(Baonghean) - Hiện nay công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi đang đứng trước nhiều thử thách, nhất là ở khối nông thôn. Trước thực tế đó, việc tìm các giải pháp thiết thực để củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của chi đoàn cơ sở khối nông thôn đang là vấn đề được các cấp bộ đoàn quan tâm hiện nay.
Sinh hoạt theo đợt, hoạt động theo mùa…
Chi đoàn khối 13, phường Nghi Hương, Thị xã Cửa Lò hiện có khoảng 20 đoàn viên tham gia sinh hoạt (trong đó có 70% là HSSV của các trường đại học, cao đẳng) trên tổng số 40 đoàn viên ở độ tuổi đoàn. Bí thư chi đoàn khối 13, Đặng Hòa Bắc hiện đang là sinh viên của trường Đại học Vạn Xuân thành thật chia sẻ: “Bọn em thường vài ba tháng mới sinh hoạt chi đoàn một lần và các hoạt động được tổ chức tập trung theo đợt. Ví dụ vào các ngày lễ như ngày thành lập Đoàn 26-3, Ngày Quốc tế thiếu nhi, Tháng Thanh niên, Chiến dịch hè Tình nguyện… Tương tự ở khối 11 cũng có khoảng 20 đoàn viên thanh niên tham gia sinh hoạt nhưng chủ yếu là lực lượng HSSV, việc duy trì sinh hoạt mỗi tháng một lần theo qui định không thể thực hiện được, các hoạt động thường chỉ tổ chức được vào ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật”. Trao đổi với chúng tôi, anh Hoàng Văn Hợp - Bí thư Đoàn xã Nghi Hương cho biết: Ngay cả đội ngũ bí thư chi đoàn 14 khối xóm cũng chủ yếu phải vận dụng HSSV của các trường ĐH, CĐ trên địa bàn hoặc những trường hợp đã tốt nghiệp xong chưa tìm được việc làm. Toàn phường hiện có 170 ĐVTN đi xuất khẩu lao động, đó là chưa kể lực lượng thanh niên đi làm các công việc khác, không có mặt tại địa phương.
Đây là thực trạng chung của nhiều chi đoàn khối nông thôn hiện nay. Trao đổi với chúng tôi nhiều cán bộ Đoàn thừa nhận một thực tế: Làng vắng bóng thanh niên nên tổ chức Đoàn không tập hợp được lực lượng để tổ chức hoạt động. Đội ngũ bí thư chi đoàn khối xóm không ổn định, vừa thiếu lại vừa yếu về kĩ năng nghiệp vụ cũng như khả năng tổ chức hoạt động và tập hợp ĐVTN, có chi đoàn 1 tháng thay đến 2 - 3 bí thư. Vì vậy chất lượng sinh hoạt chi đoàn cơ sở hiện nay chưa thật sự đổi mới, nội dung sinh hoạt nghèo nàn, do vậy chưa thu hút đoàn viên thanh niên tham gia. Chị Chu Thị Ngọc, Bí thư Đoàn xã Quỳnh Giang huyện Quỳnh Lưu cho biết: Hầu hết thanh niên học xong cấp 3 đều theo học các trường ĐH,CĐ và TC, số còn lại thì đi làm ăn xa, số không đi đâu thì thuộc nhóm thanh niên không có ý chí, số lập gia đình thì bị đè nặng bởi gánh nặng kinh tế, không mặn mà với các phong trào đoàn. Vì vậy ở các chi đoàn nông thôn chất lượng sinh hoạt không cao, hoạt động ít. Tại một cuộc hội thảo về đoàn khối nông thôn do huyện đoàn Quỳnh Lưu tổ chức, ông Tô Văn Thắng - Bí thư Đảng ủy xã QuỳnhThuận bày tỏ trăn trở thực tế chất lượng sinh hoạt chi đoàn và chất lượng đoàn viên có nhiều bất cập, tỷ lệ tập hợp thấp (Quỳnh Thuận có 9 chi đoàn nông thôn, 3 chi đoàn trường học nhưng chỉ có hơn 400 ĐVTN được tập hợp/1.500 thanh niên trong độ tuổi, chủ yếu là ĐVTN trường học) và phải sinh hoạt đặc thù.
Không có lực lượng nên nhiều chi đoàn khối nông thôn hoạt động tập trung vào dịp hè khi thanh niên trường học được nghỉ và cũng chủ yếu xoay quanh các phần việc bề nổi như vệ sinh môi trường, nạo vét kênh mương, giao lưu văn hóa, văn nghệ. Công tác bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên cho đảng xem xét kết nạp thiếu tính chủ động, chủ yếu phụ thuộc vào cấp ủy chi bộ, vẫn còn tình trạng cấp ủy “ tìm việc” cho tổ chức đoàn. Công tác đoàn vụ tại một số cơ sở chưa được quan tâm, việc quản lý sổ sách, theo dõi đoàn viên còn hạn chế. Tình trạng đoàn viên bỏ sinh hoạt Đoàn, đoàn viên không chuyển sinh hoạt Đoàn còn diễn ra ở nhiều cơ sở đoàn.
Ngoài những nguyên nhân từ phía tổ chức Đoàn, cũng phải đề cập các đến vấn đề một số chi ủy, chi bộ chưa thực sự quan tâm đến tổ chức Đoàn, nhiều nơi chưa phân công chi ủy, đảng viên phụ trách công tác thanh niên hoặc có phân công nhưng chỉ mang tính hình thức. Ý thức tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động đoàn thể của một bộ phận đoàn viên thanh niên kém. Mặt khác, hiện nay đời sống ở nông thôn còn nhiều khó khăn nhưng chế độ, chính sách cho cán bộ đoàn nhất là ở cấp thôn xóm còn nhiều bất cập vì vậy họ không gắn bó, nhiệt tình với công việc…
Và các giải pháp…
Trước thực trạng trên, nhiều tổ chức Đoàn đã tích cực tìm ra những giải pháp thiết thực để củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của chi đoàn cơ sở khối nông thôn. Huyện Nghi Lộc hiện có có 593 Chi đoàn cơ sở với hơn 36.000 đoàn viên, thanh niên trong độ tuổi. Trong thời gian qua, đặc biệt là trong “Năm chi đoàn” 2013, BTV huyện đoàn Nghi Lộc triển khai nhiều nội dung, giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của các chi đoàn cơ sở. Trước hết là ban hành các quy định quản lý đoàn viên, hướng dẫn quản lý hệ thống hồ sơ đoàn vụ, sổ quản lý đoàn viên, chú trọng việc kết nạp đoàn viên không chạy theo số lượng, lựa chọn những thanh niên ưu tú có phẩm chất đạo đức tốt, ý thức phấn đấu rèn luyện để xem xét kết nạp. Chú trọng đổi mới nội dung, hình thức, sinh hoạt và hoạt động của tổ chức Đoàn: tổ chức sinh hoạt chi đoàn điểm, sinh hoạt liên chi đoàn, sinh hoạt chuyên đề và sinh hoạt toàn Đoàn. Ban hành tiêu chí “Chi đoàn mạnh cấp huyện” trong đó chú trọng các nội dung như: duy trì sinh hoạt chi đoàn hàng tháng, có công trình phần việc thanh niên, có điển hình thanh niên làm kinh tế giỏi, hệ thống hồ sơ đầy đủ rõ ràng, làm tốt công tác quản lý đoàn viên thanh niên, không có đoàn viên vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội. Ban Thường vụ Huyện đoàn Nghi Lộc cũng đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng nghiệp vụ như kỹ năng nói trước tập thể, kỹ năng viết, soạn thảo văn bản, khai thác và sử dụng internet, kỹ năng tổ chức trò chơi… để cán bộ Đoàn nắm bắt, tham mưu và tổ chức các hoạt động có chất lượng, hiệu quả. Chú trọng công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho thanh niên, tạo điều kiện cho đoàn viên thanh niên mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế, làm giàu trên mạnh đất quê hương.
Còn tại huyện Quỳnh Lưu, Bí thư Huyện đoàn Nguyễn Văn Thưởng cho biết: Để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động của đoàn khối nông thôn, nhất là 538 chi đoàn cơ sở, ngoài việc ban hành kế hoạch thực hiện chương trình hành động đổi mới phương thức hoạt động đoàn, hướng dẫn sinh hoạt đoàn 2 chiều, chỉ đạo các cấp bộ đoàn tham mưu làm tốt công tác qui hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn cán bộ đảm bảo chất lượng và trẻ hóa, Ban chấp hành huyện đoàn đã tổ chức hội thảo về thực trạng và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tổ chức đoàn ở nông thôn hiện nay. Trong năm 2013, Huyện đoàn Quỳnh Lưu đã tổ chức thành công hội thi kỳ sinh hoạt chi đoàn chất lượng cho các chi đoàn nông thôn khắc phục khó khăn trong việc duy trì thực hiện sinh hoạt chi đoàn 1 lần/tháng.
Nhiều chi đoàn khối nông thôn ở Thị xã Cửa Lò đã có sự phối hợp chặt chẽ với các chi bộ, các tổ chức đoàn thể như Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ có trách nhiệm trong việc động viên, khuyến khích con em cán bộ, đảng viên tham gia công tác Đoàn và phong trào thanh niên tại địa phương và có sự ràng buộc trong việc đánh giá, xếp loại cuối năm. Khi có nội dung quan trọng, một số chi đoàn còn mời đại diện cấp ủy và các chi hội tham gia dự sinh hoạt chi đoàn và ngược lại. Cùng với nhiều đơn vị khác như Thanh Chương, Tân Kỳ… Thị đoàn Cửa Lò cũng tham mưu cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện để bí thư chi đoàn khối xóm kiêm nhiệm chức danh thôn đội trưởng hoặc công an viên. Hiện toàn Thị xã có 60% bí thư chi đoàn đang kiêm nhiệm các chức danh này, vừa tăng mức hỗ trợ vừa tạo động lực để họ gắn bó với phong trào.
Nói về các giải pháp nâng cao chất lượng đoàn cơ sở khối nông thôn, anh Chu Đức Thái - Trưởng Ban tổ chức Tỉnh đoàn cho biết: BTV Tỉnh đoàn đã ban hành Hướng dẫn 14 về việc sinh hoạt đoàn trên địa bàn dân cư, tăng cường sinh hoạt hai chiều. Theo đó đoàn viên thanh niên đang sinh hoạt, học tập tại các trường THPT, TCN, TTGDTX trên địa bàn có trách nhiệm và nghĩa vụ phải sinh hoạt đoàn tại địa phương nơi cư trú, chịu sự quản lý đánh giá song song của đoàn trường và chi đoàn nơi cư trú. Nhờ đó, lực lượng đoàn viên sinh hoạt tại địa phương trong dịp hè cũng như trong năm học được tăng cường và có nhiều hoạt động sôi nổi.
Căn cứ quy chế 289 của Trung ương Đoàn, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã chỉ đạo đoàn cơ sở tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền quan tâm công tác quy hoạch cán bộ Đoàn đảm bảo theo độ tuổi, cán bộ Đoàn trưởng thành được chuyển sang đảm nhận các nhiệm vụ công tác mới; tạo cơ chế thuận lợi cho Đoàn hoạt động, ví dụ như giao cho Đoàn đảm nhận các công trình, phần việc trên địa bàn để có kinh phí hoạt động, quan tâm kiểm tra chỉ đạo sâu sắc, tạo cơ chế phối hợp các ngành đoàn thể, các tổ chức nhằm xã hội hóa công tác thanh thiếu nhi. Chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ, hạn chế tình trạng đoàn viên thanh niên bỏ đi làm ăn xa gây khăn trong công tác tập hợp, quản lí, tổ chức các hoạt động, phong trào Đoàn. Hướng dẫn cơ sở thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra định kỳ, kiểm tra chuyên đề, định hướng sinh hoạt chi đoàn, kịp thời tuyên dương và nhân rộng các mô hình mới, cách làm hay.
Khánh Ly