Thời gian này, bà con xã miền núi Quỳnh Thắng đang chính vụ thu hoạch, chế biến rễ cây hương bài.
Ông Nguyễn Văn Mạnh - một hộ trồng hương bài cho biết, cây hương bài sau khi thu hoạch về cần phải sơ chế, tách vỏ, cho vào máy ép để phơi khô. Nếu nắng ráo, trong khoảng 2 ngày là rễ hương khô; lúc đó bà con sẽ đóng gói và xuất bán cho thương lái.
Toàn xã Quỳnh Thắng hiện có 260 ha diện tích cây hương bài, mỗi năm sản lượng rễ hương được sơ chế, cung cấp ra thị trường khoảng hơn 1.000 tấn.
Ông Lê Tiến Sơn ở xóm 1 Tiến Thành là hộ sản xuất hương thẻ lớn nhất trên địa bàn xã. Với 4 máy đùn hương và 1 máy xay hương có tổng trị giá gần 120 triệu đồng; mỗi năm ông chế biến từ 40 tấn - 50 tấn hương thẻ xuất bán ra thị trường.
Ông Sơn cho biết, địa phương tự sản xuất ra nguyên liệu nếu chỉ sơ chế, phơi khô rồi xuất bán thì giá trị mang lại không nhiều. Tuy nhiên, nếu người dân kết hợp chế biến ra sản phẩm, cung cấp cho thị trường thì giá trị cao hơn nhiều. Như 1 ha rễ khô bán giá 32.000 đồng/kg, sẽ cho thu nhập 130 - 140 triệu đồng, nếu chế biến ra hương thẻ sẽ nâng giá trị lên 200 - 250 triệu đồng/ha.
Theo thống kê, mỗi năm bà còn ở đây sản xuất ra hơn 100 tấn hương thẻ và hơn 2 triệu búp hương trầm.
Ông Lê Văn Nga - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thắng cho biết, địa phương có điều kiện thuận lợi để phát triển cây hương bài. Hiện nay, toàn xã có khoảng 30% hộ dân phát triển giống cây này, mỗi năm người dân thu lãi từ 70 - 90 triệu đồng/ha. Nhận thấy hiệu quả từ cây hương bài mang lại, địa phương hiện đang khuyến khích bà con phát triển nghề chế biến hương thẻ, hương trầm để nâng cao giá trị kinh tế. Định hướng sắp tới, xã sẽ lập hồ sơ để được công nhận làng nghề chế biến hương thẻ ngay trên địa bàn.
Nhằm phát triển cây hương bài này, hiện nay nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện như Quỳnh Châu, Quỳnh Tân, Tân Thắng... đang trồng với diện tích lớn. Mặc dù thời gian chăm sóc kéo dài nhưng giá cả luôn ổn định và được xem là cây trồng có giá trị kinh tế cao./.