Nam, Lào) đã rất tận lòng trong việc tìm kiếm mộ cho người anh vợ. Hơn ai hết, với nghĩa tình đồng đội, ông hiểu rằng, tìm được mộ cho anh không chỉ là niềm an ủi cho người đang sống mà còn là sự thanh thản cho người đã khuất. Ông và vợ vẫn hy vọng ngóng trông chờ tin anh và vẫn tiếp tục hành trình tìm kiếm.
Thư nhờ tìm mộ liệt sỹ gửi về bảo tàng QK4 được xếp thành hình dấu hỏi.
Mong chờ tin người thân là nỗi day dứt của biết bao người. Có bà mẹ như cụ bà Lương Thị Lợi (106 tuổi) ở bản Tùng Hương (Tam Quang - Tương Dương) đã gần nửa thế kỷ nay vẫn ngày đêm ngóng chờ 2 người con đi biền biệt chưa về. Trong bức thư bà nhờ người viết để tìm con có đoạn “ Tôi có 2 người con trai tham gia quân đội vào các thời kỳ chiến tranh chống Mỹ và làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia.
Nhưng hiện nay gia đình tôi chưa có một thông tin nào về 2 người con...”. Hai người con của bà là Lô Thanh Vĩnh lên đường năm 1965 và Lô Văn Bá cũng theo anh đi bộ đội năm 1978. Từ lúc các anh lên đường đến nay, bà không còn biết tin gì về 2 người con trai nữa. Bà nói: “Nhớ con lắm, tui già rồi nhưng chưa chết được vì còn phải chờ tin con. Giờ chỉ cần biết con đang ở mô là tui nhắm mắt cũng cam lòng…”. Giờ đây, ở tuổi xưa nay hiếm, cụ Lương Thị Lợi vẫn ngày đêm ngóng chờ tin 2 người con yêu quý của mình.
Một ngày cuối tháng Bảy, chúng tôi đã tìm về mảnh đất thiêng Nghĩa trang Quốc tế Việt - Lào. Đây là nơi an nghỉ của 10.804 liệt sỹ, trong đó có 3.879 mộ liệt sỹ có danh tính. Số còn lại, dăng trắng cả mênh mông nghĩa trang là dòng chữ làm nhói lòng người đến viếng thăm: Liệt sỹ chưa biết tên.
Anh Thái Đình Khánh, cán bộ Ban quản lý nghĩa trang dẫn chúng tôi đi qua hàng hàng, lớp lớp những dãy mộ chí ngay ngắn như các anh vẫn đứng thành đội ngũ. Anh kể, tôi công tác ở đây đã trên 10 năm, cùng chăm sóc hương khói cho các anh, mỗi lần thêm được danh tính cho một liệt sỹ, lòng chúng tôi thấy ấm áp lạ thường.
Theo ông Trần Văn Hiền, Trưởng ban Quản lý nghĩa trang, trung bình mỗi năm có hàng nghìn lượt gia đình, thân nhân đến đây thắp hương viếng liệt sỹ. Hằng năm vào tối 26/7, Ban quản trang kết hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức lễ "Uống nước nhớ nguồn" để ghi nhớ công ơn những người đã khuất. Hằng ngày để chăm sóc mộ phần của liệt sỹ, học sinh của 7 trường ở huyện Anh Sơn kết nghĩa với Ban quản lý nghĩa trang, thay phiên nhau đến chăm sóc khu mộ.
Bà Nguyễn Lê Linh, gần 70 tuổi, năm nào cũng lặn lội từ đất Tổ Phú Thọ về đây với cả một bó hương to, bà thắp cho rất nhiều ngôi mộ. Bà nghẹn ngào: "Tội lắm các cháu ơi! Chỉ biết thằng cả nhà bác về đây, nhưng không biết nằm chỗ nào. Thôi thì, không thắp được đúng chỗ nó nằm, thắp cho anh em, đồng đội nó cũng là làm ấm lòng nó vậy!". Cụ bà Đặng Thị Mệnh - 75 tuổi, có chồng là liệt sỹ hy sinh năm 1975 ở chiến trường miền Nam, đến nay vẫn chưa tìm thấy mộ. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng năm nào vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, bà cũng đến nghĩa trang này để thắp hương cho các liệt sỹ với một niềm tin mãnh liệt: ở một nghĩa trang nào đó trên đất nước Việt Nam, mộ phần của chồng bà cũng đang được những người mẹ, người chị, người em gái chăm sóc, khói hương.
Ngày 21/5/2013, Ban Chỉ đạo thực hiện xác định danh tính hài cốt liệt sỹ tại Nghĩa trang Việt - Lào đã xây dựng Kế hoạch số 1716/KH-BCĐXĐHCLS về việc lấy mẫu sinh phẩm (MSP) của thân nhân liệt sỹ Mặt trận 31 (MT31) có mộ an táng tại lô A5, A6, A7 thuộc Nghĩa trang liệt sỹ Việt - Lào (huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) để phục vụ cho việc giám định ADN, nhằm xác định danh tính liệt sỹ. Trong hai ngày (28 và 29/5/2013), Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ (HTGĐLS) Việt Nam phối hợp với các cơ quan chức năng và các địa phương tổ chức lấy MSP thân nhân liệt sỹ MT31 tại khu vực Hà Nội.
Kết quả, có 96 MSP đã được lấy trên tổng số 110 liệt sỹ cần lấy MSP của thân nhân đạt tỷ lệ trên 87%; từ kết quả lấy MSP tại Hà Nội, Hội HTGĐLS Việt Nam đã cùng các cơ quan chức năng tiếp tục triển khai lấy MSP đồng loạt trên các tỉnh, thành phố từ ngày 17/6 - 5/7/2013. Kết quả, có 911 MSP đã được lấy trên tổng số 1.025 liệt sỹ cần lấy MSP của thân nhân, đạt tỷ lệ 88,9% (trong đó có 11 tỉnh đạt 100%; có 5 tỉnh đạt dưới 80%). Riêng Nghệ An chỉ mới đạt 72,6%. Tất cả số MSP này đã được bàn giao cho Viện PYQĐ vào ngày 16/7/2013.