(Baonghean) - Bé Bim nhà mình sang năm mới lên lớp Một nhưng có vẻ háo hức được đi học lắm rồi. Chiều nào Bim cũng ngóng chị Na hàng xóm đi học lớp Một về để hỏi chuyện ở lớp. Hôm nay trời đã nhá nhem tối mà con bé vẫn ngồi ăn kẹo mút ở nhà, mình ngạc nhiên hỏi thì nó phụng phịu trả lời:
- Bim không đi học nữa đâu, chị Na kể cho Bim nghe trên báo đăng tin có các anh chị học sinh tiểu học phải đi qua thảm trải thuỷ tinh vỡ để học cách dũng cảm. Bim không muốn dũng cảm, Bim sợ lắm! Mẹ dặn Bim không được đi chân trần, phải đi dép không nhỡ giẫm phải mảnh chai. Bim nghe lời mẹ cơ!
Mình nghe con bé phàn nàn, không nén nổi một tiếng thở dài và một câu hỏi chưa tìm ra lời giải đáp. Tại sao?
Thời mình còn đi học, chưa có môn kỹ năng sống mà chỉ có môn đạo đức, giáo dục công dân, kỹ thuật, công nghệ… là những môn học dạy cho học sinh những hiểu biết thường thức cũng như các hành vi, cư xử trong cuộc sống đời thường. Mình còn nhớ, tiết học đạo đức và công nghệ bao giờ cũng được cả lớp háo hức chờ mong bởi những câu chuyện kể thú vị, những bài học về cách khâu vá, thêu thùa, nấu ăn hay thậm chí là sửa chữa các đồ gia dụng hư hỏng nhẹ… Đó là những kiến thức hết sức đơn giản, đầy mới mẻ nhưng cũng rất thân thuộc bởi đều là những sự vật, sự việc mà chúng ta tiếp xúc hàng ngày. Không chỉ thay đổi không khí học tập, tạo sự thoải mái về trí óc cho học sinh, những tiết học như vậy còn góp phần đem đến cho học sinh một sự giáo dục toàn diện. Các em học sinh không chỉ học trên sách vở mà còn học để trở thành một công dân nhỏ gắn kết hài hoà với cuộc sống cộng đồng.
Quay trở lại với câu chuyện lớp học về lòng dũng cảm bằng cách dạy cho học sinh đi chân không giẫm lên thuỷ tinh, trước khi bàn về mức độ nguy hiểm của phương pháp này, mình có hai điều băn khoăn. Thứ nhất, giẫm lên thuỷ tinh có phải là một hành động, kỹ năng thiết thực, có thể giúp ích cho chúng ta trong cuộc sống hay không? E rằng câu trả lời là không. Có lẽ chúng ta vẫn thường nghe đến những nhà tu hành khổ hạnh hoặc những người diễn trò mạo hiểm đi chân trần trên than hồng, trên thuỷ tinh,…chứ đã có ai gặp phải tình huống đó trong cuộc sống thường nhật? Vậy thì, đó có thực sự là một kỹ năng sống cần phải trang bị cho các em học sinh, có lẽ không khó để trả lời câu hỏi này.
Nhưng quan trọng hơn cả, mình cho rằng phương pháp giáo dục này thể hiện một lối tư duy, nhận thức không hoàn toàn đúng về lòng dũng cảm. Như thế nào là dũng cảm? Một nhà triết học phương Tây từng phân tích về tâm lý con người như thế này: “Ai cũng có những nỗi sợ nhất định, bởi con người là một thực thể không hoàn hảo. Nhưng đồng thời, con người lại luôn hướng đến sự hoàn hảo, và trên con đường tìm kiếm đó, nhất định phải vượt qua được nỗi sợ hãi. Đó chính là lòng dũng cảm”. Có nghĩa là, sự dũng cảm không được đánh giá bằng độ khó hay mức độ nguy hiểm của hành động, mà nằm ở ý chí của chủ thể thực hiện hành động. Có những người có thiên hướng bẩm sinh ưa thích mạo hiểm, việc leo một ngọn núi dốc hay nhảy tự do từ trên cao xuống đối với họ không hề mang lại cảm giác sợ hãi, thậm chí còn gây thích thú. Như vậy, không thể đánh giá đó là những người dũng cảm, dù rất có thể, đó là những việc mà không phải ai cũng có thể làm.
Dũng cảm thực sự là khi chúng ta nếm trải mùi vị của sự sợ hãi, nhưng rồi vượt lên trên sự yếu đuối của bản thân, hướng đến điều chúng ta nên và cần làm. Một đứa trẻ không cần phải làm những việc ghê gớm như giẫm lên thuỷ tinh vỡ mới được coi là dũng cảm. Hãy dạy cho chúng dù sợ tiêm, sợ bác sỹ nhưng vẫn ngoan ngoãn đứng yên để tiêm một mũi thuốc khi cần thiết; dạy cho chúng dám đứng lên nhận lỗi khi mình làm sai;… chỉ những điều đơn giản ấy thôi, nhưng với trẻ con vẫn là những nỗi sợ to lớn khiến chúng đôi khi e dè khép mình lại. Sợ hãi là bản năng của con người, đừng mơ tưởng dạy cho trẻ con không biết đến nỗi sợ mà dạy cho chúng cách chấp nhận và vượt qua, từ những gì đơn giản nhất. Như thế, có khó lắm không?
Hải Triều