Địa bàn xã Tam Quang, Tương Dươnghiện có khá nhiều hộ dân chăn nuôi lợn đen (giống lợn bản địa) để chuẩn bị cho tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Ông Lô Hùng ở bản Tùng Hương, xã Tam Quang cho biết: Ngay từ tháng 8 âm lịch, gia đình đã nuôi 50 con lợn đen bản địa (tự nhân giống), khoảng hơn 5 tháng là xuất chuồng mà hiện nay khách đã đặt hết rồi.
Theo ông Hùng: Giống lợn đen chủ yếu nuôi thả rông, ăn thức ăn tận dụng trong gia đình chủ yếu là rau rừng, chuối, khoai, sắn... nên thịt săn chắc, thơm ngon, ăn thịt mỡ giòn không bị ngấy, nên được khách hàng rất ưa chuộng.
Bà Kha Thị Hiền - Chủ tịch UBND xã Tam Quang cho biết thêm: Địa bàn xã hiện có gần 60 hộ chăn nuôi lợn đen địa phương nhưng chủ yếu chăn nuôi quy mô nhỏ, từ 15-20 con/hộ gia đình, hộ nuôi nhiều đạt 50-60 con. Dịp tết, nhu cầu lợn đen là rất lớn nên các hộ gia đình đang tích cực chăm sóc đàn lợn để phục vụ cho khách hàng.
Hiệu quả kinh tế mà lợn địa phương đem lại là rất khả quan, về lâu dài xã khuyến khích người dân tự nhân giống lợn đen bản địa phát triển chăn nuôi theo hướng thực phẩm sạch, bằng các thức ăn sẵn có của địa phương để giữ được chất lượng sản phẩm, khi đưa ra thị trường.
Theo báo cáo của phòng Nông nghiệp huyện Tương Dương, hiện nay tổng đàn lợn toàn huyện trên 20.000 con, thì trong đó lợn đen đặc sản chỉ khoảng 8.000 con. Giá lợn đen bản địa ổn định từ 120.000 - 150.000 đồng/kg. Nguyên nhân lợn đen do đồng bào vùng cao nuôi vẫn bán với giá cao là do loại lợn này ngày càng khan hiếm, trong khi nhu cầu người mua nhiều, đặc biệt là dịp giáp tết.
Lợn đen là một trong những giống lợn có sức đề kháng tốt, không kén thức ăn, dễ nuôi, dễ thích nghi với mọi điều kiện sống, nhất là những nơi rộng rãi, núi đồi. Tuy nhiên, hiện nay các huyện rẻo cao như Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu... số lượng lợn đen đặc sản do đồng bào nuôi ngày càng giảm dần về số lượng nhất là thời gian trước dịch bệnh làm con giống khan hiếm.
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, do những nơi nuôi lợn bản địa chủ yếu ở vùng cao, địa bàn rộng, trình độ bà con còn lạc hậu nên việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi còn hạn chế, công tác phòng chống dịch bệnh ít được chú trọng...
Do đó, để phát triển đàn lợn đặc sản ở Nghệ An theo hướng hàng hóa hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế cao cho bà con các địa phương cần tăng cường năng lực sản xuất giống tại chỗ, chú trọng chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và liên kết vùng chăn nuôi; nâng cao năng lực nghiên cứu, chọn tạo, nhân giống trên cơ sở đào tạo nguồn nhân lực và đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật…