Gia đình ông Hồ Hữu Thọ ở xã Quỳnh Bảng năm nay thả nuôi 3 ao, lịch thả tôm từ ngày 1/3. Cũng như các năm, gia đình ông đều áp dụng kỹ thuật nuôi tôm theo hướng dẫn của cán bộ Phòng Nông nghiệp, Trạm Thú y huyện nên diện tích tôm phát triển tốt. Sau gần 3 tháng tập trung chăm sóc, ngày 19/5, gia đình ông bắt đầu vụ thu hoạch tôm. Với diện tích ao 4.000 m2, ông thuê 4 nhân công kéo lưới bắt tôm sau đó bán cho thương lái; ước tính sau khi thu xong, bình quân 1 ao (khoảng 4.000 m2) đạt năng suất gần 4 tấn tôm, đạt trọng lượng 60 con/kg.
"Vụ tôm này, bà con phải cật lực chăm sóc, chủ động phòng trừ dịch bệnh nên tôm mới phát triển tốt. Năm nay tuy thời tiết bất lợi, nhưng 3 ao tôm của gia đình đều phát bình thường. Bình quân 1 ao thu hoạch lãi hơn 250 triệu đồng"- ông Thọ chia sẻ.
Năm 2018, xã Quỳnh Bảng có 80 ha tôm vụ 1, bắt đầu từ ngày 10/5 đến nay, bà con đã thu hoạch được khoảng 20 ha. Theo các hộ nuôi tôm, năng suất năm nay tương đương năm ngoái, bình quân mỗi héc ta đạt 5-7 tấn. Giá thu mua hiện giờ tùy thuộc vào trọng lượng tôm; loại 60 con/ kg giá 150 nghìn đồng/ kg, loại 40 con giá 180 - 200 nghìn đồng/kg. Với giá thu mua này, một số hộ nuôi với diện tích lớn thì vụ này thu về tiền tỷ.
"Để mùa tôm đạt kết quả cao, ngoài phụ thuộc vào thời tiết, các chủ đầm đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để cải tạo hạ tầng ao nuôi hiện đại hơn. Toàn bộ ao nuôi đều trải bạt đen, có ao lắng riêng biệt, nên hạn chế dịch bệnh ở tôm. Tôm nuôi cứ hơn 40 ngày trở lên, người dân đã có lãi rồi, không lo thất thu"- ông Hồ Thái Hùng, người có có 7 ao nuôi tôm, dự kiến thu hoạch hơn 28 tấn, thu về hơn 2 tỷ đồng ở xã Quỳnh Bảng phấn khởi cho biết.
Cùng với xã Quỳnh Bảng, nhiều địa phương khác như Quỳnh Thanh, Quỳnh Lương, An Hòa... cũng đang vào vụ thu hoạch tôm. Theo số liệu từ phòng NN&PTNT huyện Quỳnh Lưu, tính đến ngày 20/5, tổng diện tích tôm đã thu hoạch là gần 30 ha. Bình quân những hộ có tôm thu hoạch vụ này thu lãi từ 150 - 300 triệu đồng.
Dự kiến khoảng cuối tháng 5, đầu tháng 6 dương, người dân sẽ đồng loạt thu hoạch.