Thời điểm đầu tháng Chạp, các vườn hoa cúc trên địa bàn Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành... đã phát triển tốt, phần lớn đang giai đoạn làm nụ, một số luống do trồng sớm, người trồng hoa đang huy động nhân lực vào lưới cho nụ để xuất bán vào dịp Rằm tháng Chạp. Theo bà con cho biết, năm nay thời tiết khá thuận lợi, nên hoa cúc phát triển nhanh, nhưng không khỏi lo lắng do thị trường khó tiêu thụ, nếu dịch bệnh phức tạp vào những ngày cận Tết. Bởi vậy, nhiều hộ trồng rải vụ để đáp ứng thị trường trước, trong và sau Tết.
Vợ chồng anh Tuyết - An chủ vườn hoa cúc ở xã Diễn Kỷ (Diễn Châu) cho hay, như các năm trước, năm nay vợ chồng vẫn trồng khoảng 15 vạn cây cúc Tết các loại. Tuy nhiên, năm nay do giá phân bón tăng giá cao, nên chi phí đầu tư lớn hơn nhiều so với các năm trước. Tính ra chi phí để trồng 15 vạn cây hoa cúc này riêng giống, phân bón, tiền điện... là hơn 120 triệu đồng, chưa kể lưới, dây, bóng điện đã đầu tư năm trước, nay tái sử dụng. Đầu tư lớn là vậy, nên không khỏi lo lắng trước tình hình thị trường tiêu thụ khó lường.
"Đề phòng thị trường giáp Tết khó tiêu thụ, gia đình chủ động xuống giống trồng nhiều thời điểm, trong đó số lượng hoa bán vào dịch Tết chiếm khoảng 50%, số còn lại 50% bán trước và sau Tết. Các năm trước, giá bán sỉ tại vườn gần 3.000 đồng/cây đã có lãi, nhưng năm nay nếu bán với giá như vậy thì lỗ, bởi chi phí đầu tư lớn hơn", chị Tuyết chia sẻ.
Tại khu vực trồng hoa cúc Tết lớn nhất của huyện lúa, ở khối 4, thị trấn Yên Thành dịp này bà con cũng tất bật bởi các công đoạn vào lưới cho nụ, tưới nước...
Bà Nguyễn Thị Lợi, chủ vườn hoa cúc cho biết, theo dự đoán Tết năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hoa sẽ khó tiêu thụ hơn. Do vậy, gia đình trồng rải vụ, tập trung chăm sóc để xuất bán vào nhiều dịp khác nhau trước, trong và sau tết Nguyên đán.
"Toàn bộ vườn hoa có khoảng 1,4 vạn cây hoa cúc. Mới rồi gia đình đã xuất bán khoảng 3 nghìn cây, phục vụ thị trường ngày mồng 1 tháng Chạp, với giá 4.000 đồng/cây là được giá. Ngày Rằm tháng Chạp tới, dự kiến xuất bán 3 nghìn cây; dịp tết Nguyên đán dự kiến xuất bán 5 nghìn cây, còn lại 3 nghìn cây sẽ xuất bán vào ngày Rằm tháng Giêng. Điều chỉnh được như vậy sẽ giảm áp lực thị trường ngày cuối năm. Hiện nay trên địa bàn tỉnh và các tỉnh khác, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở một số địa phương. Tôi chỉ lo dịch còn diễn biến phức tạp vào những ngày cận Tết thì mặt hàng hoa cúc gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ", bà Lợi chia sẻ.
Còn vài tuần nữa là đến tết Nguyên đán 2022, nhiều người trồng hoa cúc đang túc trực mỗi ngày ở vườn để chăm sóc, hoàn thành các công đoạn cuối. Hầu hết các chủ vườn hoa cúc trên địa bàn Nghệ An hy vọng thời tiết sắp tới sẽ thuận lợi. Đặc biệt, mong dịch bệnh Covid-19 được khống chế để hoa cúc có thị trường tiêu thụ ổn định, phục vụ nhu cầu của người dân vui Xuân, đón Tết./.