(Baonghean) - Hiếm có nữ diễn viên nào cùng thế hệ với NSND Như Quỳnh lại có tuổi nghề tỏa sáng lâu bền như chị, dù họ đã từng có quá khứ vàng son tài danh và nổi tiếng như nhau. Nhưng Như Quỳnh như một viên ngọc không tỳ vết, luôn tỏa ra hào quang từ ánh sáng thuần khiết và đậm nét văn hóa Hà Nội nét thanh lịch của người Tràng An...
Với gương mặt giàu biểu cảm, lối diễn xuất tinh tế, nhạy cảm, dễ nhập vai nên chị đã thể hiện nhân vật Nết trong phim “Đến hẹn lại lên” rất thành công. Đây là vai diễn tâm lý khá nặng ký, nhất là với diễn viên mới 20 tuổi phải vào vai cô gái làng quan họ có một cuộc đời đầy sóng gió với mối tình trắc trở, khổ đau. Nhớ lại ngày ấy, cha mẹ chị đã lo lắng cho con gái đến mức phải đưa Như Quỳnh đến gặp Giáo sư Hoàng Như Mai, để được ông giảng giải về thân phận các cô gái nông thôn vùng Kinh Bắc những năm 30- 45 ra sao? Đám cưới chạy tang là thế nào? Giúp chị có được những kiến thức cơ bản về nhân vật mình đảm nhận. Và không phụ công tìm kiếm của đạo diễn, phim “Đến hẹn lại lên” đã đi vào lịch sử điện ảnh cách mạng Việt Nam không chỉ giành giải Bông Sen Vàng LHP Việt Nam (1975); Giải chính LHP Quốc tế KarlôVary (1976), mà còn đưa Như Quỳnh đăng quang giải “Nữ diễn viên xuất sắc nhất” tại Liên hoan phim.
Hồi đó, tuy mới bước chân vào làng điện ảnh nhưng Như Quỳnh đã có nhiều nét đáng quý của một diễn viên chuyên nghiệp: ngoài năng khiếu thiên bẩm là sự đam mê nghệ thuật, ý thức kỷ luật làm việc nghiêm túc. Lúc nào cũng ôm kịch bản bên cạnh để học lời thoại, vì không thuộc thoại thì làm sao thể hiện vai diễn bằng sự rung cảm tinh tế. Như Quỳnh nhớ về những kỷ niệm: “Mối tình đầu” là bộ phim đầu tiên của miền Bắc quay tại thành phố Hồ Chí Minh ngay sau ngày giải phóng. Khi ấy, mọi thứ ở miền Nam đều vô cùng lạ lẫm với nghệ sỹ miền Bắc, đặc biệt là lối sống của thanh niên Sài Gòn. Đây chính là thử thách với Như Quỳnh khi vào vai Diễm Hương, cô nữ sinh có tình yêu sâu sắc và hết sức lãng mạn. Bởi từ nhỏ giống như các cô gái Bắc Kỳ lúc đó, Như Quỳnh cũng được nuôi dạy với quan niệm đạo đức khắt khe, nếu không muốn nói là phong kiến, nên không dễ gì nhập cuộc được ngay. Chị đã phải xem nhiều phim, đọc tiểu thuyết lãng mạn của Sài Gòn cũ, gặp gỡ với sinh viên của các trường đại học để tìm hiểu tâm lý, cách sống của họ. “Thế mà khi vào vai tôi vẫn bị nhiều cú sốc đấy!”- Chị nhớ lại.
Giữa lúc danh tiếng đang nổi như cồn thì Hãng phim nơi chị công tác đứng trước nguy cơ bị xóa sổ, không còn phim để đóng. Chấp chới trong đổi thay cơ chế thị trường nên đời sống nghệ sỹ lúc đó bấp bênh và cực kỳ khó khăn. Vì thế, dẫu là nghệ sỹ lớn nhưng chị từng có hơn 10 năm “ngôi sao điện ảnh” trở thành bà chủ quán cà phê nhỏ mang tên “Quỳnh” ở phố Bát Đàn để kiếm sống cho cả gia đình (chồng là nhiếp ảnh gia nổi tiếng Hữu Bảo; 2 cô con gái Đan Huyền, Đan Khuê đang tuổi ăn học). Giới “ẩm khách” toàn là nghệ sỹ và các fan hâm mộ, lui tới trò chuyện hoặc chỉ để ngắm “Diễm Hương”, “cô Nết” ở ngoài đời. Đôi mắt một mí sáng lên nét cười đôn hậu: “Chả ai bàn luận cà phê ngon hay không mà chỉ nói chuyện về phim tôi đóng”.
Dường như nhân duyên với điện ảnh đã gắn chặt vào số phận. Đúng lúc đang bộn bề lo toan chuyện cơm áo, gạo tiền, các đạo diễn vẫn tìm đến để chị lại được đốt cháy hết mình, tiếp tục khẳng định tài năng tỏa sáng qua từng nhân vật mới trong các phim “Bến không chồng”, “Chuyện của Pao”, “Chơi vơi” khi đã ở vào tuổi 50 với hai giải thưởng danh giá ở trong và ngoài nước. Được các đạo diễn lựa chọn tham gia vào các phim có yếu tố nước ngoài: khi các nhà làm phim Pháp mời chị đóng vai chính trong phim “Đông Dương”, hay “Bé Đa” của Nhật. Tiếp đó là hàng loạt phim của đạo diễn Việt Kiều hay nước ngoài, như: “Xích lô”; “Mùa hè thẳng đứng”; “Sài Gòn nhật thực”; “Hai cô gái và ông chủ vườn thuốc”; “Hạt mưa rơi bao lâu”; “Cô dâu vàng”... Như Quỳnh trở thành diễn viên có số lượng phim hợp tác với nước ngoài nhiều nhất, chị là nhịp cầu giới thiệu nghệ sỹ điện ảnh Việt Nam ra thế giới, đúng như lời nhận xét của đồng nghiệp “gừng càng già càng cay!”.
Trong cuộc đời làm nghệ thuât với hơn 30 vai diễn, Như Quỳnh vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT (1988) rồi NSND (2007) và giải thưởng Diễn viên nước ngoài xuất sắc nhất tại Hàn Quốc, do Đài truyền hình SBS trao tặng vào cuối năm 2007. Hiếm có một diễn viên nổi tiếng lại có cuộc sống khiêm nhường, lịch lãm và mang đậm “phong cách Hà Thành” như chị. Nói về Như Quỳnh, ta có thể gọi chị là “người Hà Nội” theo đúng nghĩa tốt đẹp nhất về con người Tràng An.
Lê Lân
47, Đặng Thúc Hứa, Vinh