(Baonghean) - "Từ xưa đến nay, dệt thổ cẩm là nghề truyền thống ở Noọng Dẻ. Mỗi nhà tự dệt áo, khăn, chăn... để phục vụ gia đình mình. Dệt thổ cẩm còn giúp con gái lớn lên biết một nghề trước khi về nhà chồng. Mấy năm nay, người xuôi lên tận bản đặt hàng, bà con Noọng Dẻ vui lắm!”, mế Lo Mẹ Mi ở làng nghề thổ cẩm bản Noọng Dẻ, xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn) chia sẻ...
 
images1003472_img_4307.jpgMế Lo Mẹ Mi bản Noọng Dẻ bên khung cửi.
 
Từ Thị trấn Mường Xén ngược lên Nậm Cắn 12 cây số đường trải nhựa phẳng lỳ, đi xe máy chỉ mất vài chục phút là đến nơi. Bản Noọng Dẻ nhà nhà sát nhau hai bên Quốc lộ 7 luôn tấp nập người ra vào. Ở đây, nhà nào cũng có ít nhất 2 khung cửi. Nhìn bàn tay gầy của mế Mi vuốt tấm vải trên khung cửi mới thấy được cái nghề dệt thổ cẩm không chỉ đòi hỏi sự cần cù, mà còn phải khéo tay. Mế Mi năm nay tuổi đã ngoài 65, ngày nào mế cũng ngồi vào khung cửi dệt thổ cẩm. "Ngày xưa, bà con Noọng Dẻ phải xuống chợ Mường Xén mới mua được nguyên liệu về dệt khăn, váy, phải đi bộ mỏi cả đôi chân, đường khúc khuỷu, cheo leo, nhiều tảng đá lớn, đá nhỏ giăng trước mắt, nỏ ai dám đi xe máy, sợ rơi xuống vực sâu. Rứa mà yêu nghề canh cửi nên nhà mô cũng đi. Muốn mua được nguyên liệu để về nhà sớm bà con phải dậy từ khi mặt trời chưa ló dạng, lúc về đến nhà mặt trời cũng đã khuất núi từ lâu. Mua được nguyên liệu, ai cũng háo hức. Ngày ấy, dệt thổ cẩm để phục vụ gia đình, không như bây giờ dệt được nhận tiền theo sản phẩm. Dăm ba tháng, bà con xuống chợ một lần, mua nguyên liệu, tiện thể mua một số đồ dùng trong gia đình như muối, dầu, mắm... Ai nấy chất một gùi đầy chặt. 
 
Chú trọng nhất vẫn là váy áo  mặc khi đi chơi các ngày lễ, tết, ngày hội. Ngày hội, khăn váy dệt cầu kỳ hơn nhiều, từ màu sắc, phối hợp giữa màu này với màu kia phải đẹp, phải rực rỡ, từ cái khăn, cái dây thắt lưng cũng phải phối hợp sao cho hài hòa với bộ váy áo. Cầu kỳ lắm. Còn váy áo mặc hàng ngày cũng phải phối màu đúng bản sắc dân tộc, đúng gam màu mà bà, mẹ dệt khi xưa, ấy là gam màu đen, xanh đỏ phải là màu chủ đạo. Theo thời gian, người xuôi đi qua về lại Quốc lộ 7, xã Nậm Cắn, thấy váy áo người dân Noọng Dẻ mặc, một số bà con đem bán ở các phiên chợ, người người tìm về hỏi mua, dần dần bà con dân bản dệt váy áo để bán.
 
Dệt những lúc nông nhàn, chủ yếu vẫn đi làm nương, rẫy cho đến khi trong bản có người đứng ra nhận hàng về cho bà con dệt. Bản Noọng Dẻ vốn rộn ràng càng rộn ràng hơn từ bấy đến giờ". "Dệt một cái khăn mất bao lâu hả mế?", "Một ngày làm liên tục một người dệt được gần 3 cái khăn. Nhưng không phải ngày mô cũng làm liên tục. Bà con còn đi rẫy, đi nương... Ngày tranh thủ vài ba tiếng. Đến ngày giao hàng, có khi dệt đến 10, 11 giờ đêm mới nghỉ. Vào các ngày mùa, gieo hạt, đàn ông đi rẫy thay để phụ nữ, con gái ở nhà dệt cho kịp giao hàng. Từ nghề dệt cũng cho thu nhập một tháng 1,5 đến 2 triệu đồng/người”. Ở bản Noọng Dẻ, mế Mi là Hội trưởng Hội Phụ nữ bản, là người thay mặt cho bà con làng nghề đứng ra hợp tác với các công ty ở Hà Nội, Vinh giao nhận hàng. Hàng tháng, mế Mi đưa nguyên liệu về cho bà con làm, hẹn ngày thu gom sản phẩm, bà con chỉ việc dệt, không phải lo nguồn tiêu thụ, cũng không phải lặn lội xuống chợ huyện như xưa để tìm mua nguyên nữa. Bà con thích lắm". 
 
Mỗi người đảm nhận mỗi việc, nhóm dệt khăn, nhóm dệt váy áo, nhóm dệt chăn, gối... ai ai cũng vui bởi được làm cái việc mình thích, mình yêu, lại vừa có thêm thu nhập. Trên 200 hộ của bản Noọng Dẻ, có trên 400 chiếc khung cửi. Có nhà sắm 3 cái khung cửi dệt thổ cẩm. Mế Cụt Mẹ Văn bảo: "2 khung cửi của nhà mế có cái nhiều tuổi nhất trên 60 năm rồi, ấy là cái khung dệt của mẹ chồng mế đó. Còn khung dệt này, cũng 30 năm tuổi rồi. Ngày mế về làm dâu, mẹ chồng mế tặng khung cửi này đây, các con gái, con dâu mế cũng dệt giỏi lắm. Gia đình mế có tháng được nhận trên 4 triệu đồng tiền công. Bà con dân bản phấn khởi lắm...", mế Văn vừa nói chuyện vừa đưa nhẹ bàn chân, đôi tay trên khung cửi dệt.
 
Nghề dệt thổ cẩm ở bản Noọng Dẻ đã trở thành hình ảnh cho nét đẹp văn hóa đồng bào các dân tộc, vừa góp phần giúp bà con xóa đói, giảm nghèo.
 
Thu Hương