Nhận thấy nguồn chất thải rắn phát sinh tại các trường học là rất lớn, với mong muốn thay đổi nhận thức về hành vi về thu gom xử lý rác thải, góp phần bảo vệ mô trường, em Nguyễn Thị Quỳnh Như đã nghiên cứu dự án: Tìm hiểu nhận thức, hành vi về vấn đề rác thải, xây dựng mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải trong nhà trường nhằm thu hồi lại các thành phần có ích trong rác có thể sử dụng để chế biến thành các sản phẩm mới dưới dạng vật chất và tiết giảm lượng chất thải ra môi trường.
Được sự giúp đỡ của các bạn học sinh, thầy cô giáo, cán bộ, công nhân nhà máy xử lý rác thải, Quỳnh Nhi bắt tay vào tìm hiểu thu thập thông tin thành phần rác thải trong trường học và khảo sát hiểu biết về rác thải cũng như ý thức bảo vệ môi trường của các bạn học sinh để thực hiện ý tưởng của mình.
“Hiện nay vấn đề rác thải đang là vấn đề lớn được mọi người quan tâm, vẫn còn nhiều người chưa phân biệt được các loại rác thải, làm lãng phí nguồn tài nguyên này nên em đã nghiên cứu và xây dựng mô hình phân loại rác” - Quỳnh Nhi cho biết.
Nội dung tuyên truyền chủ yếu xoay quanh khái niệm về rác thải, sơ đồ thu gom, tác hại của rác thải đến môi trường; phân loại rác thải tại nguồn là gì, cách phân loại rác, lợi ích và cách xử lý rác sau phân loại, trắc nghiệm…
Sau khi tuyên truyền, 100% các bạn học sinh đã nhận thức được rác thải không phải là thứ bỏ đi hoàn toàn, nó có thể tái sử dụng, tái chế. Nhờ đó, tỷ lệ các bạn biết được tác hại của rác thải nếu không được thu gom và xử lý đúng đã tăng lên.
Từ ý tưởng của mình, được sự hướng dẫn của thầy cô giáo, Nguyễn Thị Quỳnh Nhi đã nghiên cứu thành công đề tài, giúp học sinh trong nhà trường dần thay đổi nhận thức và hành vi về thu gom, xử lý rác thải.
Hiện nay, tại sân trường, các lớp học đều có các thùng rác để phân loại rác và rác sau khi phân loại được xử lý hợp lý. Mỗi thùng rác được dán nhãn khác nhau trong đó thùng thứ nhất đựng các rác tiết giảm như túi bóng, giấy kẹo, hộp xốp… không phân hủy được để công ty môi trường mang đi xử lý. Thùng thứ 2 đựng rác thải tiết kiệm như giấy vụn, đồ nhựa vỡ hỏng… có thể mang bán nhằm mục đích gây quỹ Đội. Thùng thứ 3 đựng rác hữu cơ, là các loại rác có khả năng tự phân hủy như hoa quả, lá cây… để tái chế làm phân vi sinh sẽ được tập kết ở một hố phía sau trường.
Thầy Võ Minh Thành - giáo viên hướng dẫn cho em Quỳnh Nhi cho biết thêm: “Khi Nhi nêu ý tưởng, tôi thấy đề tài này phù hợp với năng lực học sinh cũng như có thể vận dụng các môn học vào thực tế được nên đã tận tình chỉ bảo, giúp em hoàn thành đề tài này”.
Có thể nói, đề tài “Tìm hiểu nhận thức, hành vi về vấn đề rác thải, xây dựng mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải” của em Nguyễn Quỳnh Nhi đã gặt hái được những thành công đáng kể, qua đó nhằm giáo dục tới các bạn học sinh về phân loại rác thải tại trường học. Đặc biệt hơn là giáo dục cho các bạn học sinh về việc bảo vệ môi trường; có ý thức nâng cao vai trò trách nhiệm trong việc xây dựng môi trường sống trong lành./.